COVID-19 và nỗ lực phục hồi kinh tế của Chính phủ

2021-10-22 07:55:25

Mục tiêu tăng trưởng 6 – 6.5% cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy lùi COVID-19, phục hồi kinh tế.

Dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội, chặn đà tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam. Và kho đặt con số tăng trưởng 6 - 6.5% cho thấy nỗ lực phục hồi kinh tế và đẩy lùi COVID-19 của Chính phủ.

Sáng 20/10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã khai mạc theo hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu Nhà Quốc hội (Hà Nội) tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, TP trên cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch

phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022. Ảnh: VGP

Đáng chú ý, tại kỳ họp, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 đạt khoảng 6 - 6,5%. Bởi vì, con số tăng trưởng 6-6,5% được cho là rất cao với thời điểm dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và tác động mạnh lên nền kinh tế.

Thực tế, mức tăng 6- 6,5% mỗi năm được cho là chỉ số “dễ vượt qua” ở giai đoạn 2018- 2019 khi mức tăng GDP 2019 đã lên tới 7,02% và Việt Nam lọt vào Top đầu của thế giới về tốc độ tăng trưởng. Nhưng dịch COVID-19 bùng phát chặn đà tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam, năm 2020 đạt mức tăng 2,91%. Năm 2021, dự báo Việt Nam tăng trưởng 3- 3,5%.

Với sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 khiến Hà Nội và 19 tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ khiến cho nhiều tổ chức và cá nhân đang có cái nhìn kém lạc quan vào bức tranh tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm và cả năm 2021.

Vậy thì cơ sở nào để Chính phủ đặt mục tiêu rất cao là 6- 6,5%?

Trước hết: Đà hồi phục của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch, cũng như tình hình triển khai Vaccine ở Việt Nam và các nước đối tác của Việt Nam.

Bởi khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở các tâm dịch đạt tỷ lệ cao, nền kinh tế kỳ vọng sẽ dần mở cửa trở lại và các động lực tăng trưởng có thể dần lấy lại đà hồi phục khi dịch được khống chế.

Nhìn về phía trước từ ba đến sáu tháng, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam là tích cực. Tỷ lệ tiêm Vaccine COVID-19 đang tăng lên khi các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội đã tiêm mũi đầu tiên cho hơn 90% dân số. Thêm vào đó, đất nước đã đảm bảo đủ Vaccine cho toàn bộ dân số, hy vọng sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng vào quý đầu tiên hoặc thứ hai của năm 2022.

Thứ hai: Kỳ vọng vào nguồn kích cầu từ dòng vốn FDI.

Các động lực cho tăng trưởng bao gồm: Dòng vốn FDI kỳ vọng tăng trưởng trở lại khi dịch được kiểm soát, khi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI toàn cầu; Nhu cầu bên ngoài phục hồi đáng kể nhờ việc triển khai Vaccine toàn cầu và các gói hỗ trợ kích thích kinh tế ở các đối tác thương mại lớn giúp xuất khẩu tăng trưởng hai con số và thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước.

Một hướng nhìn khác để chúng ta thấy lạc quan về con số tăng trưởng nói trên đó là theo Bảng xếp hạng Expat Explorer 2021, Việt Nam hiện xếp ở vị trí thứ 19 trong top những quốc gia đáng sống và làm việc nhất trên thế giới năm 2021, top 5 quốc gia đáng sống và làm việc nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Báo cáo cũng dự báo rằng, triển vọng trong tương lai của Việt Nam có thể được nâng lên vị trí thứ 11.

Được biết, Bảng xếp hạng Expat Explorer là một khảo sát được tiến hành trên toàn cầu với sự tham gia của hơn 20.000 người đang sống và làm việc ở nước ngoài. Trong bảng khảo sát cũng cho biết rằng, gần 2/3 (65%) chuyên gia nước ngoài cảm thấy lạc quan về tương lai trong vòng một năm sắp tới bất chấp những biến động khó lường trong 18 tháng vừa qua.

Thứ ba: Sức mạnh nội sinh của nền kinh tế.

Dịch bệnh COVID-19 này, một lần nữa là thời điểm cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân khẳng định lại trách nhiệm xã hội của mình đối với cộng đồng. Góp phần quan trọng ổn định xã hội khi tạo ra hàng triệu việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, tạo tiền đề cho việc khôi phục kinh tế; Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công trong các tháng cuối năm 2021 và sang 2022.

Thứ tư: Việt Nam đã và đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Đại dịch thực sự đã làm giảm mức tăng trưởng cao, nhưng thị trường Việt Nam đã vượt trội hơn so với các thị trường quốc tế khác, được hỗ trợ bởi tăng trưởng GDP trong bối cảnh COVID-19 vào năm 2020 cùng với những hoạt động kinh tế tăng trưởng vượt trội, dẫn đầu Châu Á. Vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế tin rằng nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khủng hoảng nhất.

Thứ năm: Việt Nam đang có một Chính phủ kiến tạo, phát triển.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, ưu tiên hàng đầu là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.

Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp thiết thực để hỗ trợ, tháo khó khăn để có thể phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Điểm tích cực là Chính phủ đã và đang tích cực thực hiện các chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong mùa dịch; lạm phát và tỷ giá tiếp tục duy trì ổn định.

Có thể nói, dịch vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm vẫn cao, nguy cơ tiếp tục xuất hiện những biến chủng virus mới có khả năng lây lan cao hơn, bùng phát mạnh. Do đó, cần phải nghiên cứu xây dựng các kịch bản tăng trưởng GDP, căn cứ diễn biến của dịch COVID-19 để đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu cùng các giải pháp phù hợp.

Sự thận trọng là cần thiết. Tuy nhiên, khi đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%, Chính phủ đã có những phương án và tính toán. Nhưng trên hết, con số ấy cho thấy quyết tâm, dám đương đầu với khó khăn.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp