Việc lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.
>> Kiện toàn Ban Chỉ đạo tổng kết Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ về việc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (ban chỉ đạo cấp tỉnh).
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, hiện ban chỉ đạo cấp trung ương đã làm quyết liệt trong công tác này, nên địa phương có thêm ban chỉ đạo sẽ khắc phục tình trạng "trên nóng dưới lạnh", tạo sự thống nhất từ trung ương đến địa phương.
"Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) ở một số địa phương thời gian qua chưa có sự chuyển biến rõ nét. Việc tự phát hiện các vụ việc tham nhũng, tiêu cực là rất ít, chủ yếu do cơ quan trung ương phát hiện, yêu cầu xử lý. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác này tại địa phương, cơ chế chỉ đạo phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác PCTNTC ở địa phương chưa được tập trung”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, tình trạng "trên nóng dưới lạnh" khiến công tác PCTNTC ít nhiều bị ảnh hưởng. Đặc biệt ở cấp địa phương, nhiều trường hợp là cán bộ chủ chốt bị xử lý kỷ luật, thậm chí là xử lý hình sự do vi phạm, đơn cử như hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.
Từ thực tiễn đó, nếu người đứng đầu các địa phương thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong PCTNTC thì công tác này sẽ đi vào thực chất, làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin trong nhân dân.
Bình luận về chủ trương này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, việc lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tạo ra những chuyển biến đột phá, tích cực, mạnh mẽ, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống".
Đánh giá về việc giao cho Bí thư làm trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị, cần chú ý phát huy vai trò, vị thế, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN, tiêu cực.
Đồng thời, sẽ ban hành “Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí và bảo vệ người tích cực đấu tranh PCTN, lãng phí; xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực để vu khống, gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ”.
Ngạn ngữ Việt Nam có những câu “Sông có khúc, người có lúc” hay “Thức lâu mới biết đêm dài, sống lâu mới biết dạ ai thế nào”… Trong thực tế, một số người đứng đầu cấp ủy đảng trực thuộc Trung ương không lâu sau khi được tín nhiệm đã bội tín, làm điều sai trái.
Chẳng hạn, ngay sau Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020, không ít Bí thư cấp ủy nổi lên như một “hiện tượng” cả về năng lực công tác, đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo.
>> Thường trực Ban Bí thư: Chống tham nhũng không có vùng cấm
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà.
Có đảng viên, sau khi được bầu làm bí thư cấp ủy, trước báo chí đã phát biểu những “câu xanh rờn” “những lời có cánh”. Có cán bộ lãnh đạo khi được bầu làm bí thư cấp ủy còn rất trẻ, mới 39 tuổi...
Ấy vậy mà chỉ sau đó một thời gian ngắn, một số người đứng đầu cấp ủy đảng đã vi phạm kỷ luật và bị cách mọi chức vụ, khai trừ khỏi Đảng, thậm chí rơi vào “vòng lao lý”.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức, cấp ủy đảng ở nhiều nơi thời gian qua quá “bận rộn” chạy theo vụ việc, thậm chí bị động. Công tác kiểm tra phòng ngừa vi phạm là một trong những hạn chế, thành ra khi vụ, việc được phát hiện, xử lý thì hậu quả đã quá nghiêm trọng rồi.
Có lẽ chính vì thế Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh”.
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy làm trưởng ban là phù hợp, mang tính kế thừa từ ban chỉ đạo trung ương. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa vẫn còn có những băn khoăn khi thời gian qua một số người đứng đầu có vi phạm nghiêm trọng như trường hợp ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.
"Trưởng ban chỉ đạo, các phó trưởng ban, ủy viên ban chỉ đạo phải là những người gương mẫu, trách nhiệm, phải nhận thức được trọng trách của mình là PCTNTC. Vai trò của người đứng đầu ban chỉ đạo cấp tỉnh là rất quan trọng, phải quyết liệt, công tâm, trung thực để không xảy ra tình trạng bao che, nể nang, xử lý "nương tay" các vi phạm tại địa phương mình", đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.
Đại biểu Phạm Văn Hoà đề xuất cần đề ra quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể của từng thành viên ban chỉ đạo cấp tỉnh để nâng cao hiệu quả của mô hình này.
"Khi đề án được thông qua và thành lập các ban chỉ đạo cấp tỉnh, sau một năm hoạt động, cần tổng kết để đánh giá tính hiệu quả của từng địa phương, khắc phục những điểm chưa phù hợp trong cơ cấu tổ chức của ban chỉ đạo cấp tỉnh", đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính trung ương chủ trì, nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (ban chỉ đạo cấp tỉnh).
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...