Kinh tế thế giới có thể vượt 100 nghìn tỷ USD vào năm 2022

2021-12-27 14:09:36

CEBR dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2030, chậm hơn hai năm so với dự báo mà tổ chức này đưa ra năm ngoái...

Trong những năm thập niên 2020, một vấn đề quan trọng là các nền kinh tế thế giới đối phó thế nào với lạm phát - Ảnh: AP

Trong những năm thập niên 2020, một vấn đề quan trọng là các nền kinh tế thế giới đối phó thế nào với lạm phát - Ảnh: AP

Theo báo cáo thường niên World Economic League Table mới công bố của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), kinh tế thế giới có thể vượt 100.000 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2022 - sớm hơn hai năm so với dự báo trước đó.

CEBR, tổ chức có trụ sở tại London (Anh), dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng lên nhờ nền kinh tế tiếp tục phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, CEBR cũng nói rằng nếu lạm phát tục leo thang, nền kinh tế thế giới có khả năng rơi vào suy thoái một lần nữa.

“Trong những năm của thập niên 2020, một vấn đề quan trọng là các nền kinh tế thế giới đối phó thế nào với lạm phát”, Douglas McWilliams, Phó chủ tịch của CEBR, nhấn mạnh. “Chúng tôi hy vọng rằng một sự điều chỉnh tương đối khiêm tốn trong chính sách vĩ mô sẽ đưa các yếu tố không phải nhất thời này vào tầm kiểm soát. Nếu không, thế giới sẽ phải gồng mình chống chọi với suy thoái vào năm 2023 hoặc 2024”.

Dự báo của CEBR tương đồng với các dự báo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) – cũng cho rằng GDP toàn cầu tính theo USD và giá hiện hành sẽ vượt 100.000 tỷ USD vào năm sau.

Trong báo cáo World Economic League Table, CEBR cũng dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2030, chậm hơn hai năm so với dự báo mà tổ chức này đưa ra năm ngoái. Trong khi đó, Ấn Độ được dự báo sẽ giành lại vị trí nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới từ Pháp vào năm tới và vươn lên vị trí thứ 3 vào năm 2031 – muộn hơn một năm so với dự báo trước đó.

CEBR cũng dự báo kinh tế Anh sẽ nới rộng khoảng cách với Pháp tới 16% vào năm 2036 bất chấp những xáo trộn sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit). Đức được dự báo sẽ vượt qua Nhật Bản về sản lượng kinh tế vào năm 2033. Còn Nga có thể trở thành nền kinh tế top 10 thế giới vào năm 2036, trong khi Indonesia có thể giành vị trí thứ 9 vào năm 2034.

Theo Cơ sở dữ liệu triển vọng kinh tế thế giới vào tháng 10/2021 của IMF, kinh tế toàn cầu đạt quy mô 94.000 tỷ USD, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức chiếm hơn 50% GDP danh nghĩa toàn cầu. Trong đó, riêng Mỹ có GDP lớn hơn GDP của 170 quốc gia khác cộng lại.