Tình hình kinh tế trong năm 2022 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Theo đó, đạt mục tiêu GDP tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
>> Kịch bản xanh sẽ đưa GDP Việt Nam đạt 12,9 tỷ USD vào 2025
Kinh tế tháng 4 khởi sắc
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tiếp nối đà phát triển của quý I/2022, tình hình kinh tế tháng 4/2022 của nước ta tiếp tục khởi sắc. Thậm chí, nhiều ngành đạt kết quả tốt hơn những năm trước đại dịch, trong đó nổi bật là lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Bốn tháng đầu năm 2022, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2022 tăng thấp nhất trong mức tăng của tháng 4 giai đoạn 2017 - 2022; vấn đề an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; thu ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 45,7% dự toán, tăng 13,3%.
Trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% - 6,5% là thách thức rất lớn.
Sản xuất công nghiệp tháng 4/2022 tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng đầu năm 2022 sản xuất công nghiệp tăng 7,5%. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 3,9% so cùng kỳ.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng. Sản lượng thủy sản tháng 4/2022 ước đạt 736.400 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt tháng 4/2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao nhất từ trước tới nay với hơn 15.000 doanh nghiệp; 4 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3%, doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 60,6%; tổng số vốn đăng ký bổ sung tăng 39,4% so cùng kỳ.
Theo Bộ KH-ĐT, tính đến ngày 20/4, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 4 tháng đầu năm 2022 của đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 10,8 tỷ USD; bằng 88,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, đáng chú ý, tuy vốn đăng ký mới giảm 56,3%, nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh lần lượt là 92,5% và 74,5%.
Thời gian qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 6,2 tỷ USD; chiếm 57,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,8 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn, bán lẻ; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ. Điều này thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong 4 tháng đầu năm nay, xuất siêu ước tính đạt 2,53 tỷ USD, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 242,19 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 122,36 tỷ USD và nhập khẩu đạt 119,83 tỷ USD. Theo đó có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 63,1%).
Sự phục hồi của ngành du lịch rất nhanh, đặc biệt kể từ ngày 15/3, sau khi mở cửa du lịch. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4/2022 đạt 101.400 lượt người, gấp 2,4 lần so với tháng trước và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 192.400 lượt người, tăng 184,7% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ khách quốc tế, tháng 4/2022, Việt Nam chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của du lịch nội địa với 10,5 triệu lượt khách, tăng trưởng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.
>> Kịch bản cho tăng trưởng GDP Việt Nam?
Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng
Tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2022 vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, theo đó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, tôi xin đề xuất 7 nội dung giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm đã đề ra.
Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19“ đồng thời triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023, trong đó đặc biệt bảo đảm giải ngân hết 100% số vốn đầu tư công được giao tạo động lực thúc đẩy kinh tế.
Thứ hai là kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành ứng phó với các tình huống phát sinh. Các cơ quan chức năng phải theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.
Ba là thúc đẩy sản xuất trong nước tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên nhiên vật liệu trong nước đồng thời đẩy nhanh các dự án về điện đảm bảo đáp ứng nhu cầu khi sản xuất tăng cũng như nhu cầu của người dân nhất là trong những tháng hè sắp tới.
Bốn là đẩy mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Giải pháp thứ năm là khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hành khách quốc tế, trong nước, hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch gắn với an toàn dịch bệnh đón mùa du lịch sắp tới.
Thứ sáu là đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. Tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi tối đa các doanh nghiệp.
Giải pháp cuối cùng , cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...