Khẩn trương giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp

2021-10-26 09:45:24

Khẩn trương giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong thời điểm này đã phần nào giúp người lao động giải tỏa áp lực, yên tâm ổn định cuộc sống, chuẩn bị trở lại thị trường lao động. Đây cũng là mục tiêu, nhiệm vụ mà Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành trong cả nước đặt ra...

Lao động được hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tính đến 18/10.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, tạm dừng, thu hẹp hoạt động…đã tác động trực tiếp đến tình hình lao động và việc làm.

HÀNG TRĂM DOANH NGHIỆP GIẢI THỂ, TẠM ĐÓNG CỬA

Theo kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tháng 9/2021, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Trong đó, khoảng 92% doanh nghiệp quy mô lớn báo cáo tình trạng cho thôi việc người lao động, tỷ lệ này ở các nhóm quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ lần lượt là 81%, 94% và 90%.

Làn sóng dịch bệnh lần thứ tư gây ảnh hưởng, thậm chí làm tê liệt những thị trường lao động sôi động bậc nhất cả nước như: TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Hà Nội… Tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tháng 8 vừa qua thị trường lao động phải đối diện với nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động dưới 20 – 30% công suất. Chi phí sản xuất tăng cao trong khi việc cung ứng hàng hóa gặp nhiều hạn chế. Thống kê chỉ riêng trong tháng 8, Hà Nội có 1.077 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó có 244 doanh nghiệp giải thể; 833 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động. Trung bình mỗi ngày có hơn 33 doanh nghiệp rút lui gây ra hệ lụy có hàng nghìn lao động phải đối mặt với nguy cơ ngừng việc, mất việc làm, mất thu nhập…

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường Hà Nội trong tháng 8/2021.

Thời điểm này, bảo hiểm thất nghiệp đã chứng minh hiệu quả to lớn trong bối cảnh đại dịch, đã thực hiện tốt vai trò là điểm tựa cho người lao động khi mất việc làm.Các trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước đều nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất, để người lao động nhanh chóng tiếp cận được đầy đủ trợ cấp bảo hiểm, quyền lợi theo quy định.

Là tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp hoạt động, ông Vũ Tiến Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, lượng hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đổ về Trung tâm khá nhiều. Bình thường mỗi tháng Trung tâm chỉ tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, nay tăng lên rất nhiều. Hiện tổng lượng hồ sơ Trung tâm đang tiếp nhận xử lý đã vượt con số 4.000, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 lao động đến làm các thủ tục liên quan”.

Để doanh nghiệp cũng như người lao động tiếp cận được thị trường lao động kịp thời, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh, khẳng định không để hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tồn đọng quá 15 ngày. Tất cả lao động có nguyện vọng học nghề đều được hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm theo đúng quy định. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện quy trình tiếp nhận, tư vấn, giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động giảm thiểu thời gian đi lại nhưng vẫn được hưởng đúng, đủ, kịp thời chế độ, quyền lợi theo đúng quy định pháp luật, sớm ổn định cuộc sống, ông Thành nhấn mạnh.

Tại Tp.HCM, bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, cho hay đơn vị đã nỗ lực tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn thành phố. Còn theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, trong 7 tháng của năm 2021, Trung tâm đã ra quyết định chi trợ cấp thất nghiệp cho trên 32.000 người lao động với số tiền hơn 816 tỷ đồng.

Hầu hết người được hưởng trợ cấp thất nghiệp là lao động phổ thông, làm việc trong các ngành nghề dệt may, đồ gỗ, giày da. Trước những tác động của dịch Covid-19, nhiều người lao động bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đã và đang tích cực hỗ trợ bằng cách liên kết các đơn vị tuyển dụng, giúp người lao động có việc làm và thu nhập để trang trải cuộc sống, đồng thời chi trả trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho những lao động có nhu cầu…

HƠN 1,3 TRIỆU LAO ĐỘNG NHẬN HỖ TRỢ BẢO HIỂM

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 28 hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Theo đánh giá của các chuyên gia lao động, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng lần này có tính khả thi cao so với các gói hỗ trợ Covid-19 trước đây (gói 26.000 tỷ đồng và gói 62.000 tỷ đồng) với nhiều ưu điểm, rất dễ triển khai thực hiện. Đây là sự vận dụng mang tính nhân văn, kịp thời, giúp người lao động và doanh nghiệp sớm vượt qua hậu quả đại dịch.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến ngày 18/10, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 1.129.655 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 173.255 người lao động đang có quá trình bảo lưu đóng bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, trên cả nước đã có 1.302.910 người lao động được giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền hỗ trợ là 3.090 tỷ đồng.

Hiện việc thực hiện giải quyết hồ sơ và chi hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn đang được Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ. Theo đó, bên cạnh giải quyết nhanh cho những người lao động đang bảo lưu đóng bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội các địa phương còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sử dụng lao động rà soát, bổ sung thông tin (số tài khoản ATM, số điện thoại) để chi trả được chính xác, kịp thời.

Cũng theo thống kê, toàn ngành đã rà soát và gửi danh sách đến 382.702 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 9.716.673 người lao động. Trong số đó, đã có 167.579 đơn vị gửi lại danh sách xác nhận hưởng hỗ trợ, cập nhật đầy đủ thông tin cho 2.498.969 người lao động để cơ quan Bảo hiểm xã hội chi hỗ trợ. Trước đó, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cũng đã cơ bản hoàn thành việc thông báo giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0% cho 363.000 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 9,68 triệu người lao động và số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) là khoảng 7.595 tỷ đồng.

Ngoài việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), thực tế cho thấy chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giúp người lao động ổn định cuộc sống.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hàng triệu người lao động bị mất việc, ngừng việc, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thực sự trở thành chỗ dựa cho người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống, vơi bớt những áp lực về kinh tế trong thời gian dịch bệnh. Chỉ tính trong 8 tháng năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận và chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho 483.111 người hưởng mới, trong đó có 471.653 người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bên cạnh việc được hưởng trợ cấp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng giúp người lao động có cơ hội được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, từ đó tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp mới chất lượng hơn cho bản thân. Các trung tâm dịch vụ việc làm sẽ tư vấn và giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động thất nghiệp phù hợp với trình độ chuyên môn, cũng như vị trí việc làm mới. Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được hỗ trợ học nghề để sớm quay trở lại thị trường lao động. Mức hỗ trợ học nghề được quy định bằng mức chi phí học nghề ngắn hạn theo pháp luật về dạy nghề.