Cần thêm cơ chế phối hợp để các tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

2022-11-10 15:34:00

Góp ý xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng, cần thêm cơ chế phối hợp để các tổ chức cùng tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

>> Tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng

Theo đó, mặc dù nhận được không ít kỳ vọng, thế nhưng, việc xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được cho còn nhiều vấn đề tồn tại cần được giải quyết, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng bảo vệ người tiêu dùng , khi vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng còn tương đối mờ nhạt.

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được cho còn nhiều vấn đề tồn tại cần được giải quyết - Ảnh minh họa: VNEconomy

Thực tế hiện nay, hầu hết các tổ chức, cá nhân kinh doanh vẫn trưng khẩu hiệu “khách hàng là thượng đế”, tuy nhiên, “thượng đế” chỉ được công nhận khi mua hàng, còn khi hàng hóa không đảm bảo chất lượng cần được giải quyết, quyền lợi của “thượng đế” gần như bị “ngó lơ”, hoặc có phản ánh được thì cũng khó được đảm bảo, nhất là khi cơ chế bảo vệ người tiêu dùng hiện nay còn quá phức tạp, chưa tạo điều kiện cho người tiêu dùng phản ánh, dẫn tới công sức bỏ ra khiếu nại mất gấp nhiều lần lợi ích nhận lại được.

Không ít ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hiện trạng đã nêu xuất phát từ việc vai trò của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng hiện nay còn chưa được phát huy một cách rõ nét.

Cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) nhìn nhận, qua tham gia giám sát ở địa phương thì thấy vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng ở địa phương và Trung ương rất yếu. Hiện nay, các phương thức giải quyết tranh chấp chủ yếu là hòa giải thương lượng nên vai trò của hội rất quan trọng trong quá trình này. Toàn quốc mới có 55 tỉnh có hội nhưng chưa thực sự được quan tâm từ địa phương, kinh phí khó khăn, cơ chế đảm bảo nguồn lực cho hội khá hạn chế.

>> Tăng chế tài xử lý để bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng

Thay vì yêu cầu người tiêu dùng trở thành người tiêu dùng thông minh thì cần phải quy định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị kiểm định chất lượng - Ảnh minh họa: HNM

Cùng quan điểm với đại biểu Thi, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho rằng, hiện nay, hoạt động của các Hội Bảo vệ người tiêu dùng còn nhiều khó khăn, trong đó, nổi bật là vấn đề cơ chế bảo đảm kinh phí, nguồn lực... Đồng thời, chưa có những cơ chế phối hợp và huy động sự tham gia trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh,...

Từ thực tế đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi cần nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho Mặt trận tổ quốc và các và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội; cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tham gia hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.

Bên cạnh những nội dung này, góp ý xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, trong Dự thảo Luật, quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng rất nhiều, nhưng quyền rõ nhất là quyền được tư vấn thì hầu như không có. Trong khi đó, đây là quyền cơ bản nhất để người tiêu dùng trang bị kiến thức trong mua bán, lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Cụ thể, khi người tiêu dùng có nhu cầu mua một sản phẩm “hàng hiệu” với trị giá 100 triệu, tuy nhiên, không nhận được sự tư vấn đầy đủ về nhận biết sản phẩm, họ hoàn toàn có thể mua phải những sản phẩm tương tự nhưng không đúng với giá trị thực tế họ bỏ ra, nhất là khi trên thị trường hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái dường như đã trở thành vấn nạn, chưa thể kiểm soát.

Và trước thực trạng hàng giả, hàng nhái hiện nay, một số ý kiến cũng cho hay, ngoài quyền được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, bảo vệ thông tin,… Dự thảo Luật sửa đổi lần này nên bổ sung thêm một quyền rất quan trọng của người tiêu dùng, đó là quyền được sử dụng dịch vụ, hàng hóa với chất lượng tốt nhất theo thỏa thuận giao dịch.

Không chỉ có vậy, theo các chuyên gia, không thể quy định “yêu cầu người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm hàng hóa, lựa chọn tiêu dùng sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”... thành một “nghĩa vụ”, bởi quy định như vậy là chưa hợp lý khi quyền của người tiêu dùng là được hưởng lợi ích chính đáng mà không bị bắt buộc thực hiện như “nghĩa vụ”.

Do vậy, các chuyên gia đề nghị, đưa nội dung này trong phần “nghĩa vụ”, trở thành một trong những quyền của người tiêu dùng.

Cùng với đó, “không thể yêu cầu người tiêu dùng phải là người tiêu dùng thông minh” bởi họ không thể biết hết về các chỉ số hóa học, thành phần cấu thành trong một sản phẩm nào đó… Vì vậy, thay vì yêu cầu người tiêu dùng trở thành người tiêu dùng thông minh thì cần phải quy định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị kiểm định chất lượng sản phẩm trước khi được đưa ra thị trường.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.