Doanh nghiệp đau đầu với công văn ngành thuế

2023-07-16 15:57:02

Muốn giải quyết những bất cập, vướng mắc trong các thủ tục thuế, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế không nên trói thêm nghĩa vụ của doanh nghiệp bằng công văn...

>>Hoàn thuế GTGT - Không thể để trì trệ, loay hoay mãi

Đây là chia sẻ của Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI, Uỷ viên thường vụ - Trưởng Ban Tư vấn và phản biện chính sách, Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Không ít ý kiến cho rằng, thời gian vừa qua, một số cơ quan nhà nước đưa thêm những yêu cầu, phần việc rất khó và rủi ro cho doanh nghiệp bằng công văn chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Đáng buồn là nhận định trên ngày càng đúng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có mảng: thuế, bảo hiểm và hải quan. Công văn không phải là văn bản quy phạm pháp luật , tức không có giá trị pháp lý điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên trên thực tế nó lại gây khó khăn, ràng buộc nghĩa vụ, ngăn cản quyền của doanh nghiệp, mà nhiều khi còn khó hơn cả luật. Việc sử dụng công văn trong quản lý lĩnh vực của mình thường để nhằm tốt hơn, thuận lợi hơn, an toàn hơn cho ngành mình. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, điều đó cũng hay gây ra rủi ro, vướng mắc cho doanh nghiệp .

Do đặc điểm trong lĩnh vực thuế ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp, trong khi còn nhiều quy định và thủ tục hành chính có những cách hiểu, cách áp dụng khác nhau, nên càng cần phải có hướng dẫn, giải thích và tháo gỡ kịp thời của các cơ quan thuế.

Khoản 11 Điều 16 về “Quyền của người nộp thuế”, Luật Quản lý thuế năm 2019 đã quy định rất cần thiết, hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp, đó là người nộp thuế sẽ “Không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế”. Tuy nhiên, tôi cảm giác rằng, đó cũng lại chính là vướng mắc vì cơ quan thuế có xu hướng “trói” chặt hơn và “né” trách nhiệm hướng dẫn theo hướng thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp.

>>Hoàn thuế GTGT: Cần công bằng và sòng phẳng

Cần ban hành công văn hướng dẫn theo hướng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong các thủ tục thuế. Ảnh: Thanh Đạm

- Ông có thể chia sẻ cụ thể về một số công văn ngành thuế đã và đang gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thưa ông?

Chẳng hạn, với Công văn số 1798/TCT-TTKT ngày 16/05/2023 về rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp, trong đó, các cơ quan thuế địa phương yêu cầu doanh nghiệp giải trình về những hóa đơn đã giao dịch với những doanh nghiệp thuộc diện có rủi ro về thuế không chỉ với 524 doanh nghiệp theo danh sách kèm công văn. Những điều kiện, thủ tục của văn bản này ngay lập tức khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, lúng túng trong thực hiện.

Nếu tại thời điểm giao dịch mua hàng hoá, dịch vụ giữa các bên, việc mua bán, nhận hàng, thanh toán tiền và xuất hóa đơn đều là có thật thì doanh nghiệp mua hàng không có lỗi gì cả. Bởi trong lúc mua hàng hóa, dịch vụ thì doanh nghiệp bán hàng vẫn còn đang hoạt động, trên hệ thống hóa đơn điện tử cũng chưa thấy hóa đơn của những doanh nghiệp này bị thu hồi. Thế nhưng, khi doanh nghiệp bán hàng bị phát hiện không còn hoạt động, thì doanh nghiệp mua hàng phải giải trình là bất hợp lý bởi, trước khi hóa đơn điện tử được xuất ra thì doanh nghiệp bán hàng phải gửi hóa đơn lên hệ thống của Tổng cục Thuế để được cấp mã rồi mới xuất cho bên mua.

Theo quy định của pháp luật, hóa đơn khi được xuất ra là hợp lệ, việc nhận hoá đơn cũng là hợp pháp, nên việc loại bỏ những hóa đơn này ra khỏi chi phí của doanh nghiệp mua hàng là không hợp lý. Doanh nghiệp mua hàng không thể biết và buộc phải biết, do đó không thể chịu trách nhiệm về những hành vi sai trái, thậm chí là chưa sai trái của người doanh nghiệp khác vào thời điểm hai bên giao dịch.

Doanh nghiệp mua hàng có thể cung cấp, phối hợp với cơ quan thuế để hỗ trợ công tác hậu kiểm của ngành Thuế chứ không thể bị coi là có sai phạm vì mua hàng của doanh nghiệp đã gian lận, bỏ trốn.

Doanh nghiệp bán hàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những việc làm sai trái gian lận, trốn thuế của họ. Nếu cơ quan thuế có lỗi trong việc quản lý, giám sát doanh nghiệp bán hàng, kể cả việc chậm phát hiện, xử lý sai phạm thì cũng phải chịu trách nhiệm, chứ không phải là… đẩy trách nhiệm cho các doanh nghiệp mua hàng chỉ như là người “bị hại”.

Hay một vấn đề nhức nhối cũng xảy ra đối với nhiều ngành xuất khẩu trong mấy năm gần đây về việc không được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo Luật và các văn bản dưới luật, các doanh nghiệp xuất khẩu được hoàn thuế GTGT khi có đủ 3 điều kiện gồm: Thứ nhất , có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu. Thứ hai , có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật. Thứ ba , có tờ khai hải quan theo quy định.

Luật cũng đã quy định rõ về thời gian kiểm tra, xác minh hồ sơ hoàn thiện, đối với các doanh nghiệp được hoàn trước, kiểm tra sau thì thời gian thực hiện trong vòng 6 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp doanh nghiệp thuộc diện kiểm trước, hoàn sau thì thời gian tối đa để cơ quan thuế kiểm tra là 40 ngày liên tục kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ…

Thế nhưng, các công văn hướng dẫn của cơ quan thuế về hoàn thuế lại yêu cầu thêm những điều kiện vượt quá quy định của pháp luật (như liên quan đến việc xác minh thông tin của khách hàng nhập khẩu ở nước ngoài hoạt động hoàn toàn theo quy định của pháp luật nước ngoài), dẫn đến việc dù doanh nghiệp đã đáp ứng các điều kiện theo quy định của luật về hoàn thuế nhưng mất 1 - 2 năm vẫn chưa được nhận lại tiền đã nộp thuế, khiến nhiều doanh nghiệp chồng chất “khó khăn và thiệt hại lớn”, nhất là trong thời kỳ thị trường rất rủi ro như hiện nay.

- Vậy, để khắc phục tình trạng đã nêu, ông có đề xuất, khuyến nghị gì?

Tôi cho rằng, về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cần tư duy theo hướng, chấm dứt việc ban hành các công văn hướng dẫn ràng buộc thêm trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp so với quy định của pháp luật. Thông tư, Nghị định và Luật nếu có vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo, khó hiểu cần ban hành công văn hướng dẫn thì chỉ được hướng dẫn theo hướng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Nếu có lỗi hay vướng mắc từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thì cơ quan thuế phải chấp nhận phần rủi ro, khó khăn, thua thiệt về mình. Theo quy định tại khoản 11, Điều 16 về “Quyền của người nộp thuế”, Luật Quản lý thuế năm 2019 như đã nêu trên, thì doanh nghiệp còn không phải chịu trách nhiệm khi cơ quan thuế hướng dẫn sai, thì càng không phải chịu trách nhiệm về sự sai trái của doanh nghiệp khác.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.