Bên cạnh thuận lợi và những tín hiệu tích cực từ hoạt động hợp tác song phương Việt Nam - ASEAN, năm 2023 cũng được cho là một năm nhiều thách thức.
>> Tiêu dùng ASEAN: (Kì 2) Sự phục hồi của việc làm và sức mua
Đây là chia sẻ của ông Bùi Tường Lân – Phó Chủ tịch thường trực Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN (Hội VASEAN) với Diễn đàn Doanh nghiệp về những cơ hội và thách thức mới cho doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường này.
- Gần 30 năm gia nhập ASEAN với nhiều hiệp định được ký kết, quan hệ Việt Nam - ASEAN đã có những bước tiến quan trọng, thưa ông?
Về tiến trình triển khai hợp tác với các nước đối tác ASEAN thời gian qua được nhấn mạnh tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị cấp cao liên quan đã diễn ra tại Thủ đô Phnom Penh của Campuchia năm 2022. Trong đó, quan điểm, lập trường, cũng như các đề xuất của Việt Nam được thể hiện rõ về việc củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường hợp tác giữa Hiệp hội với các đối tác, góp phần tăng cường liên kết khu vực. Trong đó, triển khai “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025” trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội.
Đặc biệt là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã mang lại, thúc đẩy tự do thương mại, duy trì ổn định chuỗi cung ứng và sản xuất. Chuỗi hoạt động của các nước là cùng nhau ứng phó với các thách thức trong bối cảnh biến động của khu vực và thế giới nhằm thúc đẩy phục hồi bền vững, tăng trưởng bao trùm.
Đáng nói, dù đứng trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị tác động mạnh mẽ bởi xung đột Nga - Ukraine, sự kéo dài những hệ lụy của đại dịch COVID-19 cũng như sự cạnh tranh thương mại gay gắt giữa các nền kinh tế lớn... hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao. Cụ thể, khi kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã chính thức đạt mốc kỷ lục 700 tỷ USD, vươn lên đứng vị trí thứ 2 trong khối ASEAN trong năm 2022.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực hợp tác mới được hợp tác như chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, kinh tế số và thúc đẩy các nỗ lực phát triển tiểu vùng Mekong,… Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với các vấn đề về công nghệ và thương mại, chuyển đổi năng lượng, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh thông tin.
- Thưa ông, bên cạnh những thành quả đạt được, việc hợp tác của Việt Nam và khu vực sẽ còn phải đương đầu với những thách thức gì?
Thách thức nhất chính là chuyển đổi số. Đặc thù của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng thị trường ASEAN phần lớn là quy mô vừa và nhỏ nên dễ linh hoạt trong cách chuyển đổi, thích ứng với những biến động. Tuy nhiên, vì quy mô vừa và nhỏ nên khả năng nâng cao công nghệ và mở rộng quy mô của doanh nghiệp cũng gặp khó khăn. Đây chính là tiền đề để chúng ta nêu ra những những định hướng hoạt động năm 2023 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới quy mô, tăng cường liên kết các mô hình kinh tế để đổi mới sản phẩm,…
Thực tế cho thấy, hầu hết các tỉnh, thành phố tại Việt Nam đều có sản phẩm có thể xuất khẩu vào thị trường này nhưng còn nhỏ lẻ, chưa liên kết. Nhất là sản phẩm chế biến, nông nghiệp rất cần hỗ trợ quy trình sản xuất chế biến, đóng gói… Để làm được điều đó cần đến sự tham gia của công nghệ, nhưng chuyển giao công nghệ và quy hoạch tổ chức doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế.
Cùng với đó, thiếu hiểu biết về văn hóa và luật pháp các nước cũng là một thách thức lớn được đặt ra. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc kết nối giao thương gặp khó khăn. Mới đây, Bộ Thông tin Truyền thông đã xem xét chấp thuận thành lập một trang thông tin Văn hóa ASEAN. Tại đây, các lễ hội, sự kiện văn hóa… của các nước được thể hiện rất cụ thể để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và tiếp cận văn hóa, luật pháp các nước.
- Trước những thách thức, khó khăn như đã nêu, theo ông chúng ta cần có những định hướng và chiến lược gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2023?
Bước sang năm 2023, chúng tôi có đề xuất cho các doanh nghiệp được hỗ trợ xúc tiến đầu tư, gặp gỡ các đối tác, ký kết các hợp đồng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đặc biệt, doanh nghiệp được tạo điều kiện học hỏi kinh nghiệm kinh doanh của các nước trong khu vực thông qua các phiên kết nối trực tiếp, nhằm rút ngắn thời gian và thủ tục hành chính.
Trong đó, chúng tôi có đưa ra ba trụ cột chính: Thứ nhất, tăng cường hợp tác với các đơn vị tư vấn, trung tâm, viện nghiên cứu để thực hiện các công tác đào tạo chuyển giao công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ hai, tăng cường mối quan hệ với các Đại sứ quán các nước, vì đây là điều quan trọng chủ lực kết hợp với đầu mối doanh nghiệp và thông tin thị trường, kết nối giao thương. Thứ ba, nâng cao năng lực của cơ quan ngôn luận, từ đó mở rộng không gian chất lượng truyền thông cho doanh nghiệp.
Hiện các nước đã đặt vấn đề thành lập những Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại song phương trong nội khối nhưng thông qua Việt Nam tổ chức. Điều đó cho thấy, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiến xa hơn vào thị trường tiềm năng này rất lớn.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...