Lý do ngày càng nhiều công ty châu Âu chọn Việt Nam thay vì Trung Quốc?

2022-06-10 08:50:00

Sự kết hợp giữa căng thẳng địa chính trị và chi phí cao đang thúc đẩy các công ty châu Âu tìm kiếm các địa điểm sản xuất thay thế ngoài Trung Quốc, trong đó Việt Nam là điểm đến hứa hẹn.

>>> Nhà đầu tư đang “mất hứng thú” với thị trường Trung Quốc

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong số ít quốc gia châu Á không bị suy giảm kinh tế trong đại dịch COVID-19 vào các năm 2020 và 2021. Đặc biệt, năm 2022, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng khoảng 5,5%.

Việt Nam là một điểm sáng hiếm hoi trước và sau đại dịch COVID-19.

Chính những kết quả kinh tế của Việt Nam trong và sau đại dịch đã thu hút được sự chú ý của một số công ty lớn của Châu Âu.

Nhà cung cấp ô tô của Đức Brose, có 11 nhà máy ở Trung Quốc, hiện đang quyết định giữa Thái Lan và Việt Nam về một địa điểm sản xuất mới. Trong khi vào tháng 12 năm ngoái, Tập đoàn LEGO của Đan Mạch thông báo sẽ xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Bình Dương, một trong những dự án đầu tư lớn nhất của châu Âu tại Việt Nam cho đến nay.

Ông Daniel Müller, Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Á - Thái Bình Dương của Đức cho biết: “Hiện có vẻ như các công ty quy mô vừa đang ngày càng nỗ lực gia nhập thị trường Việt Nam hoặc đang đưa các hoạt động của họ ra khỏi Trung Quốc trên phạm vi rộng hơn”.

Tại sao các công ty rời Trung Quốc?

Các công ty châu Âu đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho Trung Quốc vì một số lý do. Trong những năm gần đây, mức lương của người Trung Quốc tăng cao khiến Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất giá rẻ.

Tập đoàn LEGO của Đan Mạch đã đầu tư 1 tỷ USD và Việt Nam.

Mức lương trung bình hàng năm ở Trung Quốc đã tăng từ khoảng 5.400 USD trong năm 2010 lên 14.600 USD vào năm 2020, theo Moody's Analytics.

Về mặt địa chính trị, mối quan hệ của Trung Quốc với các chính phủ châu Âu xấu đi vào năm 2021 khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc vì hành vi đối xử với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương.

Bắc Kinh sau đó đã ban hành các lệnh trừng phạt của riêng mình đối với các quan chức EU và một Hiệp ước đầu tư đã được thỏa thuận trước đó. Đặc biệt, vào năm 2022, chính sách “zero-Covid” của Bắc Kinh đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn khi các thành phố bị phong tỏa. Điều này cũng đã làm sụp đổ niềm tin của các công ty châu Âu vào một Trung Quốc đa dạng.

Theo tờ DW của Đức dẫn lời ông Raphael Mok, người đứng đầu khu vực châu Á tại Fitch Solutions, một trong ba “ông lớn” xếp hạng tín dụng, cho biết, các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong phân khúc sản xuất sử dụng nhiều lao động, bắt đầu chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc đại lục đến các quốc gia có chi phí thấp hơn khác trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam.

>>> Doanh nghiệp Đức tin tưởng, tiếp tục đầu tư vào Việt Nam

>>> Quảng Ninh thu hút nhà đầu tư vào hạ tầng logistics

Sức hút của Việt Nam?

Cũng theo ông Raphael Mok cho biết thêm, Việt Nam hiện đang trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Mức lương thấp hơn ở Trung Quốc, trong khi Chính phủ cũng đang đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng.

Các Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam được coi là điểm nhấn trong sức hút của Việt Nam.

Đặc biệt, EU và Việt Nam đã phê chuẩn một hiệp định thương mại tự do vào năm 2020, trong đó có hiệp định đầu tư, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Thương mại song phương đã tăng lên 49 tỷ Euro vào năm 2021, tăng từ 20,8 tỷ Euro vào năm 2012, năm bắt đầu các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).

Điều này cũng đã được tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định trong một xã luận: “Chắc chắn là Trung Quốc đã mất một số hoạt động kinh doanh. Việt Nam hiện tham gia CPTPP và ký EVFTA, đã tạo ra tỷ lệ quan hệ đối tác thương mại tự do cao hơn Trung Quốc. Ví dụ, theo chính sách "Trung Quốc cộng một" của Nhật Bản, các doanh nghiệp Nhật Bản được yêu cầu không đầu tư vào Trung Quốc một mình và thay vào đó đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của họ bằng cách đầu tư vào các nước khác. Ngoài ra, những nỗ lực kêu gọi của Mỹ, thu hút các ngành sản xuất cao cấp về nước hoặc chuyển ra khỏi Trung Quốc, đã tỏ ra có lợi cho Việt Nam”.

Nhưng, Trung Quốc vẫn khó thay thế

Có một sự thật là, Trung Quốc vẫn là một phần không thể thay thế trong bất kỳ chiến lược châu Á nào của các doanh nghiệp châu Âu.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng châu Á.

Một số chuyên gia quan sát cho rằng, Việt Nam đang nổi lên là một ứng cử viên thay thế cho Trung Quốc “như một lựa chọn”. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa ngang bằng với Trung Quốc về trình độ học vấn, tay nghề lao động, cơ sở hạ tầng, và hậu cần. Điều này đã khiến Trung Quốc vẫn cho thấy sự cần thiết với tư cách là một địa điểm đầu tư mở rộng hoặc bổ sung, ngoài Trung Quốc.

Trong tương lai, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao, chẳng hạn như kỹ thuật tiên tiến và thiết bị thông minh, vẫn sẽ coi Trung Quốc đại lục là một trung tâm sản xuất do chuỗi cung ứng của họ. Tuy nhiên, một số ngành sản xuất có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn, đòi hỏi một hệ sinh thái chi phí thấp và ít phức tạp hơn, có thể sẽ tiếp tục chuyển ra khỏi Trung Quốc.

Và có thể điểm đến sẽ là Việt Nam?

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.