Đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi), vì đã bao trùm mọi chủ thể quy định ở trong Luật. Tên gọi này đã đi vào lịch sử, trở thành thương hiệu trong nền kinh tế Việt Nam.
>> Khái niệm “người tiêu dùng” quy định trong luật chưa rõ
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), ngày 10/11.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội). Ảnh: QH
Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Tiến Lộc quan tâm đến một số nội dung còn ý kiến khác nhau. Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi), tên gọi này đã bao trùm mọi chủ thể quy định ở trong Luật.
"Đây cũng là tên gọi đi vào lịch sử, trở thành một thương hiệu trong nền kinh tế Việt Nam, cần tiếp tục kế thừa phát huy trong thời gian tới", đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích, người có công đưa mô hình hợp tác xã về Việt Nam là Bác Hồ. Trong suốt sự nghiệp, Bác vẫn luôn quan tâm, phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Hợp tác xã cũng là mô hình vừa thể hiện bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.
Về Liên đoàn hợp tác xã, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc chưa nên đưa vào Luật này, cần tổ chức thí điểm có thực tiễn ở cho phù hợp hơn. Mặc dù trên thế giới đã có hình thức này từ lâu, nhưng đối với Việt Nam thì vẫn cần thí điểm để nghiên cứu, đánh giá việc thành lập Liên đoàn hợp tác xã theo ngành hàng.
Đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công, chuyển giao ủy quyền cho Hợp tác xã trong thực hiện các dịch vụ công như hỗ trợ phát triển kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại đầu tư, đồng thời, cũng cần tăng cường năng lực của Liên minh Hợp tác xã để thực hiện được các nhiệm vụ quan trọng này.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển bền vững, hiệu quả.
Luật hiện hành cách đây 10 năm đã xuất hiện những bất cập cần tháo gỡ; những khó khăn, vướng mắc như số lượng thành viên kết nạp mới hoặc rút khỏi hợp tác xã, cơ cấu tổ chức quản lý có điểm chưa phù hợp, thiếu minh bạch trong thông tin, độ tin cậy chưa cao, tài sản tài chính của hợp tác xã còn nhiều vấn đề để bàn cãi.
>> Bộ Công Thương bị "nghi oan” về giá xăng dầu?
>> Cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QH
Đặc biệt, các chính sách của Nhà nước chưa khuyến khích, tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển bền vững. Từ những bất cập trên, đại biểu nêu rõ việc sửa đổi Luật Hợp tác xã là cần thiết.
Đại biểu Phạm Văn Hoà cũng bày tỏ thống nhất với tên gọi là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác nhằm bao quát đầy đủ các đối tượng áp dụng. Việc đổi tên như Tờ trình của Chính phủ sẽ tạo sự khác biệt rõ ràng giữa tên gọi chung của các loại hình thể, tổ chức này và các tổ chức kinh tế hợp tác; phù hợp với tôn chỉ, mục đích, bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, đề cao tinh thần hợp tác giữa các thành viên với nhau.
Trong phạm vi điều chỉnh không chỉ có hợp tác xã mà còn có tổ hợp tác, liên minh hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã. Đây là các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác cho nên việc đổi tên gọi là phù hợp.
Tuy nhiên, nội dung quy định trong Luật về tổ hợp tác còn mờ nhạt so với hợp tác xã. Quy định tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân rất khó hoạt động. Do đó đại biểu đề nghị điều chỉnh tổ hợp tác phải có pháp nhân.
Đồng thời cần giải thích mô hình hợp tác xã siêu nhỏ để có căn cứ vào vốn điều lệ để phân loại. Ngoài ra, đại biểu đề nghị quy định thành viên tổ hợp tác có đủ 18 tuổi trở lên để thực hiện đầy đủ các quyền dân sự.
Về Liên đoàn hợp tác xã, đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng đây là tổ chức mới, chưa có tiền lệ, cần phải có đánh giá thực tế trong các mô hình thí điểm để có sự thuyết phục lớn.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...