Cần tiếp tục “bơm máu” cho nền kinh tế

2022-09-13 09:58:00

Chuyên gia cho rằng, sẽ tốt nếu phần đầu tư công "bơm máu" ra được cho nền kinh tế, nếu đầu tư công "bơm máu" chậm, kém sẽ gây nên khát vốn, chuyển gánh nặng lên phía ngân hàng, thị trường tài chính.

>>> Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao về thương mại điện tử

Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết thời gian qua, Việt Nam có xu hướng tăng trưởng cao và lạm phát thấp, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Dòng tiền doanh nghiệp khó khăn

Đánh giá tình hình thế giới tiếp tục biến động rất nhanh, phức tạp, khó dự báo Thủ tướng và các đại biểu cho rằng tác động, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và từng quốc gia, trong đó có Việt Nam là rất lớn và sâu sắc trên nhiều mặt.

“Chúng ta phải giữ vững bình tĩnh, đánh giá đúng nội lực để tự tin, chủ động, không lơ là, chủ quan, trong điều hành thì chuyển trạng thái không giật cục, không nới lỏng quá cũng không siết chặt; những gì được thực hiện hiệu quả, được thực tế chứng minh là đúng thì tiếp tục thực hiện, kiên định các vấn đề có tính nguyên tắc nhưng linh hoạt trong các vấn đề cụ thể”, Thủ tướng nói.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tổng thể nền kinh tế vĩ mô của chúng ta tốt, tăng trưởng tốt. “Báo cáo của Chính phủ cho thấy bức tranh của doanh nghiệp mặc dù có nhiều điểm sáng nhưng cũng có sự bào mòn sức lực của các doanh nghiệp, dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn… Có nghĩa là vẫn đang tiềm ẩn những vấn đề đáng lo ngại”, ông Thiên lo ngại.

Về tổng thể, chúng ta giữ được mạch của nền kinh tế thế giới. Vị chuyên gia cho rằng điểm này phải nhấn mạnh vì nếu không giữ được mạch của nền kinh tế thế giới thì xuất nhập khẩu, cũng như FDI – hai động lực quan trọng nhất của tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam không giữ được.

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, khi nhấn mạnh khu vực ngoài, có nghĩa là khu vực công, chúng ta phải có một sự chú ý đặc biệt, nếu không sẽ thiên lệch. Tổng thể tốt - rõ ràng là bài học rất quan trọng trong việc chống lạm phát, xác định rõ nguyên nhân chính là chi phí đẩy thì tập trung sử dụng công cụ tài khóa.

“Và còn tốt hơn nữa nếu phần đầu tư công "bơm máu" ra được cho nền kinh tế. Nếu đầu tư công "bơm máu" chậm, kém sẽ gây nên khát vốn, chuyển gánh nặng lên phía ngân hàng, thị trường tài chính”, Chuyên gia nhấn mạnh.

Cùng với đó, phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ là khâu quyết định bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô không gây ra những căng thẳng cho nền kinh tế. Đây là bài học cực kỳ quan trọng. Cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước gần đây đã nhìn nhận được. Chính phủ nên có một đánh giá tương quan, cần phải tiếp tục "bơm máu" cho nền kinh tế.

Còn lại 3 yếu tố: đầu tư công, thị trường vốn dài hạn và cho vay ngắn hạn như thế nào để không mất cân đối. Đây là điểm mấu chốt cho ổn định tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

Điểm cuối cùng, chuyên gia cho rằng chúng ta không chỉ nên lo tăng trưởng mà đối với nền kinh tế Việt Nam cần chú ý đến yếu tố nợ xấu, bơm tiền hay không bơm tiền ra đều phải căn cứ vào nợ xấu, có thể không bơm tiền chưa chắc đã giảm nợ xấu, mà nếu chúng ta bơm tiền ra đúng đối tượng, những doanh nghiệp tốt, dự án tốt thì vẫn xử lý giúp cho ngành ngân hàng trong điều kiện hiện nay.

Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh cho rằng, 8 tháng xuất khẩu tăng 17%, nhưng trong 4 tháng còn lại nhu cầu các nước thị trường chính của Việt Nam đều rất gay go, suy thoái. Điều này đặt ra bài toán cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Bộ Công Thương cần nghiên cứu tác động chỗ đó như thế nào.

