Phó Thống đốc NHNN: "Không hiểu sao các dự án không vay được"...

2022-06-09 08:41:25

Đó là chia sẻ của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú tại Tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” mới đây.

>>>Kiểm soát tín dụng bất động sản: Cần có sự… chọn lọc

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN chưa bao giờ nói, cũng như chưa có văn bản nào đề cập đến việc siết, hay thắt tín dụng BĐS, NHNN chưa bao giờ nói, cũng như chưa có văn bản nào đề cập đến việc siết, hay thắt tín dụng BĐS

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, những từ siết, dừng, thắt… được dùng khá nhiều trong thời gian qua khi nói về tín dụng với lĩnh vực bất động sản (BĐS), thế nhưng thực chất, NHNN chưa bao giờ nói, cũng như chưa có văn bản nào đề cập đến việc siết, hay thắt tín dụng BĐS.

Theo Phó Thống đốc NHNN, chính sách nói chung của ngành ngân hàng có 2 nguyên tắc, mục tiêu quan trọng. Thứ nhất, là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và ổn định giá trị đồng tiền - đây là chủ trương của Quốc hội, Chính phủ không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong trung dài hạn. Thứ hai , là đảm bảo an toàn cho hệ thống các tổ chức tín dụng không dẫn đến đổ vỡ sẽ gây ra hệ lụy rất nhiều.

"Nếu năng lực, hệ số tài chính của ngân hàng yếu kém…, quốc tế đánh giá uy tín quốc gia thấp thì lập tức ảnh hưởng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nên không thể để ngân hàng yếu kém. Chính vì thế 2 mục tiêu này xuyên suốt trong xây dựng cơ chế chính sách ngân hàng", Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Thế nên doanh nghiệp kinh doanh dự án có hiệu quả hay không, có thành công hay không là của doanh nghiệp, chủ dự án, các cấp quản lý. NHNN chỉ quản lý rủi ro của chính sách tổ chức tín dụng khi cho vay vào lĩnh vực BĐS, đặc biệt những lĩnh vực BĐS có nguy cơ rủi ro.

>>>Rối với... siết hay không siết tín dụng bất động sản

“Dự án hiệu quả, có dòng tiền tôi khuyến khích các nhà băng quan tâm, cho vay chứ NHNN không siết, thắt gì vào lĩnh vực này, quyền quyết định cho vay của các ngân hàng thương mại. Trong cơ chế thị trường bình đẳng, không vay được ngân hàng này thì vay ngân hàng khác, nhưng đến nhiều ngân hàng mà chỗ nào cũng từ chối thì khách hàng phải xem lại mình”, ông Đào Minh Tú cho hay.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú.

Để chứng minh tín dụng vào BĐS hiện nay vẫn tăng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, dư nợ tín dụng lĩnh vực này đạt 2,288 triệu tỷ đồng, trong đó phân khúc kinh doanh, đầu tư khoảng 750.000 tỷ đồng, còn lại là đối tượng vay mua nhà ở. Tính đến ngày 30/4, tốc độ tăng tín dụng 10,19% (cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế khoảng 7%) và chiếm 20% tổng dư nợ kinh tế (trước đây hơn 19%). Tính đến ngày 31/12/2021, dư nợ tín dụng ở phân khúc này tăng 11,5% và hiện nay còn tăng cao hơn bình quân tăng trưởng chung đối với nền kinh tế.

Đánh giá cao vai trò của BĐS, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, hiện huy động 100 đồng, có 20 đồng vào BĐS, đó là chưa kể tín dụng còn vào các lĩnh vực ngành nghề liên quan BĐS như sắt, thép… Do đó, ông cho rằng, không thể nói lĩnh vực BĐS không được Chính phủ , NHNN quan tâm được. Theo ông, việc kinh doanh cho vay BĐS của các ngân hàng thương mại dựa trên đánh giá hiệu quả dự án, năng lực chủ dự án. Ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, huy động tiền của dân và có trách nhiệm trả tiền, cho vay thì nguyên tắc phải thu được tiền.

“Tôi không hiểu vì sao các dự án lại không vay được. Ngân hàng và doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau để làm rõ xem vướng mắc ở đâu rồi cùng tháo gỡ để phát triển thị trường BĐS lành mạnh. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là tạo điều kiện cho tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực BĐS phát triển nhằm khôi phục nền kinh tế sau dịch”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh, những chính sách về tín dụng BĐS của NHNN là nhất quán. Việc giảm dần tỷ lệ ngắn hạn cho vay dài hạn, chính sách tỷ giá, tiền tệ… đã được NHNN xây dựng có lộ trình và luôn công bố minh bạch để tạo sự ổn định cho thị trường.

Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp.