Giá xăng tại Việt Nam: Trông người lại ngẫm đến ta

2022-06-09 08:43:32

Có lẽ đây là thời điểm giá bán lẻ xăng dầu cao nhất trong lịch sử của Việt Nam khi giá xăng vượt 31.000 đồng/lít.

Dù có quy đổi ra vàng, đô la hay loại tiền tệ nào đi chăng nữa, thì đây vẫn là mức giá kỷ lục từng được ghi nhận.

Giá xăng dầu tăng sẽ đội tất cả các chi phí hàng hóa lên cao, lạm phát sẽ là điều tất yếu khi giá xăng cao đẩy giá cước vận tải lên cao. Đến cá nhân người sử dụng xe máy hay ô tô cũng giật mình khi móc ví ra trả tiền đổ xăng vì thấy như “bị mất trộm”.

Nếu như trước đây, người tiêu dùng cầm tờ 500.000 đồng có thể hô dõng dạc “đầy bình”, thì nay phải tem tém rút thêm tờ nữa mà khó có cơ hội được trả tiền thừa. Với ô tô là vậy, còn xe máy cũng đã vượt ngưỡng 100.000 đồng cho một lần đổ đầy bình.

>> Còn nhiều dư địa để “hạ nhiệt” giá xăng dầu

Giá xăng dầu liên tục leo thang trong thời gian qua - BĐ: VNE

Nguyên nhân đầu tiên dẫn tới giá xăng tăng trong 100 ngày qua đến từ ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraine . Không chỉ là các màn đấu pháo, bắn tên lửa, xe tăng, bộ binh… mà là cuộc chiến về kinh tế toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt, nguyên liệu, kim loại quý hàng đầu thế giới. Lệnh cấm vận Nga từ Mỹ và liên minh châu Âu đã từng ngày đẩy mặt hàng xăng dầu vào tình trạng khan hiếm, trong khi nhu cầu sử dụng chẳng hề giảm bớt, chưa kể lượng lớn nhiêu liệu bị bom đạn phá hủy, cũng như phục vụ các phương tiện chiến tranh.

Việt Nam vẫn là nước nhập siêu, dù xuất khẩu khá nhiều dầu thô thì nhập vẫn nhiều hơn xuất. Xuất khẩu xăng dầu so với nhập khẩu khoảng 28%. Hàng ngày, hàng giờ vẫn phải bỏ ra rất nhiều ngoại tệ để mua xăng dầu. Giá xăng dầu càng tăng thì toàn bộ nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Số tiền chi tiêu hàng tháng của người dân sẽ bội chi trong khi nguồn thu cố định như lương thì không hề nhúc nhích. Chưa kể doanh nghiệp vận tải sẽ đẩy rủi ro sang người khác, tăng cước vận chuyển làm giá cả hàng hóa tăng thêm càng làm cho túi tiền người dân như bị bốc hơi nhanh hơn cả xăng để ngoài trời nắng.

Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần chủ động hơn để xem xét, đề xuất giảm thêm một số loại thuế, phí khác - Ảnh minh họa

>> Bộ Công thương: giá xăng dầu tăng cũng là sức ép lên chỉ số CPI

>> Cân nhắc bỏ thuế bảo vệ môi trường giúp giá xăng dầu hạ nhiệt

>> Giảm đà “phi mã” giá xăng, dầu cách nào?

Điều người dân cần bây giờ là sự chia sẻ từ các cơ quan liên quan, ở thời điểm khó khăn này hãy sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu thu góp trong bao nhiêu năm qua, giảm giá xăng dầu để chia sẻ khó khăn. Giá xăng dầu càng tăng thì số thuế phí của xăng dầu lại tăng theo, ước tính đến 30%. Số thuế này tính từ đầu nhập gộp luôn vào giá bán nên khi mua là đồng nghĩa với nộp thuế ngay và luôn.

Điểm gánh cuối cùng chính là người dân khi doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá cả để đảm bảo lợi nhuận. Xăng tăng thì cước Grab, Taxi chắc chắn chả chịu đứng yên. Tương tự, giá cước vận tải tính trên số tấn, số chuyến sẽ tăng theo.

Chế độ thuế với xăng dầu có nhiều loại, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt. Thiết nghĩ, đây là mặt hàng thiết yếu, sử dụng phổ thông, người có điều kiện thì đi ô tô, người còn khó khăn thì đi xe máy. Xe điện còn ít chưa phổ biến nên hàng ngày cứ phải bật nắp, móc ví trả tiền.

Đây là mặt hàng xăng chứ không phải xa xỉ phẩm, xe siêu sang hay thuốc lá, rượu bia vậy mà phải chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt nghe thấy có gì đó cứ sai sai mà không biết kêu ai. Xăng dầu mà chịu thuế như Maybach S600, trong khi đám xe này được lách luật bằng cách cho, biếu, tặng vòng vèo để trốn thuế.

Việt Nam chắc chắn không phải nghe theo lệnh của Mỹ và EU cấm vận Nga, nên khả năng Việt Nam vẫn mua được xăng dầu từ Nga với giá rẻ. Nếu vậy hãy công bố giá nhập, nguồn nhập công khai hết trên phương tiện thông tin đại chúng, để người dân thấu hiểu và đồng cảm nếu là thực sự gặp khó khăn.

Nhìn sang ngay trong Đông Nam Á, hiện tại giá xăng tại Malaysia chỉ khoảng 11.000 đồng/lít. Chính phủ Malaysia trợ giá xăng dầu đến 1.95 tỉ USD trong năm 2021 chiếm 2,6% tổng chi tiêu của Chính phủ. Người dân không cần nghe lý do, trình bày mà chỉ có câu hỏi: Tại sao họ làm được mà mình không làm được trong khi có nhiều sự tương đồng.

Có quá nhiều câu hỏi đang đặt ra: Quỹ bình ổn xăng dầu bây giờ của Việt Nam đang ở đâu? Tại sao chưa được sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu? Tại sao không giảm thuế xăng dầu để kích cầu kinh tế hồi phục hậu COVID-19?... Việc đầu tiên là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt vì với quan niệm của người viết, xăng dầu không phải mặt hàng đặc biệt. Đừng so sánh với những nước có giá xăng dầu cao hơn ta, nếu có so sánh thì hãy so sánh kèm với GDP, với CPI với thu nhập bình quân trên đầu người.

Đó là giải pháp tạm thời giúp giảm bớt khó khăn trước mắt. Mong sao chiến tranh Nga - Ukaraie nhanh chóng chấm dứt, đưa mọi thứ về quỹ đạo bình thường. Còn về lâu dài, hãy hy vọng về công nghệ không sử dụng nhiêu liệu hóa thạch, thân thiện với môi trường, thoát ly động cơ đốt trong sử dụng xăng dầu .

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.