“Về chính sách tiền tệ, chúng ta neo tỷ giá, nhưng trước việc tăng lãi suất của FED, ECB, chúng ta neo tỷ giá như vậy thì tác động đến xuất nhập khẩu, đồng vốn như thế nào? Ông Cao Viết Sinh đề nghị NHNN nghiên cứu vấn đề này”, ông Sinh nêu.

Về dự thảo chỉ thị, ông Sinh cho rằng, nếu xây dựng chỉ thị cho 4 tháng cuối năm thì ngắn quá, nên chăng kéo dài quý I/2023. Về mục tiêu trong chỉ thị, chúng tôi đồng tình dự thảo chỉ tiêu phấn đấu cả năm nay trên 7,5%. Quý III chúng ta tăng trưởng cao, quý III năm ngoái chúng ta âm 6,02%. Quý III năm nay có thể tăng trưởng trên 10%. Quý IV có thể tăng trên 7,5%, nên chúng tôi ủng hộ đặt vượt mục tiêu 7,5%. Nên chăng đặt mục tiêu cho Quý I/2023, có kế thừa phấn đấu cho năm tới.

>>> NHNN đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022

>>> Động lực tăng trưởng kinh tế chuyển từ bên ngoài vào nhu cầu trong nước

13 giải pháp ổn định kinh tế

Cho biết hoan nghênh mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đặt ra 95-100%, ông Sinh cho rằng năm nay phấn đấu giải ngân đạt 100%. Tôi cho rằng mục tiêu này là một quyết sách rất lớn và phải rất quyết liệt để thực hiện.

Chính phủ nên có một đánh giá tương quan, cần phải tiếp tục "bơm máu" cho nền kinh tế.

Về mục tiêu điều hành, dự thảo chỉ thị đặt vấn đề chủ yếu điều hành kinh tế, tôi đề nghị nên đặt điều hành kinh tế gắn với an sinh xã hội.

Về các giải pháp, cần có giải pháp dài hơi, đồng thời cũng phải có giải pháp sát sườn cho Quý IV. Trong các giải pháp, giải pháp về visa rất quan trọng cho du lịch chưa đề cập đến, trong dự thảo cần đề cập thêm.

Từ thực tế này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khái quát 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tập trung triển khai thực hiện.

Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nhưng bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bảo đảm ổn định tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối; tăng trưởng tín dụng hợp lý.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, hỗ trợ tích cực, hiệu quả chính sách tiền tệ. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, cắt giảm các loại thuế, phí, lệ phí phù hợp. Tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách Nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương; tăng thu, tiết kiệm chi. Tăng cường quản lý nợ công và bảo đảm khả năng trả nợ, bảo đảm an toàn nợ công (tỉ lệ nợ công tiếp tục xu hướng giảm từ khoảng 64% GDP năm 2016 còn khoảng 43% hiện nay)

Cùng với đó, tăng cường công khai, minh bạch, phát triển ổn định, lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, trong đó sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Thứ ba, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường, giá cả, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống như xăng dầu.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy cầu nội địa (bằng đầu tư hạ tầng chiến lược, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập người dân), đồng thời đa dạng hóa các thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu và thặng dư thương mại bền vững.

Thứ năm, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Phát triển du lịch, dịch vụ, nghiên cứu chính sách visa phù hợp.

Thứ sáu, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực này. Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chuyển đổi năng lượng.

Thứ bảy, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, sự phối hợp và công tác điều phối chính sách kinh tế vĩ mô nhằm bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt giữa các công cụ chính sách. Khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô.

Thứ tám, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; qua đó vừa góp phần tạo nền tảng cho phát triển bền vững, vừa góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

Thứ chín, tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thứ mười, chú trọng hơn nữa đến phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền. Xác định con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thứ mườt một, đẩy mạnh thông tin truyền thông, góp phần tạo đồng thuận xã hội và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, tham gia tích cực trong thực hiện mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ mười hai, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và bảo đảm sức khỏe người dân, coi tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết; đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19 và bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Thứ mười ba, đẩy mạnh hợp tác công tư để thu hút các nguồn lực cho phát triển hạ tầng chiến lược, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.