Không gian phát triển mới cho vùng kinh tế

2023-01-31 07:53:00

2022 là năm có quá nhiều điểm sáng, mới, với bước tiến của quy hoạch, phân vùng kinh tế - xã hội.

>> “Đòn bẩy” phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, cùng với đó là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ ban hành.

Thời khắc cho kinh tế vùng

Các vùng kinh tế - xã hội cùng hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với hai cực tăng trưởng và hành lang kinh tế, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước, theo đó, đã có một quy hoạch - mạng lưới tổng thể, vừa hình thành vừa kết nối để đảm bảo là tất cả tạo thành mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững.

“Có một không gian phát triển quốc gia cụ thể, rõ ràng, thuận tự nhiên, hợp địa lý, lịch sử, xã hội và tương quan phát triển kinh tế xã hội văn hóa an ninh quốc phòng, vừa trúng lòng người vừa đúng thời điểm khi Việt Nam cần thực hiện những cải cách quan trọng để hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, sẽ là cơ sở để Việt Nam thực sự đột phá kinh tế và kinh tế vùng”, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, nhận xét.

Một điều rất đáng chú ý, thay vì phương án chia theo 7 vùng kinh tế, các tiểu vùng, việc phân vùng và liên kết vùng đã được tổ chức không gian phát triển theo 06 vùng. PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định: "Quyết tâm của Chính phủ đã thể hiện rõ trong bản quy hoạch với thiết kế những tuyến đột phá mạnh, đặc biệt là về hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia để nền kinh tế có thể bay cao, bay xa.

>> Bà Rịa - Vũng Tàu: Điểm đầu tư vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

>> Cao Bằng: Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp theo vùng kinh tế

>> Thanh Hóa: Tuyến đường Hải Hòa - Bình Minh kết nối vùng kinh tế trọng điểm

Động lực phát triển mới của vùng Đông Nam Bộ

Năm 2022, liên tiếp 4 Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết mới của Bộ Chính trị khóa XIII này về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các Vùng đồng bằng sông Cửu Long; Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; Vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ, được tổ chức.

Trong các Hội nghị ấy, riêng với vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị chỉ ra các hạn chế sâu sát, cụ thể của kinh tế xã hội vùng. Đây là cơ sở các chuyên gia, nhà quản lý kiến nghị đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thành Quy hoạch các tỉnh, thành phố và Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, bảo đảm cân đối vùng, miền và phù hợp với định hướng Quy hoạch quốc gia và các quy hoạch ngành của cả nước.

Vùng kinh tế - xã hội Đông Nam Bộ trước nay vẫn đang có sự “chồng lấn”, chưa tương thích sát thực tế với không gian phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (8 tỉnh, thành), TS. Trần Du Lịch đã nêu nhiều lần. Đây cũng là bất cập khiến các Diễn đàn - điển hình là Diễn đàn Kinh tế thường niên do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, được sự đồng ý của Thường trực Ban Bí Thư, chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương, VCCI, liên tục tổ chức theo năm - đôi lúc cũng không tránh được lúng túng khi chính một vài lãnh đạo địa phương không “nhận” hoàn toàn rằng địa phương họ thuộc không gian kinh tế vùng đó.

Cũng từ thực tế này, nên một khi việc phân vùng, vùng động lực, vùng kinh tế, được hoàn toàn thông qua, thì các định hướng phát triển phù hợp mới có thể đi vào hiện thực. Đông Nam Bộ nói riêng, các vùng kinh tế nói chung, đang rất chờ đợi một không gian đáp ứng các thích ứng mới, sớm triển khai.

Tuy vậy, có thể vẫn sẽ có nhiều đổi thay, chỉnh sửa cả tổng thể lẫn chi tiết trong Quy hoạch tổng thể quốc gia khi được đưa ra Quốc hội. Bởi đối với không gian liên quan trực tiếp đến sự sống, nhân sinh, đến sự trưởng thành, tăng tốc hay thịnh vượng của những đời người, những doanh nghiệp, những cộng đồng, cả cả một cộng đồng người Việt Nam trong quốc gia Việt Nam, đây thực sự là quy hoạch trọng đại.

Nhưng chúng ta đặt tất cả niềm tin vào tinh thần thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, của người dân và cộng đồng các doanh nghiệp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng, như chỉ đạo của Tổng Bí thư. Và tinh thần đó sẽ được hiện thực hóa thành “bản đồ” sống - Quy hoạch tổng thể quốc gia chính thức, xứng đáng với lợi thế của từng tấc đời, tấc vàng văn hóa, là đòn bẩy cho mỗi vùng và vì sự phát triển chung của non sông gấm vóc.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.