Tại Chỉ thị số 15/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng là yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược.
>> Tăng trưởng kinh tế giúp tránh “lạm phát do tâm lý”
Trao đổi với DĐDN, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, trong thời gian tới, nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn do tác động bởi những bất ổn về kinh tế, chính trị thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể vững vàng vượt qua từ những điều chỉnh linh hoạt.
- Lạm phát tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt nhưng người dân có cảm nhận khác khi một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu có mặt bằng giá mới. Ông đánh giá như thế nào về độ “vênh” này?
Tôi cho rằng, có hai yếu tố khiến cảm nhận lạm phát của người dân khác tính toán về chỉ số lạm phát thực tế của Tổng cục Thống kê.
Thứ nhất , việc tính toán chỉ số của Việt Nam khác biệt so với các quốc gia và ngay trong khu vực ASEAN. Tỷ trọng hàng hóa gây áp lực lạm phát nhiều nhất trong những tháng qua tại Việt Nam như xăng dầu, lương thực thực phẩm, nhà ở được đánh giá ở mức độ trung bình. Điển hình là giá nhiên liệu tăng cao ở Việt Nam, Singapore, Thái Lan nhưng so với các nước, trong “rổ” CPI của Việt Nam, tỷ trọng giá nhiên liệu là thấp nhất. Giá lương thực thực phẩm cũng vậy, có những mặt hàng như gạo, rau quả chúng ta tự chủ sản xuất, thậm chí còn xuất khẩu rất mạnh. Nhưng một số thực phẩm trên bàn ăn của người dân như thịt, rau quả phụ thuộc khá nhiều vào giá đầu vào của nguyên liệu nhập khẩu (thức ăn chăn nuôi) nên giá bán có điều chỉnh tăng.
>> Linh hoạt ứng phó với lạm phát kỳ vọng tăng cao
Thứ hai, sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế không đồng đều. Như chúng tôi phân tích, tác động lạm phát cầu kéo đến từ sự phục hồi về dịch vụ, du lịch, nhu cầu văn hóa, giải trí thường tập trung ở những đô thị lớn và tác động đến tâm lý, suy nghĩ về giá cả hàng hóa, tiêu dùng cơ bản. Tuy nhiên, khi tổng hợp, Tổng cục Thống kê khảo sát trên phạm vi cả nước, không dựa trên những điểm nóng về tăng trưởng dịch vụ hoặc giải trí, du lịch. Sau thời gian dài chịu tác động của dịch bệnh, “sức khỏe” và khả năng phục hồi chi tiêu của hộ gia đình tại khu vực các tỉnh cũng kém bền vững hơn so với các đô thị lớn nên sức cầu chưa phải là quá mạnh.
- Sức cầu chung của nền kinh tế thường tăng vào cuối năm cùng với tác động bất lợi từ lạm phát bên ngoài do Việt Nam có độ trễ về thời gian đã tạo áp lực thế nào cho lạm phát nước ta trong thời gian tới, thưa ông?
Tình hình thế giới, như chúng tôi phân tích tiếp tục bất ổn. Một số quốc gia thay đổi chiến lược nên áp lực lạm phát đến từ nhập khẩu đầu vào, thay đổi giá xăng dầu. Trong thời điểm hiện tại, giá xăng dầu tương đối dễ chịu nhưng dự báo những tháng cuối năm có thể biến động khó lường.
Ở trong nước, nhiều lĩnh vực dịch vụ có xu hướng tăng lên trong cuối năm, một mặt góp phần đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng, thậm chí là vượt mức. Song mặt khác, chính yếu tố tăng trưởng lại gây áp lực lạm phát cầu kéo, nhất là chi tiêu của các hộ gia đình, người dân liên quan đến các hoạt động mua sắm Tết, lễ hội, du lịch. Tất cả những yếu tố trên có thể tạo áp lực lạm phát gia tăng vào cuối năm, ảnh hưởng đến khả năng duy trì lạm phát ở Việt Nam.
- Để hạn chế những tác động trên trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu dự báo xấu hơn, ông có những khuyến nghị gì về giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô?
Bối cảnh toàn cầu có nhiều áp lực, tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu dự kiến giảm từ 1,7% - 3,7% năm 2022 và 1,8% - 0,4% năm 2023 khiến lạm phát ở nhiều quốc gia đạt đến mức đỉnh. Trước bối cảnh tình hình này, chúng tôi đề xuất năm giải pháp. Trong đó, hàng đầu là kiên trì điều hành một cách ổn định kinh tế vĩ mô, giá cả của Chính phủ. Tuy nhiên, lưu ý là trong quá trình thực hiện các giải pháp ổn định giá cả, có giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ các đối tượng tổn thương hoặc các lĩnh vực, ngành hàng sản xuất kinh doanh đặc thù phục vụ vào giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Hiện nay, các nước ASEAN hay châu Âu đang có đề xuất cơ chế điều tiết, chia sẻ lợi nhuận để bù đắp cho một số đối tượng bị ảnh hưởng.
Bên cạnh việc điều chỉnh chính sách, chúng ta có thể mạnh dạn hơn trong việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy triển khai các gói đầu tư công tạo nền tảng cho sự phục hồi và ổn định trong những năm tiếp theo. Trong điều kiện lạm phát kiểm soát tốt cân nhắc một số động thái nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng mà chúng ta đã có phần thực hiện rụt rè trong thời gian qua như nới room tín dụng, gói hỗ trợ 2% lãi suất để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn.
Tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc của môi trường kinh doanh là giải pháp trọng tâm. Tôi cho rằng việc tạo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa các loại hình doanh nghiệp để hợp tác và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu chính là việc chúng ta khai thác được điểm mạnh của kinh tế đối ngoại Việt Nam trong năm 2001 - 2022, đặc biệt là khai thác các thế mạnh từ các hiệp định thương mại tự do.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...