Giảm giá xăng, dầu để đảm bảo phát triển kinh tế và cuộc sống người dân

2022-07-07 10:11:00

Giảm giá xăng, dầu để đảm bảo phát triển kinh tế và cuộc sống của người dân. Giá xăng dầu cao đã tạo ra nhiều khó khăn đến đời sống của người dân.

>> “Vòng hai” giá xăng dầu cao mới “nguy hiểm”

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ với DĐDN về phiên họp bất thường để xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu , ngày 6/7.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

- Ông có thể chia sẻ về phiên họp bất thường của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội?

Tôi đánh giá rất cao vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu nhanh và nắm bắt tình hình thực tiễn của đất nước. Đặc biệt, là sự bất ổn của giá xăng dầu nên theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp bất thường để ban hành nghị quyết cho giảm thuế môi trường nhằm bình ổn lại giá xăng dầu.

Giảm giá xăng dầu để đảm bảo phát triển kinh tế và cuộc sống của người dân. Người dân khi biết thông tin này đã rất phấn khởi, trân trọng và ghi nhận sự lãnh đạo, điều hành linh hoạt, sâu sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với lĩnh vực xăng dầu.

- Tuy nhiên, việc giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường theo các chuyên gia kinh tế đánh giá là vẫn “nhỏ giọt”. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

Đúng như vậy! Việc giảm 500 đồng hay 1.000 đồng cũng không là bao nhiêu, vì trước đây giá xăng dầu chỉ có 18.000 – 25.000 đồng/lít, còn hiện nay đã lên trên 32.000 đồng/lít.

Do đó, giá xăng dầu cao đã tạo ra nhiều khó khăn đến đời sống của người dân, như trong sinh hoạt, lưu thông vận chuyển, các tàu đánh bắt xa bờ phải “nằm bờ” do giá xăng dầu cao.

Nhìn chung, khi giá xăng dầu tăng thì tất cả các lĩnh vực giá khác đều phải tăng theo. Điều này ảnh hưởng đến người có thu nhập thấp là rất lớn. Cho nên, việc giảm thuế sâu trên tất cả các lĩnh vực là điều rất cần thiết.

Tuy nhiên, nếu giảm đồng loạt các loại thuế, phí xăng dầu thì Bộ Tài chính sẽ không thể cân đối được. Vì giảm thuế thì phải giảm nguồn thu, giảm nguồn thu sẽ phải giảm chi.

Trong khi đó, các khoản chi của năm 2022-2023 hay đầu tư trung hạn đã có trong kế hoạch phân bổ. Nếu giảm mạnh thuế xăng dầu thì sẽ dẫn đến giảm chi cho các nguồn khác.

Do đó, trong thời điểm hiện nay giảm thêm thuế bảo vệ môi trường là phù hợp. Nhưng Bộ Tài chính cũng cần có những quyết sách cho những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 đầy đủ, đúng đắn hơn trong việc giảm thuế để đảm bảo sự bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Giá xăng, dầu tăng cao khiến nhiều tàu cá phải "nằm bờ". Ảnh minh hoạ: Quốc Tuấn

- Ngoài giảm thuế bảo vệ môi trường, theo ông chúng ta cần thêm những yếu tố nào khác để ổn định giá xăng, dầu?

Thực tế, chúng ta phụ thuộc vào giá xăng dầu của thế giới rất lớn, trong nước chỉ sản xuất được 1/3 còn 2/3 phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Như vậy, nếu tình hình giá xăng dầu tăng như hiện nay sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như gây ra nhiều hệ luỵ khác. Tuy nhiên, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay VAT thời điểm này Bộ Tài chính chưa tính được.

Có thể sang năm 2023 Bộ Tài chính mới có đề xuất với Chính phủ, Chính phủ tham mưu cho Quốc hội quyết định những vấn đề cấp bách của đất nước, trong đó có vấn đề bình ổn giá xăng dầu.

Nếu bây giờ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay VAT thì phải giảm nguồn thu, như vậy sẽ dùng nguồn thu khác ở đâu để bù đắp? Nếu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thì Bộ Tài chính phải tính toán đến nguồn thu khác, khi đó mới giảm được.

Còn nếu không có nguồn thu khác thì sẽ rất khó, vì đã cân đối thu-chi rành mạch rõ ràng, thậm chí cân đối thu-chi cả nhiệm kỳ, kế hoạch trung, dài hạn, trong đó có thu thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt… Nếu giảm thì rất khó khăn.

Do đó, chúng ta nên chia sẻ với Bộ Tài chính, tất cả cũng vì mục đích chung của đất nước. Cho nên, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cần tính toán kỹ lưỡng để làm sao vẫn đảm bảo cân đối thu-chi, đồng thời không gây “hụt hẫng” đến nguồn thu. Vì thuế tiêu thụ đặc biệt cũng là một nguồn thu rất quan trọng cho ngân sách nhà nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.