Những ngành "hút" lao động những tháng cuối năm

2022-08-19 10:16:59

89% doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ chủ động đẩy mạnh tuyển dụng trong những cuối năm 2022 và hơn một nửa doanh nghiệp sẽ tăng lương và phúc lợi xã hội để giữ chân nhân tài.

>>> Doanh nghiệp “săn đón” nhân sự quản lý, công nghệ

Dựa trên kết quả khảo sát của hơn 400 doanh nghiệp và hơn 3.000 người tìm việc tại thị trường Việt Nam, trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks thuộc Tập đoàn Navigos Group đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2022, gần 87% doanh nghiệp tham gia khảo sát gặp khó khăn trong tuyển dụng do nhân sự chủ động xin nghỉ gia tăng so với cùng kỳ năm 2021. Có tới 12% doanh nghiệp có tỷ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc lên tới 30% - 40%. Đây thực sự là một bài toán nan giải cho các doanh nghiệp khi tình hình sản xuất kinh doanh đang cần được đẩy mạnh khi thị trường bắt đầu phục hồi.

Trong đó, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa phương có tỷ lệ thiếu hụt nhân sự tăng cao; các ngành thiếu hụt nhân lực lớn nhất là dịch vụ xây dựng; kiến trúc, bất động sản, bán buôn/bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, du lịch; công nghệ thông tin, tài chính, kế toán, kiểm toán…

Người lao động tìm kiếm việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội

Về phía người lao động, khoảng 40% người tìm việc tham gia khảo sát đang không có việc làm ổn định nhưng nhu cầu tìm việc mới của người lao động không cao bởi người lao động sẵn sàng chờ đợi thêm để tìm được đúng công việc phù hợp với nhu cầu cá nhân, hoặc muốn tìm các công việc có thời gian cân bằng cuộc sống nhiều hơn cũng như tìm kiếm các cơ hội mới để thử thách và khám phá nhiều hơn.

Đặc biệt, khi nền kinh tế bắt đầu khởi phục trở lại sau đại dịch Covid -19, khoảng 80% người lao động dù đang có việc làm nhưng khi tham gia khảo sát vẫn bày tỏ mong muốn tìm kiếm cơ hội mới để phát triển. Xu hướng thích an toàn, tìm một công việc ổn định hiện nay không được nhiều người lao động đánh giá cao như trước đây.

Các ngành thuộc khối tài chính, kế toán, kiểm toán; nhà hàng, khách sạn, du lịch; hàng tiêu dùng; xuất nhập khẩu; bất động sản... có tỉ lệ người lao động muốn chuyển việc cao nhất. Điều này cho thấy trong thời gian tới, doanh nghiệp nên dành nhiều thời gian để nghiên cứu các chiến lược giữ chân nhân viên mới.

Hoá sinh là một trong những ngành có ứng viên tìm việc cao nhất trong những tháng tới

>>> Cuộc cạnh tranh khốc liệt về nhân lực chuyển đổi số ngành ngân hàng

>>> 6 giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL

Trong những tháng cuối năm, khi được hỏi, 89% doanh nghiệp cho biết sẽ chủ động đẩy mạnh tuyển dụng tuỳ theo quy mô và nhu cầu; hơn một nửa doanh nghiệp sẽ tăng lương để giữ chân nhân tài cũng như tăng thêm phúc lợi khác như hỗ trợ chi phí học tập, đào tạo kỹ năng mới; đo lường sức khoẻ nhân sự bằng khối lượng công việc; chăm sóc sức khoẻ bảo hiểm; linh động về thời gian và địa điểm làm việc. Để đáp ứng nhu cầu phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp đang ưu tiên tuyển người lao động thuộc các lĩnh vực như kinh doanh, bán hàng (chiếm 72%), kỹ thuật, công nghệ thông tin, tiếp thị marketing, tài chính/kế toán/kiểm toán.

Thị trường tuyển dụng sẽ sôi động sự cạnh tranh giữa các ứng viên là rất cao. Đáng chú ý, nhu cầu tìm việc của nhóm nhân sự quản lý ở mức cao như nhóm quản lý, trưởng nhóm là 80% và nhóm giám đốc là 79%. Nhóm ngành có nhu cầu ứng viên tìm việc cao nhất là an toàn môi trường, bảo hiểm, bất động sản, hóa học, hóa sinh, nhân sự, hành chính, pháp lý…

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.