Số liệu thống kê của Singapore cho thấy, ngày 27/10 quốc gia này ghi nhận 5.324 ca nhiễm và 10 ca tử vong do COVID-19, đánh dấu lần đầu tiên ca nhiễm tại quốc đảo này vượt mốc 5.000 ca. Trong số ca nhiễm mới, 4.651 ca lây lan trong cộng đồng, 661 ca ở ký túc xá dành cho lao động nhập cư và 12 ca ngoại nhập. Có 10 ca tử vong ở độ tuổi 54-96. Trừ một trường hợp chưa tiêm vaccine, tất cả những ca tử vong còn lại đều có bệnh lý nền.
"Lượng ca nhiễm tăng cao bất thường, chủ yếu do nhiều trường hợp dương tính được các phòng xét nghiệm phát hiện . Bộ đang xem xét sự gia tăng bất thường ca nhiễm trong khoảng thời gian ngắn và theo dõi chặt chẽ các xu hướng trong vài ngày tới", Bộ Y tế Singapore cho biết.
Ngày 28/10, Singapore có 76 bệnh nhân COVID-19 ở tình trạng rất nghiêm trọng, đang được theo dõi chặt chẽ trong các phòng chăm sóc tích cực (ICU), giảm so với con số 79 của một ngày trước đó. Trong số này, có 66 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch và cần đặt nội khí quản, ít hơn 1 trường hợp so với hôm trước. Trong khi đó, số bệnh nhân đang được hỗ trợ thở oxy ở Singapore tăng từ 289 lên 308 vào ngày 27/10.
Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong, Chủ tịch “đội đặc nhiệm” chống COVID-19 của Singapore cho biết, đây bài học cho những nước lựa chọn "sống chung với COVID" như Singapore, New Zealand và Australia... “Ngay khi mở cửa, tương tác xã hội sẽ diễn ra nhiều hơn. Và xét tới khả năng lây nhiễm cao của biến chủng Delta, những ổ dịch lớn sẽ xuất hiện. Chúng ta luôn cần chuẩn bị sẵn sàng cho những làn sóng lây nhiễm lớn, cho dù tỷ lệ tiêm chủng đã đạt tới con số bao nhiêu", ông Lawrence Wong nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Dale Fisher, chuyên gia tư vấn cấp cao, Bộ phận Bệnh truyền nhiễm, Khoa Y, Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore đánh giá, quốc đảo này là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy, việc tái mở cửa và khôi phục các hoạt động kinh tế nhanh là mối đe dọa đến hệ thống chăm sóc sức khỏe. Đã phát sinh nhiều ổ bệnh mới khi những người chưa được tiêm chủng di chuyển và tiếp xúc với nhiều người.
Mặc dù vậy, vaccine đã giúp Singapore hạn chế số ca mắc COVID-19 phải nhập viện. 98,4% số ca nhiễm gần đây ở nước này không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Các ca tử vong tập trung chủ yếu ở người cao tuổi, thường là những người có bệnh nền, và chỉ chiếm 0,2% tổng số ca nhiễm mới trong 28 ngày gần nhất.
Điều này cho thấy, vaccine không thể chống lại hoàn toàn sự lây nhiễm, nhất là phòng chống được biến chủng Delta. Tuy nhiên, việc các ca nhiễm nặng giảm và chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ vẫn cho thấy hiệu quả trong việc ngăn ngừa số lượng bệnh nhân nhập viện, từ đó giảm tải áp lực lên hệ thống y tế.
Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế Ong Ye Kung nhấn mạnh rằng, Singapore vẫn đi theo chiến lược “sống chung với Covid”, Bởi vì, các doanh nghiệp và người bán lẻ tại Singapore than vãn về đợt mở rộng giãn cách xã hội do COVID-19 mới nhất kéo dài cả tháng tính từ tháng 5/2021.
Đồng thời, một số nhóm doannh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp đã kêu gọi chính phủ Singapore nới lỏng giãn cách. Nếu quốc gia này lại tiếp tục siết chặt giãn cách, nước này sẽ phải chịu nhiều thiệt hại về các lĩnh vực khác, và người dân sẽ gia tăng bất mãn.
"Chúng ta vẫn cần điều chỉnh tuỳ theo tình hình mà chúng ta đang đối mặt. Làn sóng lây nhiễm hiện nay sẽ không kéo dài vô thời hạn và sẽ đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó do một “sự cân bằng mới của virus”, khi dân chúng đã có được khả năng miễn dịch tốt hơn và có thêm nhiều người từ 30 tuổi trở lên tiêm mũi vaccine tăng cường", ông Ong Ye Kung nói .
Câu chuyển của Singapore đã cho thấy một thực tế, sẽ không có khả năng miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19, cho dù tỷ lệ tiêm phòng cao đến đâu và một số biện pháp hạn chế dịch có thể không còn hiệu quả nữa. Chính vì vậy, các chuyên gia cảnh báo, các quốc gia lựa chọn sống chung với COVID-19 cần có những bước đi thận trọng hơn trong việc nới lỏng giãn cách, đặc biệt là khi còn nhiều địa phương chưa được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.