Theo Tổng cục Thống kê , đến hết quý III năm 2021, tình hình bệnh dịch COVID-19 trở nên phức tạp trên cả nước khiến việc giãn cách xã hội kéo dài, hàng loạt các doanh nghiệp , dịch vụ không thiết yếu buộc phải đóng cửa làm số lượng lớn lao động bị ảnh hưởng nặng nề và nhiều người buộc phải rời khỏi thị trường lao động.

Quý III năm 2021 cũng chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng của lực lượng lao động (49,1 triệu người, giảm 2,0 triệu người so với quý trước và 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước). Sự sụt giảm nghiêm trọng này, kéo theo tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong quý xuống thấp nhất trong 10 năm trở lại đây với 65,6%, giảm tương ứng 2,9 và 3,9 điểm phần trăm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Chuyên gia cho rằng, các chính sách an sinh xã hội cho người dân, người lao động cần được thực hiện đồng bộ để mang lại sự hỗ trợ hiệu quả, thiết thực - Ảnh minh họa

Chuyên gia cho rằng, các chính sách an sinh xã hội cho người dân, người lao động cần được

thực hiện đồng bộ để mang lại sự hỗ trợ hiệu quả, thiết thực - Ảnh minh họa

Trước thực trạng đã nêu, các chuyên gia cho rằng, song hành với các chính sách về nguồn cung lao động, các chính sách an sinh xã hội cho người lao động nói riêng và người dân nói chung cũng cần được thực hiện đồng bộ.

Thực tế, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người dân nói chung, các tỉnh/thành phố đã triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 với 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

>>> Phục hồi và phát triển kinh tế: Ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế

Đặc biệt, gói hỗ trợ lần thứ hai theo Nghị quyết 68/NQ-CP được thiết kế với mục tiêu kép, đó là tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới cùng lúc với đảm bảo an sinh xã hội cho các đối tượng yếu thế (như gói hỗ trợ lần thứ nhất theo Nghị quyết 42/2020). Nội dung gói hỗ trợ hướng đến phục hồi sản xuất-kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh (như giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; cho doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất...).

Tiếp đó, ngày 08/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 126/NQ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP nhằm hỗ trợ hơn nữa cho người lao động và người sử dụng lao động thông qua việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, cũng như hỗ trợ người lao động bị nghỉ việc, hoãn hợp đồng lao động… do phải cách ly y tế hoặc doanh nghiệp phải dừng hoạt động do thực hiện chống dịch… với các mức hỗ trợ một lần 1.855.000 đồng/người và 3.710.000 đồng/người tương ứng cho những người rơi vào các trường hợp trên từ 15 ngày liên tục tới dưới 1 tháng và từ 1 tháng trở lên.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV cũng đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 và Chính phủ ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 38.000 tỷ đồng và dự kiến gần 13 triệu người lao động và khoảng 386.000 đơn vị sử dụng lao động được hưởng chính sách hỗ trợ này.

Dù có nhiều chính sách an sinh xã hội, thế nhưng, hiệu quả mang lại chưa đúng như kỳ vọng - Ảnh minh họa

Dù có nhiều chính sách an sinh xã hội, thế nhưng, hiệu quả

mang lại chưa đúng như kỳ vọng - Ảnh minh họa

Chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động thì nhiều, thế nhưng, trên thực tế, việc thực thi các chính sách này, được cho còn nhiều hạn chế, bất cập và chưa kịp thời với một số đối tượng.

Cụ thể như về đối tượng thụ hưởng, các chính sách trong Nghị quyết 68/NQ-CP đã bỏ sót một nhóm lao động có giao kết hợp đồng lao động, tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội trong cơ sở kinh doanh vì Quyết định 23/2021/QĐ-TTg không quy định đối tượng làm việc trong các hộ kinh doanh cá thể. Cùng lúc đó, nhiều lao động không ký kết hợp đồng lao động và không tham gia BHXH (hay còn gọi là lao động phi chính thức, tự do) đã hoàn toàn mất sinh kế khi các tỉnh/thành phố thực hiện Chỉ thị 16 hoặc 16+ nhưng họ không là đối tượng trong các quy định hỗ trợ hiện nay…

Hay như, về mức hưởng và thời gian hưởng, các mức hỗ trợ của cả hai gói theo Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP đều thấp và không đáp ứng mức sống tối thiểu. Mức phổ biến cho lao động có hợp đồng là 3.710.000 đồng/người; đối với chủ hộ kinh doanh cá thể là 3.000.000 đồng/hộ; đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày (hay 1.500.000 đồng/người/tháng) thực sự không đáp ứng mức sống tối thiểu hoặc thấp hơn tiền lương tối thiểu theo qui định hiện nay. Quan trọng hơn, phần lớn các chính sách chỉ hỗ trợ một lần, tính linh hoạt và kịp thời chưa cao khi trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp…

Để đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người lao động thiết thực hơn, đúng đối tượng, các chuyên gia trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần xem xét tiếp tục hỗ trợ các nhóm đối tượng trợ giúp xã hội vì phạm vi hỗ trợ trong Nghị quyết 68/NQ-CP không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội (mà chủ yếu là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em). Vì đây là những nhóm yếu thế nhất do ít có khả năng tự ứng phó trước các cú sốc đặc biệt nghiêm trọng và dài hạn như COVID-19.

Bên cạnh đó, cần có sự sàng lọc, có chính sách hỗ trợ đúng đắn cho các đối tượng lao động phi chính thức, vì đây là nhóm lao động dễ tổn thương nhất về việc làm, sinh kế.

Còn theo ông Jonathan Pincus - Cố vấn kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), khủng hoảng có thể sẽ xảy ra, có thể không phải vì nguyên nhân tài chính hay y tế, nhưng cơ chế tài khóa hỗ trợ cung và hỗ trợ người lao động, người dân luôn cần.

"Người dân, người lao động chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh cần hỗ trợ ngay, bằng tiền mặt. Cách thức hỗ trợ tiền mặt cho người dân, người lao động đã được nhiều Chính phủ thực hiện, đặc biệt dành cho đối tượng mất việc làm, mất thu nhập thường xuyên, đang phải tiêu dùng bằng nguồn tiết kiệm. Nếu có tiền hỗ trợ, đây sẽ là đối tượng đưa ngay tiền vào tiêu dùng, tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, như giáo dục, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu...", ông Jonathan Pincus nhấn mạnh.