Bên cạnh các chỉ số cạnh tranh, kết quả khảo sát PCI 2022 cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp đã và đang gặp phải, trong đó, tiếp cận tín dụng được cho là vấn đề hàng đầu…
>> Chỉ số xanh thúc đẩy phát triển xanh
Thông tin tại buổi lễ, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Giám đốc Dự án PCI , Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI ) cho biết, theo kết quả khảo sát PCI 2022, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải là tiếp cận tín dụng. Đáng nói, trong năm 2022, tiếp cận tín dụng đã trở thành mối lo lớn nhất với khoảng 55,6% doanh nghiệp.
Cụ thể, phân tích về tình hình tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, theo ông Tuấn, kết quả khảo sát PCI cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây. Tại thời điểm năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng là 49,4%, đến các năm 2018 và 2019, tỷ lệ doanh nghiệp có tiếp cận tín dụng lần lượt là 45% và 43%. Năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện, vẫn có 42,9% doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ còn 35,4% trong năm 2021 và đến năm 2022, tỷ lệ này chỉ còn là 17,8%.
“Tiếp cận tín dụng là khó khăn chung của các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, song các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ đang là nhóm khó tiếp cận tín dụng hơn cả trong năm 2022. Trong đó, với nhóm các doanh nghiệp có quy mô vốn từ 3 tỷ đồng trở xuống, tỷ lệ doanh nghiệp đang tiếp cận tín dụng chỉ là 11,3%, thấp hơn đáng kể so với các nhóm còn lại. Với nhóm có quy mô vốn từ trên 3 tỷ đến 10 tỷ đồng, tỷ lệ này là 20,5%. Tỷ lệ doanh nghiệp đang có khoản vay ngân hàng ở nhóm doanh nghiệp quy mô vốn 10-20 tỷ đồng là 28,3%. Ở các nhóm còn lại, tỷ lệ doanh nghiệp đang tiếp cận vốn cũng chỉ xung quanh mức 25-35%”, ông Tuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Tuấn, Báo cáo kết quả khảo sát PCI 2022 cho thấy, trở ngại lớn nhất là việc doanh nghiệp không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp (79,4%). Cùng với đó là một loạt các khó khăn tiếp cận tín dụng khác có dấu hiệu gia tăng đáng kể trong năm 2022.
Cụ thể, “các ngân hàng, tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp tư nhân” (58,7% - tăng mạnh từ con số 41,8% của năm 2021); “thủ tục vay vốn phiền hà” (58,6% so với 46,2% năm 2021); tình trạng “doanh nghiệp phải “bồi dưỡng” cho cán bộ tín dụng để vay vốn” (55,8% trong khi năm 2021 là 37,3%), và “cán bộ tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ của doanh nghiệp” (49,8% trong khi năm 2021 là 27,4%).
>> Sắp công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, trong năm 2022, một trong những chương trình hỗ trợ tín dụng quan trọng cho doanh nghiệp là gói hỗ trợ lãi suất 2% triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Cụ thể, ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, đưa ra gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô 40.000 tỷ trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong một số ngành, lĩnh vực.
Ngày 20/5/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện Nghị định này. Nhiều doanh nghiệp rất mong chờ gói hỗ trợ này để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhằm khôi phục sản xuất, vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.
“Thế nhưng, kết quả khảo sát PCI 2022 cho thấy, chỉ 29,5% doanh nghiệp có biết tới chương trình này, song chỉ khoảng 2% doanh nghiệp cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.
Con số này tương đối thấp và khá sát với những phản ánh liên tục trên báo chí trong thời gian gần đây (khi tính đến cuối tháng 12/2022, số tiền lãi đã hỗ trợ mới đạt khoảng 135 tỷ đồng cho hơn 1700 khách hàng). Đáng lưu ý, có tới 56,7% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ này”, ông Tuấn cho hay.
Đáng nói, khó đáp ứng điều kiện cho vay được cho là rào cản chính khiến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa như kỳ vọng. Và theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay và các ngân hàng thương mại, tiêu chí “có khả năng phục hồi” (quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP) chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Tờ trình số 151/TTr-NHNN ngày 20/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng phản ánh thực tế từ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cho thấy, dù nhiều doanh nghiệp có khả năng trả nợ nhưng họ cũng không chắc chắn doanh nghiệp mình đáp ứng tiêu chí “có khả năng phục hồi”. Bởi, để có thể đáp ứng tiêu chí này thì nhiều chỉ số kinh doanh như: doanh thu, sản lượng, lợi nhuận, triển vọng thị trường đều phải tích cực.
Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng và áp lực lạm phát lớn thì việc đo lường các chỉ tiêu này và chứng minh đáp ứng được yêu cầu đủ để nhận hỗ trợ là một thách thức lớn.
Thực tế, kết quả khảo sát PCI 2022 cho thấy, có 74,8% doanh nghiệp cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%. Bên cạnh đó, cũng có đến 12,3% doanh nghiệp phản ánh về sự thiếu minh bạch trong quy trình thủ tục, 5,6% doanh nghiệp cho biết, thời hạn cho vay ngắn và 7,5% doanh nghiệp gặp những khó khăn khác trong quá trình thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...