Hình ảnh đồ họa máy tính biến chủng Omicron. Ảnh: Getty.

Hình ảnh đồ họa máy tính biến chủng Omicron. Ảnh: Getty.

Giới nghiên cứu đang phản ứng với biến chủng Omicron khẩn trương hơn mọi biến chủng khác của virus SARS-CoV-2 so với trước đây. Biến chủng này có tới 50 đột biến so với chủng gốc, trong đó khoảng 32 đột biến trên protein gai, thành phần giúp virus xâm nhập tế bào, làm dấy lên lo ngại về mức độ lây lan và độc lực của nó.

Các bác sĩ Nam Phi ngày 23/11 bắt đầu nghi ngờ về một biến chủng mới, sau khi Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi (SAMA) Angelique Coetzee ghi nhận triệu chứng khác thường ở một số bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, hàng loạt bệnh nhân đến phòng khám tư của bà ở thủ đô Pretoria với biểu hiện cực kỳ mệt mỏi, nhưng không ai bị mất khứu giác hay vị giác. "Triệu chứng của họ rất khác lạ và nhẹ hơn nhiều so với những người mà tôi từng điều trị", bà Coetzee cho biết.

Trong vòng 36 tiếng sau, các nhà nghiên cứu đã thu thập và phân tích mẫu bệnh phẩm từ 100 người nhiễm, rồi lập tức cảnh báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhờ những nỗ lực của các nhà nghiên cứu tại Nam Phi, một tiếng sau khi phát cảnh báo đầu tiên cho cộng đồng y học thế giới, các chuyên gia Nam Phi bắt tay vào thí nghiệm về mức độ hiệu quả của vaccine với Omicron. Trong gần một tuần sau đó, hàng chục nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới, cả chính phủ lẫn tư nhân, đều đang cùng nhau chạy đua với thời gian tham gia vào nỗ lực này.

Cho đến thời điểm hiện tại, theo WHO, biến chủng Omicron có khả năng cao lây lan rộng hơn trên toàn cầu, có thể gây hậu quả nghiêm trọng khi sở hữu số lượng đột biến chưa từng có, trong đó một số đột biến liên quan đến nguy cơ thay đổi quỹ đạo đại dịch.

Đáng lo ngại, những người đã được tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm biến chủng Omicron, dù tỷ lệ nhỏ và có thể dự đoán. Họ cũng cho rằng cần có những nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ khả năng Omicron kháng vaccine và dữ liệu sẽ được công bố những tuần tới.

Sự gia tăng nhanh chóng của Omicron ở Nam Phi là điều khiến các nhà nghiên cứu lo lắng nhất, vì nó cho thấy biến thể này có thể gây ra sự gia tăng bùng nổ trong các trường hợp COVID-19 ở những nơi khác."Với những đột biến có thể né tránh hệ miễn dịch và có khả năng lây truyền mạnh, khả năng lây lan xa hơn của Omicron ở cấp độ toàn cầu là cao. Tùy thuộc vào các đặc điểm đó, có thể có thêm các làn sóng Covid-19 trong tương lai, có thể gây hậu quả nghiêm trọng", WHO cho biết trong phần đánh giá rủi ro của báo cáo.

Aris Katzourakis, nhà nghiên cứu sự tiến hóa của virus tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh, cho biết mức độ lây lan của các biến thể ở nơi khác có thể phụ thuộc vào các yếu tố như tiêm chủng và tỷ lệ nhiễm trùng trước đó. "Nếu virus lây lan vào trong một quần thể có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng đã từ bỏ các biện pháp hạn chế lây nhiễm, rất có thể virus vẫn có nguy cơ lan rộng".

Các nhà khoa học đang đẩy mạnh nghiên cứu tại châu Phi

Các nhà khoa học đang đẩy mạnh nghiên cứu tại châu Phi

Nếu biến chủng Omicron có thể né tránh các kháng thể trung hòa, điều đó không có nghĩa là các phản ứng miễn dịch được kích hoạt bởi tiêm chủng và lây nhiễm trước đó sẽ không có khả năng bảo vệ chống lại biến chủng. Miles Davenport, nhà miễn dịch học tại Đại học New South Wales ở Sydney, Úc, cho biết các nghiên cứu về miễn dịch cho thấy các kháng thể trung hòa vẫn có thể bảo vệ con người khỏi các dạng COVID-19 nghiêm trọng ở một mức độ nhất định.

Các khía cạnh khác của hệ thống miễn dịch, đặc biệt là tế bào T, có thể ít bị ảnh hưởng bởi các đột biến của biến chủng Omicron hơn là các phản ứng của kháng thể. Các nhà nghiên cứu ở Nam Phi có kế hoạch đo lường hoạt động của tế bào T và một nhân tố miễn dịch khác được gọi là tế bào tiêu diệt tự nhiên có thể đóng vai trò đặc biệt quan trọng để bảo vệ chống lại COVID-19 nghiêm trọng.

Cho đến thời điểm hiện tại, các báo cáo ban đầu cho thấy hầu hết các ca nhiễm biến chủng Omicron đều ở mức độ nhẹ. Đây là một tín hiệu tích cực ban đầu. Tuy nhiên, những công cụ cần thiết để "giải mã" biến chủng Omicron hiện chủ yếu tập trung ở các nước giàu, đồng nghĩa virus ở nhiều khu vực nghèo hơn trên thế giới chưa được giám sát chặt chẽ. Hơn 80% trong số khoảng 5 triệu trình tự gene được đăng lên cơ sở dữ liệu Gisaid đến từ châu Âu và Bắc Mỹ.

Peter Bogner, người sáng lập Gisaid, hệ thống giúp thúc đẩy chia sẻ dữ liệu về nCoV, nói. "Điều quan trọng nhất bây giờ là cần cải thiện tầm nhìn ở những khu vực mà biến chủng Omicron đang lan rộng. Dù điều này cần nhiều thời gian do châu Phi có độ phủ vaccine thấp. Nhưng các nỗ lực vẫn đang được đẩy nhanh hơn bao giờ hết".