Theo tính toán của Chính phủ, việc thực hiện các đề xuất gói miễn, giảm thuế có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21.300 tỷ đồng, giảm thêm 1.300 tỷ đồng so với đề xuất trước đây.
Gói miễn, giảm thuế trị giá 21.300 tỷ đồng
Mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét Dự thảo Nghị quyết một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Theo đó, Chính phủ đề nghị giảm 30% thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ ngày 1/10/2021 đến hết 31/12/2021 với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, bao gồm các lĩnh vực: vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động xuất bản (trừ xuất bản theo hình thức trực tuyến); điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; các đại lý du lịch; sáng tác, nghệ thuật và giải trí; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; thể thao, vui chơi và giải trí.
Chính phủ đề nghị giảm 30% thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ ngày 1/10/2021 đến hết 31/12/2021 với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (Nguồn: Internet)
Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu, được giảm 30% mức tỷ lệ % tính thuế GTGT với hàng hóa, dịch vụ. Số giảm thu ngân sách nhà nước giảm khi áp dụng chính sách này là khoảng 5.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021 giảm 30% với trường hợp tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu 2021 giảm so với 2020. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, hoặc chuyển đổi loại hình kinh doanh, hình thức sở hữu (sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản...) thì không áp dụng tiêu chí tổng doanh thu năm 2021 giảm so với 2020 trong kỳ tính thuế năm 2021.
Riêng với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Dự thảo Nghị quyết nêu, đối tượng này sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý 3 và quý 4/2021.
Nội dung này, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội về tăng thêm mức hỗ trợ để đảm bảo việc thực hiện hỗ trợ bao quát đến các đối tượng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn mà không chỉ phân biệt trong hay ngoài vùng dịch hay khu vực giãn cách. Dự kiến, số giảm thu ngân sách nhà nước theo phương án này là khoảng 8.800 tỷ đồng.
Chính phủ đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.
Nội dung đề xuất này về thực chất cũng tương tự với việc gia hạn thời hạn nộp thuế còn nợ của doanh nghiệp, tổ chức trong các năm 2020, 2021. Số tiền chậm nộp của các doanh nghiệp, tổ chức bị thua lỗ, khó có khả năng nộp ngân sách nên có tác động giảm gánh nặng nợ để họ yên tâm và sớm hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước theo phương án này là khoảng 5.300 tỷ đồng.
Như vậy, theo tính toán của Chính phủ, việc thực hiện các đề xuất nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21.300 tỷ đồng, giảm thêm 1.300 tỷ đồng so với đề xuất trước đây.
Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc giảm 30% thuế GTGT thì đối tượng được thụ hưởng trực tiếp chính sách này là người mua hàng hóa, dịch vụ (do mức giảm thuế suất GTGT thể hiện trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của người bán, qua đó giảm số tiền mà người mua phải thanh toán). Việc giảm thuế này cũng gián tiếp hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích bán hàng tốt hơn, nhiều hơn.
Kinh nghiệm quốc tế
Theo kinh nghiệm quốc tế, các biện pháp nêu trên sẽ mang lại những tác động tích cực với người tiêu dùng và tăng khả năng kích cầu, khi giá cả hàng hóa giảm tương ứng cùng với giảm thuế suất. Đối với doanh nghiệp, chính sách này mang lại lợi ích kép như: Giảm thuế suất giúp tăng doanh số bán hàng; Giúp doanh nghiệp có thêm một khoản vốn, hỗ trợ thanh khoản trong một thời gian ổn định. Nhìn từ góc độ tài chính, bản chất là cho phép doanh nghiệp chiếm dụng vốn ngân sách trong một thời gian, có thể theo tháng, theo quý tùy theo hồ sơ kê khai và theo chính sách gia hạn.
Để giảm áp lực cho ngân sách quốc gia, một số nước đã chọn phương án giảm thuế suất thuế GTGT có chọn lọc đối với một số mặt hàng cụ thể (Nguồn: Internet)
Đối với nền kinh tế, việc giảm thuế GTGT tạo phản ứng tích cực về tiêu dùng, đầu tư và cung lao động, kéo theo sản lượng gia tăng.
Đơn cử như tại Hàn Quốc, Chính phủ nước này cũng giảm thuế GTGT với doanh nghiệp có doanh thu hàng năm ít hơn 60 triệu won. Giảm thuế cho những doanh nghiệp cư trú tại vùng thảm họa đặc biệt bao gồm Daegu, Gyeongsan, Bonghwa và Cheongdo, cụ thể: giảm thuế doanh nghiệp lên tới 60% cho các công ty nhỏ bị ảnh hưởng và lên đến 30% cho các công ty vừa bị ảnh hưởng, mức giảm tối đa 200 triệu won/doanh nghiệp. Thời hạn kê khai và nộp thuế có thể kéo dài thêm 9 tháng cho các công ty bị ảnh hưởng đặc biệt do Covid-19.
Hay tại Thái Lan, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ nhận được tiền hoàn thuế GTGT nhanh hơn thông thường. Nếu khai thuế GTGT qua hệ thống điện tử, việc hoàn thuế GTGT sẽ được giải quyết trong vòng 15 ngày, so với thời hạn thông thường là 30 ngày. Nếu khai thuế qua hồ sơ giấy, việc hoàn thuế GTGT được giải quyết trong vòng 45 ngày (so với thời hạn 60 ngày thông thường). Các khoản quyên góp của doanh nghiệp để hỗ trợ phòng chống dịch được miễn thuế GTGT.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc cắt giảm thuế suất thuế GTGT của Đức có tác dụng tăng GDP trong ngắn hạn, nhưng hiệu quả này giảm đi nhiều trong trung hạn, khi tiêu dùng tăng và đầu tư tư nhân giảm. Vì thế, để giảm áp lực cho ngân sách quốc gia, một số nước đã chọn phương án giảm thuế suất thuế GTGT có chọn lọc đối với một số mặt hàng cụ thể như đối với các mặt hàng thực phẩm và đồ uống không cồn,...
TS. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế nhận định: “Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, người dân không có thu nhập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mua của người tiêu dùng. Điều này, sẽ kìm hãm sự lưu thông, trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền, các loại ngành, không có lợi cho quá trình phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19" .
Có thể thấy, thời gian qua, Việt Nam cơ bản cũng đã ban hành nhiều chính sách, đặc biệt là các giải pháp về thuế, để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các giải pháp nêu trên triển khai càng sớm càng sẽ góp phần quan trọng và nhanh chóng giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Đặc biệt, việc gia hạn nộp thuế sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết được bài toán về dòng tiền, dành nguồn lực tập trung duy trì và phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Nguồn: Tạp chí DDDN
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...