Mặc dù đã vượt qua đại dịch COVID-19 tốt hơn nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam không được miễn dịch trước một loại virus khác đang len lỏi xâm nhập, đó là lạm phát.
>> Lãi suất và vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp
Trong khi các nước thuộc Liên minh châu Âu ghi nhận mức lạm phát cao kỷ lục là 10,9% vào tháng 9 vừa qua (con số cao chưa từng có đối với đồng tiền chung châu Âu cho đến nay), thì lạm phát ở Mỹ chạm mức 9,1% trong tháng 6/2022 (cao nhất trong 40 năm). Kể từ đó, phản ứng nhanh chóng và quyết liệt của các ngân hàng trung ương đã khiến lạm phát tháng 11 giảm xuống còn 10,0% tại khu vực đồng euro và khoảng 7,3% tại Mỹ.
Tiến sĩ DANIEL BORER, Giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT Việt Nam. Ảnh: NVCC
Vì sao tỉ lệ lạm phát lại tăng cao kỷ lục như vậy trong một khoảng thời gian khá ngắn ngủi vừa qua?
Một trong những nguyên nhân chính là chính sách tiền tệ mở rộng của các ngân hàng trung ương trong đại dịch. Với mong muốn giúp đỡ doanh nghiệp trong thời kỳ suy thoái, các ngân hàng trung ương đã hỗ trợ cho vay với lãi suất cực thấp bằng cách in thêm tiền và qua đó làm tăng lượng tiền mặt trong nền kinh tế.
Việc bơm tiền vào nền kinh tế sớm muộn gì cũng sẽ khiến lạm phát gia tăng. Kết hợp với giá năng lượng tăng trong thời gian qua, không có gì ngạc nhiên khi tỉ lệ lạm phát đã phá vỡ những con số kỷ lục trên toàn cầu.
Lạm phát ở Việt Nam được kiềm chế tốt trong phần lớn năm 2022 nhưng đã lên mức 4,3% trong tháng 10 và 4,37% trong tháng 11, cao hơn mục tiêu ban đầu mà Chính phủ đề ra cho cả năm (4%). Và triển vọng cho năm tới có thể sẽ càng khó khăn hơn.
Diễn biến của năm 2020 giống với diễn biến mà Việt Nam đã trải qua vào năm 2005, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lượng tiền mặt lưu thông thêm 5,66%. Điều này dẫn đến lạm phát trong năm kế tiếp (năm 2006) là 7,4%. Để so sánh thì năm 2020, lượng tiền mặt đã tăng 6,62%.
Nếu tính toán dựa vào những con số trên, lạm phát có thể nằm trong khoảng 7-8% trong năm tới. Điều này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với lãi suất (có thể vượt 10%), và tác động đến các hộ gia đình có khoản vay thế chấp hoặc các khoản tín dụng khác phải trả.
Để ngăn lạm phát leo thang như vậy, NHNN đã bắt đầu theo gương các nước khác và tăng lãi suất . Vào ngày 25/10, NHNN đã tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 100 điểm cơ bản lên 6%/năm. Những đợt tăng lãi suất nhanh như vậy sẽ không khuyến khích hoạt động kinh tế mà làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.
>> Cân bằng tỷ giá và lãi suất
>> Ngân hàng giải nút thắt thanh khoản đi liền với tăng lãi suất
Thật không may khi đây không phải là tin xấu duy nhất có thể xảy ra. Thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam hiện là Mỹ, với kim ngạch kỷ lục 112 tỷ USD vào năm 2021, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhưng khách hàng số 1 của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái nghiêm trọng khác vào năm tới, khi mà hiện nay nền kinh tế đang phải gánh chịu những đợt tăng lãi suất đột ngột do Cục Dự trữ liên bang (Fed) áp đặt.
Trong khi đó, các quốc gia khác trong khu vực châu Á đang trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh không mấy thuận lợi này, Việt Nam có thể sẽ phải đối diện với nguy cơ lạm phát đình trệ (stagflation), tức là suy thoái kinh tế đi kèm với lạm phát cao, vốn đã “hoành hành” ở các nước phương Tây trong thời gian qua.
Chính phủ và NHNN thực sự đang ở một thế khó. Việc theo gương các nước phương Tây tăng mạnh lãi suất có thể là biện pháp chưa phù hợp, bởi dòng tiền ở Việt Nam mới chỉ được mở rộng một cách vừa phải trong thời kỳ đại dịch. Vì vậy, mức lạm phát ở Việt Nam được dự báo sẽ không cao như các nước khác và vì vậy cũng không cần phải kiềm chế quá nhiều.
Động thái tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản gần đây được cho là phù hợp để gửi ra thông điệp về chủ trương kiềm chế lạm phát. Nhưng nếu như tiếp tục tăng lãi suất thì có thể khiến lợi bất cập hại.
Bàn về tỷ giá, việc giữ tỷ giá VND-USD gần như cố định sẽ là việc khó duy trì trong trung hạn. Có thể sẽ khôn ngoan hơn nếu quyết định bảo vệ dự trữ ngoại hối và cho phép tỷ giá hối đoái mất giá với một tỉ lệ nhất định và được công bố trước trong năm tới (khoảng 8%/năm). Điều này sẽ “giảm nhiệt” cho thị trường và cho phép các doanh nghiệp đưa ra dự đoán tốt hơn cho năm sau. Ngoài ra, điều này sẽ giữ cho nguy cơ nhập khẩu lạm phát (tăng lạm phát do sự tăng giá của VND đối với hàng hóa nhập khẩu) ở mức thấp.
Nhiệm vụ khó khăn nhất hiện nay là tiếp tục tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn. Khi Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hình thành, các mối liên kết với khu vực cần được tăng cường và giảm phụ thuộc vào các thị trường như Mỹ hay Châu Âu. Ngoài ra, số hóa thương mại cần được đẩy mạnh hơn nữa để giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả hơn về chi phí.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...