Giảm thuế nhập khẩu – Giải pháp cần thiết trong điều tiết giá xăng dầu

2022-07-19 09:23:07

Không chỉ góp phần giảm chi phí cấu thành giá, việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu còn giúp đa dạng hóa nguồn cung, tránh sự phụ thuộc vào một số đối tác như hiện nay…

>> "Van điều tiết" nào thay thế Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ giảm từ 20% xuống còn 10% thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu (thay vì mức 12% như đề xuất trước đó).

Theo đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp về việc xin ý kiến thẩm định dự án Nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10. Cùng với việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) xuống mức sàn, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ giảm từ 20% xuống còn 10% thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng dầu.

Giảm thuế nhập khẩu được cho là giải pháp cần thiết trong điều tiết giá xăng dầu - Ảnh minh họa

“Theo tính toán, với việc tỷ trọng xăng E5RON92 và xăng RON95 nhập khẩu chỉ chiếm tương ứng 14,36% và 31,7% lượng xăng tiêu thụ trong nước (tính theo số liệu quý II/2022). Hiện xăng nhập khẩu chủ yếu từ quốc gia đã ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam nên việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN xuống 10% tuy có thể góp phần giảm giá xăng trong nước nhưng cũng chỉ ở mức thấp. Thế nhưng, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu sẽ có tác động lớn tới sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân; tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể nhập khẩu xăng từ nhiều quốc gia khác, qua đó thúc đẩy tính cạnh tranh để giảm giá mặt hàng này”, Bộ Tài chính cho biết.

Trước đề xuất đã nêu, nhiều chuyên gia tỏ ra đồng tình và đánh giá, nếu đề xuất này của Bộ Tài chính được thông qua sẽ góp phần giảm giá xăng dầu trong nước. Bởi, giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu không chỉ góp phần giảm chi phí cấu thành giá, mà còn tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay.

Thực tế hiện nay, trong kết cấu giá bán lẻ xăng dầu có, thuế nhập khẩu và chi phí nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lợi nhuận định mức... Hiện tại, thuế nhập khẩu là 10%; thuế giá trị gia tăng là 10%; thuế bảo vệ môi trường hiện đã về kịch sàn là 1.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu; thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào mặt hàng xăng (RON 95 chịu thuế 10%; E5 là 8%; E10 là 7%), không áp dụng với mặt hàng dầu. Tổng các loại thuế và chi phí khác đánh vào mặt hàng xăng dầu của Việt Nam chiếm 28 - 35% giá bán lẻ.

>> “Hạ nhiệt” giá xăng, dầu: Giảm thuế 1.000 đồng, nhưng thu lại quỹ 950 đồng

Giá xăng dầu tăng cao thời gian dài vừa qua ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu đã trải qua 16 lần điều chỉnh với các đợt tăng giảm, so với cùng kỳ năm trước thì giá xăng A95 tăng 11.960 đồng/lít; xăng E5 tăng 11.540 đồng/lít và dầu diezen tăng 13.900 đồng/lít (bình quân 6 tháng tăng 51,83% so với cùng kỳ).

Tính chung, mỗi lít xăng, dầu đã và đang “cõng” khoảng 28 - 35% các loại thuế, phí trong cơ cấu giá bán lẻ, tuỳ thời điểm. Như vậy, với mỗi lít xăng, một phần ba là tiền người tiêu dùng phải trả cho các loại thuế, phí, từ đó, giảm thuế nhập khẩu ưu đãi sẽ góp phần giảm chi phí cấu thành giá của xăng dầu.

Chưa kể, hiện nay xăng nhập khẩu chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc, thế nhưng khi đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi được thông qua, sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu từ các quốc gia khác như: Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia khu vực Trung Đông. Từ đó, không chỉ tạo ra sự cạnh tranh về giá, mà còn tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.

Theo các chuyên gia, giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu là một trong những giải pháp cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi giá xăng dầu tăng cao suốt một thời gian dài vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và hoạt động doanh nghiệp. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng cao còn dẫn đến áp lực kiểm soát chỉ số giá và lạm phát rất lớn, đe dọa đến tiến trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế sau dịch bệnh.

Trước đó, góp ý dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn của Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ hơn phương án cắt giảm thuế nhập khẩu hoặc thuyết minh chi tiết hơn lý do không lựa chọn phương án này.

Bởi theo VCCI, Tờ trình có đề cập đến các cam kết của Việt Nam trong các FTA, tuy nhiên, theo rà soát, đây là các cam kết mức thuế nhập khẩu tối đa mà Việt Nam được phép áp dụng. Theo đó, các FTA này vẫn cho phép Việt Nam hạ thuế nhập khẩu thấp hơn và tăng trở lại mức cam kết khi cần thiết.

Ngoài những góp ý của VCCI, trước đó, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, trong điều kiện đặc thù thì phải đánh đổi một chút. Để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chấp nhận giảm thuế là cần thiết.

Theo ông Lâm, với thuế nhập khẩu xăng dầu, việc giảm thuế này thuộc thẩm quyền Chính phủ nên có thể cân nhắc, tính toán trên cơ sở các hiệp định quốc tế và thực tế để sửa ở mức phù hợp.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.