Chuyển đổi số, cơ hội để đưa sản phẩm OCOP vươn xa

2022-07-27 07:53:56

Để quảng bá tiêu thụ sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể sản xuất đã tìm đến sàn thương mại điện tử bởi khả năng chuyển tải nhanh chóng thông tin, hình ảnh về sản phẩm đến người tiêu dùng.

>> Lan toả sản phẩm OCOP, du lịch làng nghề Hà Nội

Vậy nhưng, trong thời gian qua, để sản phẩm OCOP tại nhiều địa phương ở miền Trung tìm vị thế của mình trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) vẫn còn nhiều gian nan, thách thức.

Chuyển đổi số còn chậm

Một tin vui đối với nhiều người dân Nghệ An là đến hết tháng 6/2022, địa phương này đã có 63 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên đã được đưa lên các sàn TMĐT uy tín trên cả nước. Mặt khác, địa phương cũng đã thiết lập được 11 gian hàng cấp huyện với 300 sản phẩm lên sàn TMĐT. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP của Nghệ An được quảng bá rộng rãi, tiếp cận được nhiều đối tượng và dần mở rộng thị phần, từng bước chinh phục thị trường trong nước và nước ngoài. Qua đó, số lượng hàng hoá bán, giao dịch qua kênh online cũng có bước tăng trưởng nhanh so với lối bán hàng truyền thống trước kia.

Việc đưa sản phẩm qua sàn thương mại điện tử là công cụ hiệu quả để thực hiện truyền thông, quảng bá cho OCOP, chuyển tải, quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng người tiêu dùng trên thị trường.

Nghệ nhân Sầm Thị Bích, Giám đốc HTX Làng nghề Dệt thổ cẩm Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) chia sẻ, những sản phẩm của HTX được dệt bằng thủ công truyền thống, nhuộm bằng chế phẩm tự nhiên không gây hại sức khỏe của người sử dụng. Sản phẩm thổ cẩm dệt tay của HTX đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Qua kênh bán hàng, giới thiệu trên sàn TMĐT, sản phẩm dệt thổ cẩm Hoa Tiến không những có mặt trên thị trường nhiều thành phố lớn của Việt Nam mà còn được xuất sang Nhật Bản và nhiều quốc gia ở châu Âu, chiếm được cảm tình của nhiều khách hàng. Bởi thổ cẩm dệt Hoa Tiến là sự kết tinh của giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, cùng sự nỗ lực không quản ngại khó khăn của cộng đồng người Thái trong hành trình giữ gìn, phát triển nghề dệt truyền thống.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An (thứ 2 từ trái sang) tham quan sản phẩm OCOP của địa phương

Thực hiện mục tiêu 100% sản phẩm OCOP 3 sao trở lên được đưa lên sàn TMĐT theo Kế hoạch số 2345 của UBND tỉnh Nghệ An, thời gian qua, các chủ thể OCOP, các ngành và cơ quan chức năng đã triển khai nhiều chương trình, phần việc thiết thực.

Theo đó, các cấp ngành, ở Nghệ An đã phối hợp với các chủ thể OCOP lựa chọn các sản phẩm đạt yêu cầu để đưa lên sàn TMĐT bằng các hoạt động như: Doanh nghiệp bưu chính tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn các kiến thức về TMĐT cho các hộ sản xuất; hỗ trợ kích hoạt tài khoản trên sàn và tài khoản thanh toán trực tuyến cho các hộ có nhu cầu đưa các sản phẩm đủ điều kiện. Các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP chủ động đầu tư cải tiến mẫu mã, bắt nhịp nhu cầu chuyển đổi số để đưa các sản phẩm lên sàn…

>> Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản tại Trung tâm Thương mại GO! Hạ Long

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồ Lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An, so với tiềm năng, thế mạnh của địa phương thì vẫn chưa thực sự khai thác và phát huy hết hiệu quả. Nguyên nhân là do một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chú trọng công tác thị trường, còn thiếu điểm để giới thiệu sản phẩm OCOP cũng như tiềm năng, lợi thế của địa phương; việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên cổng thông tin điện tử hoặc các trang web cũng chưa được đẩy mạnh.

Nhiều địa phương “dè dặt” đưa sản phẩm OCOP lên sàn

Đến cuối tháng 5/2022, cả nước đã có 7.463 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao trở lên. Trong đó có 20 sản phẩm 5 sao, 90 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 2.311 sản phẩm 4 sao và 5.047 sản phẩm đạt 3 sao. Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 5 sao đã trở thành sản phẩm “ngoại giao nông nghiệp”, được Chính phủ sử dụng làm quà tặng.

Cùng với các kênh xúc tiến thương mại truyền thống, nhiều địa phương đã tích cực khai thác tiềm năng của kênh xúc tiến thương mại mới thông qua sàn TMĐT nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP.

Theo ông Nguyễn Hữu Dực, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh rất chú trọng tới việc kết nối xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh bởi kênh này giúp tăng hiệu quả sản xuất, tiêu thụ nông sản và các sản phẩm OCOP. Thời gian qua, ở Hà Tĩnh đã từng bước chuyển đổi số thông qua các nền tảng số, giúp tăng hiệu quả quản lý quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, gắn với thương mại điện tử.

>> Quảng Ninh: Số hóa trong tiêu thụ sản phẩm OCOP

Được biết, đến nay cả nước mới chỉ có 25 địa phương đã đưa 100% sản phẩm OCOP từ 3 sao lên các sàn thương mại điện tử Postmart, Vỏ Sò, gồm: An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Đồng Tháp, Điện Biên, Đồng Nai, Hà Nam, TP.HCM, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Long An, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Trị, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Huế, Cà Mau, Hậu Giang.

Nghệ nhân Sầm Thị Bích, Giám đốc HTX Làng nghề Dệt thổ cẩm Hoa Tiến hướng dẫn du khách nước ngoài thêu thổ cẩm

Thời gian qua, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số cho sản phẩm OCOP. Đến nay, nhiều chương trình đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Nhiều chủ thể OCOP và các đơn vị, địa phương cũng tham gia tích cực trong việc đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử như: Voso, Postmart, Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Ocopmall... Từ năm 2019 đến nay, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cũng đã nghiên cứu phát triển thí điểm các nền tảng số nhằm hỗ trợ các chủ thể tham gia phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP.

Để tăng cường quảng bá và tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử, nhiều chuyên gia và chủ thể OCOP cho rằng, các địa phương và bộ, ngành Trung ương cần quan tâm công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và đa dạng các sàn TMĐT. Thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển cũng như nâng cao khả năng liên kết, kết nối giữa các địa phương và các sàn thương mại điện tử, website để tạo sức mạnh trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và thu hút khách hàng.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.