Theo chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khá nhiều “lỗ hổng” trong việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tính ngăn chặn và hiệu lực của pháp lý.
>> Minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Trăn trở xếp hạng tín nhiệm
Từ sự việc lùm xùm liên quan đến huỷ phát hành 9 lô trái phiếu của nhóm doanh nghiệp thuộc Tân Hoàng Minh, nhiều nhà đầu tư băn khoăn, đâu là những yếu tố mà nhà đầu tư trái phiếu cần quan tâm khi đầu tư trái phiếu động sản nói riêng và trái phiếu doanh nghiệp nói chung và liệu kết quả xếp hạng tín nhiệm có giúp nhà đầu tư yên tâm hơn, thậm chí không bị mất tiền khi mua trái phiếu?
Ít nhất vai trò của một tổ chức xếp hạng tín nhiệm sẽ cung cấp thêm thông tin, cũng như đánh giá một cách độc lập về sản phẩm trái phiếu hoặc về doanh nghiệp phát hành mà các nhà đầu tư quan tâm
Trả lời cho câu hỏi này, đại diện Fiin Rating cho rằng, khi nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, có ba thứ cần phải lưu ý đó là: Thứ nhất , chúng ta cần phải đọc kỹ điều khoản trong hợp đồng trái phiếu đó, ví dụ cam kết bảo lãnh thì là bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh phát hành. Thứ h ai , là cam kết mua lại thì điều kiện cho việc mua lại được diễn ra là gì. Thứ ba , là sức khỏe của bản thân doanh nghiệp tổ chức phát hành, nếu chúng ta mua trái phiếu của một doanh nghiệp bất động sản, thì phải biết được trái phiếu đó, tiền đó được phục vụ cho dự án nào và liệu khả năng thực thi cũng như triển khai có đúng tiến độ hay không.
Các nhà đầu tư có thể sử dụng qua một chỉ số tài chính rất cơ bản như Nợ vay/EBITDA. Những con số này có thể phải điều chỉnh, nhưng đặc thù của ngành bất động sản có thể có tính chất tương đối khác biệt so với những ngành khác, nhưng dựa vào những thông số như thế này, chúng ta cũng có thể đánh giá phần nào và so sánh giữa các doanh nghiệp bất động sản với nhau.
Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất đó là kỳ vọng về rủi ro và lợi nhuận của chính bản thân nhà đầu tư.
“Theo quan điểm của chúng tôi, rủi ro lớn nhất sẽ đến đối với một nhà đầu tư khi chúng ta không biết được chúng ta mua cái gì, không biết sản phẩm mình bỏ tiền vào như thế nào. Điều đó sẽ liên kết với câu hỏi rằng, liệu xếp hạng tín nhiệm có giúp giảm thiểu rủi ro về 0 hay không, nghĩa là cứ có xếp hạng tín nhiệm là không mất tiền, quan điểm này là không đúng. Vì khoản đầu tư nào cũng sẽ có rủi ro. Đó là luật bất bất thành văn trong giới đầu tư, nhưng nếu chúng ta biết rõ hơn về thứ chúng ta nắm giữ, thì đó cũng có thể giúp cho rủi ro giảm đi. Hoặc không giảm đi thì ít nhất vai trò của một tổ chức xếp hạng tín nhiệm, sẽ cung cấp thêm thông tin, cũng như đánh giá một cách độc lập về sản phẩm trái phiếu hoặc về doanh nghiệp phát hành mà các nhà đầu tư quan tâm”, đại diện Fiin Rating phân tích.
>> Minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Trăn trở xếp hạng tín nhiệm
Về vấn đề này, TS. Võ Đình Trí, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global cho hay, thông thường, với nhà đầu tư đại chúng không thể có đủ nguồn lực để đánh giá mức độ rủi ro của trái phiếu, thì cần phải có một bên độc lập là các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá chất lượng của trái phiếu: thuộc nhóm có thể đầu tư được (investment-grade bonds) hay là trái phiếu rác (junk bonds). Một trái phiếu có thể có được đánh giá từ nhiều tổ chức xếp hạng khác nhau và kết quả xếp hạng cũng có thể có chênh lệch.
Thông qua hình thức góp vốn đầu tư để đầu tư trái phiếu gián tiếp, rủi ro đối với nhà đầu tư cá nhân còn cao hơn khi không được bảo vệ về mặt pháp lý. Ngay trong trường hợp doanh nghiệp phát hành không có khó khăn về tài chính nhưng chây ì hoặc không muốn trả lãi định kỳ hay vốn gốc, thì nhà đầu tư cá nhân cũng gặp rất nhiều phiền toái.
Cũng theo vị TS, hiện nay, Việt Nam đã có Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2019, Nghị định 128/2021/NĐ-CP và Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên còn khá nhiều lỗ hổng trong việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, đặc biệt là cơ chế đảm bảo tính ngăn chặn và hiệu lực của pháp lý. Vì vậy rất cần thiết phải có một luật riêng biệt để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nói riêng, quyền lợi của người tiêu dùng dịch vụ tài chính nói chung.
“Rõ ràng là không thể yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hay dịch vụ tài chính tự giác, và yêu cầu nhà đầu tư phải tự nâng cao khả năng phân tích nhận định của mình, cũng như nguồn lực của cơ quan giám sát đủ nhiều để phát hiện. Muốn vậy, cần phát triển các hệ thống đánh giá xếp hạng độc lập, trong nước và mở cửa kết nối với thị trường quốc tế. Khi có nhiều bên đánh giá độc lập thì thông tin sẽ đa dạng và khách quan hơn.
Lấy ví dụ như một doanh nghiệp trong nước phát hành trái phiếu, thì uy tín sẽ được thể hiện qua việc được bao nhiêu tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm này có vừa trong nước, vừa quốc tế hay không. Nhưng quan trọng hơn hết là chế tài xử phạt khi vi phạm xảy ra đủ mạnh để có tính ngăn ngừa. Vì nếu cá nhân hay tổ chức muốn vi phạm mà biết trước rằng chi phí lớn hơn lợi ích thì chắc chắn họ sẽ không làm”, TS. Võ Đình Trí khuyến nghị.
Ở góc độ pháp luật, LS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW cho rằng, Luật Chứng khoán 2019 cùng với Nghị định 153/2020/NĐ-CP hiện vẫn còn nhiều “lỗ hổng” trong quy định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hay tài sản bảo đảm có chất lượng không cao. Do đó, cần bổ sung, sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP theo một số phương hướng như: Sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.
Cùng với đó, là bổ sung quy định về Đại diện người sở hữu trái phiếu để tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, cũng như tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành; cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Tiếp đến, bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, tăng cường quản lý, giám sát đối với các trái phiếu đưa vào giao dịch trên thị trường thứ cấp.
Ngoài ra, cần sửa đổi một số quy định về thời hạn và nội dung công bố thông tin nhằm khắc phục những bất cập thời gian vừa qua, đồng thời tăng tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và việc sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
Đặc biệt, bổ sung văn bản hướng dẫn thi hành đối với Nghị định 153/2020/NĐ-CP bởi hiện nay mới chỉ có Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...