Mọi biến động về dịch bệnh hay các bất ổn kinh tế là khôn lường và có thể bất ngờ xảy ra, Việt Nam không thể chủ quan trong các tình huống, mà luôn phải có cách ứng phó linh hoạt, phù hợp.
>> Chờ đợi giải ngân gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng
Chương trình hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế xã hội năm 2022-2023 trị giá gần 350.000 tỷ đồng đến nay đã được trao đổi khá nhiều, nhưng chúng ta cũng phải đánh giá xem nó sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam trong năm nay.
Với kịch bản tốt, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, kết hợp với gói hỗ trợ 350.000 tỷ được thực thi đạt hiệu quả cao nhất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức như kỳ vọng 6-6,5% (ảnh minh hoạ)
Chính phủ, Quốc hội, nhiều chuyên gia và cả cộng đồng doanh nghiệp đều kỳ vọng, gói hỗ trợ lần này sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, trong bối cảnh năm 2022 có rất nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với năm 2021 như:
Một là , chúng ta đã có độ bao phủ tiêm chủng vaccine với người trên 18 tuổi đạt 100%, có rất nhiều người đã tiêm hai mũi và đang triển khai mũi thứ ba.
Hai là , kinh nghiệm phòng chống dịch đã được nâng cao rất nhiều. Trong hai năm vừa qua, đặc biệt là năm ngoái, chúng ta còn rất lúng túng khi xuất hiện biến thể Delta, nhưng sau đó, thông qua Nghị quyết 128, Chính phủ mới quyết liệt đổi chiến lược từ zero-Covid sang thích ứng với dịch bệnh, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, xã hội. Đó được xem là cấu phần quan trọng trong chương trình phục hồi này.
Ba là, gói hỗ trợ này sẽ tạo thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 vì những năm vừa qua, cũng có các gói hỗ trợ, song còn nhỏ và chưa có gói nào “ra tấm ra món”, được phân tích đánh giá một cách tương đối chặt chẽ như gói này.
Bên cạnh đó, việc dịch bệnh trên thế giới đã bước đầu được kiểm dù chưa phải hoàn toàn, những cũng góp phần tạo thêm thuận lợi cho Việt nam trong năm 2022 phát triển hơn.
Thông thường, với vai trò làm các công tác dự báo, chúng tôi sẽ đưa ra ba kịch bản cho nền kinh tế từ Tốt, Trung bình đến Xấu. Nhưng để cho gọn và đa số nhân dân dễ hiểu, đỡ thấy phức tạp, thì ít nhất sẽ có hai kịch bạn đó là:
Thứ nhất , với kịch bản tốt, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, kết hợp với gói hỗ trợ 350.000 tỷ được thực thi đạt hiệu quả cao nhất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức như kỳ vọng mà Chính phủ và Quốc hội đề ra từ 6-6,5%.
Thứ hai , với kịch bản xấu, không loại trừ có khả dịch bệnh lại diễn biến phức tạp vì mới xuất hiện biến chủng mới Omicron lan nhanh và sẽ còn những biến chủng khác nữa. Khi đó, chúng ta sẽ khó đạt được mức tăng trưởng 6%, vì dịch bệnh xảy ra ở quy mô lớn, thì các địa phương vẫn cứ phải phần nào hạn chế bớt các hoạt động và ảnh hưởng đến kinh tế, lưu thông. Hoặc khi cả thế giới vẫn bị nặng nề, thì cũng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong trường hợp đó, tôi dự báo tăng trưởng của nước ta chỉ đạt ở mức 4%.
Tuy nhiên, xét theo bối cảnh hiện tại, kịch bản xấu sẽ ít khả năng xảy ra hơn kịch bản tốt. Hơn nữa, trong hai năm vừa qua, với mức nền rất thấp, chỉ tiêu đề ra không đạt được, mà năm nay có nhiều điều kiện thuận lợi như vậy, khả năng chúng ta đạt kịch bản tốt cũng cao hơn, nhưng vẫn phải đề phòng tình huống xấu xảy ra.
Ngoài ra, cần lưu ý trong gói hỗ trợ lần này đó là chính sách đưa ra tốt, nhưng việc thực thi vẫn là thách thức. Bởi những vướng mắc này từ xưa đến nay vốn đã là điểm yếu, thì với gói hỗ trợ này cũng không tránh khỏi lo ngại về tính hiệu quả trong quá trình triển khai.
>> Giá xăng dầu tăng “phi mã” đe dọa đà phục hồi kinh tế
Bên cạnh câu chuyện kích thích kinh tế, một vấn đề nóng hiện nay là giá dầu trên thế giới đang trong giai đoạn biến động mạnh, vẫn có xu hướng tăng trong thời gian tới, xoay quanh ngưỡng 100 USD/thùng. Khi giá dầu chạm ngưỡng này, không thành viên OPEC, OPEC+ nào không gia tăng sản lượng khai thác vì quốc gia nào cũng vì lợi ích của họ. Mặc dù OPEC có cam kết về sản lượng khai thác nhằm “bình ổn” giá dầu, nhưng vì lợi ích của mình nên dù có cam kết, thì hiện tượng ngấm ngầm nâng sản lượng vẫn xảy ra. Chưa kể, nếu OPEC không tăng sản lượng, thì các thành viên ngoài OPEC cũng tăng sản lượng khai thác vì họ không phụ thuộc vào các cam kết.
Điều đáng chú ý là, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, do khó khăn về tài chính, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã giảm sản lượng làm cho nguồn cung xăng dầu trong nước bị suy giảm và gián đoạn. Đồng thời, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
Vì vậy, để đối phó với tình hình trên, các cơ quan quản lý cần có chính sách điều hành phù hợp, linh hoạt, giảm thiểu tác động xấu với tăng trưởng và lạm phát. Trong đó, Bộ Công thương cần thường xuyên nắm bắt giá xăng dầu trên thị trường thế giới, nâng cao năng lực dự báo cho cả trung và dài hạn, để đưa ra những đánh giá, điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, cơ quan liên bộ nên có chính sách phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Xây dựng kho dự trữ xăng dầu đủ lớn, duy trì nguồn cung trong nước ổn định, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người dân và góp phần an sinh xã hội.
Có thể thấy, mọi biến động về dịch bệnh hay các bất ổn kinh tế là khôn lường và có thể bất ngờ xảy ra, không thể chủ quan trong mọi tình huống, ngay cả khi Chính phủ, Quốc hội đã chuẩn bị một kế hoạch hoàn chỉnh, nhằm hỗ trợ phục hồi kinh và phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...