Cần sửa đổi các thông tư liên quan đến giá thuốc

2022-08-15 09:19:51

Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đối và sớm ban hành các thông tư liên quan hướng dẫn đấu thầu, thông tư về đăng ký thuốc liên quan giá thuốc.

>> Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói gì về tình trạng thiếu thuốc?

Cùng với đó, rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư mà vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu.

TS. Nguyễn Huy Quang. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nêu giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm xem xét các vướng mắc đã được Bộ Y tế đề cập trong dự thảo trình Chính phủ. Đây là những vấn đề vượt quá thầm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và BHXH Việt Nam.

Xem lại những vướng mắc

TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng, một số văn bản sắp hết hạn như Nghị quyết 12 của Quốc hội và một số nội dung liên quan đến giá thuốc trong Luật Dược, một số quy định của Luật Đấu thầu, cần phải xem xét những vướng mắc cơ bản vì thuốc và trang thiết bị y tế là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện và rất đặc trưng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, rất cần phải có những giải pháp như nào để triển khai thực hiện.

Theo đó, cần nâng cao năng lực và tính chịu trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến công tác đấu thầu, trong đó có Trung tâm mua sắm đấu thầu thuốc tập trung Quốc gia, các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, các sở y tế, các đơn vị khám chữa bệnh, tùy theo từng mức độ. Từ đó, phải nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác đấu thấu.

Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó các phần mềm quản lý về đấu thầu để theo dõi về công tác đấu thầu, việc thừa thiếu thuốc, trang thiết bị y tế… Năng cao năng lực quản trị nhà nước, trong đó có quản lý nhà nước, quản lý giữa UBND tỉnh và Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay các hướng dẫn của Bộ Y tế ban hành có quy định về công tác mua sắm thuốc còn tồn tại một số cách diễn giải không thống nhất gây ra các nguy cơ về pháp lý.

Cụ thể, tại Thông tư 15/2020 của Bộ Y tế quy định danh mục các thuốc đấu thầu tại địa phương hay bệnh viện không được trùng với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu quốc gia và danh mục đàm phán giá.

Tuy nhiên, Thông tư 15/2019 của Bộ Y tế thì quy định cơ sở y tế được tự tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung, danh mục đàm phán giá. Điều này khiến các cơ sở y tế lúng túng, gặp khó khi triển khai trên thực tế, như trường hợp của BV Chợ Rẫy vừa qua.

Trả lời về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế cho biết, tôi cũng nghe được một số Sở Y tế và bệnh viện trực thuộc Bộ có hỏi về nội dung này.

Và theo lý giải của TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo, thứ nhất, nội dung này đã được quy định rõ tại Điều 18 của Thông tư 15/2019 còn Thông tư 15/2020 ban hành các danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, danh mục thuốc đấu thầu địa phương và danh mục đàm phán giá.

Như vậy, mục đích là các danh mục đấu thầu quốc gia để đấu thầu quốc gia đảm bảo được một số mục tiêu. Ví dụ, mua một số lượng lớn đương nhiên giá thấp. Để đạt được mục tiêu này, từ năm 2016 Trung tâm Mua sắm đấu thầu thuốc tập trung Quốc gia đã tổ chức nhiều đợt đấu thầu danh mục quốc gia và hiệu quả tương đương đối rõ ràng.

Các cơ sở y tế rất kỳ vọng Trung tâm tổ chức nhiều hơn nữa. Một số bệnh viện nói rằng nếu có một cơ quan tổ chức đấu thầu để các bệnh viện ký hợp đồng thì yên tâm hơn bởi vì các bác sĩ, dược sĩ chỉ làm nội dung chuyên môn phục vụ công tác điều trị.

Thứ hai, danh mục đấy nếu là kết quả đấu thầu quốc gia thì giá thống nhất trên toàn quốc.

Thứ ba, Trung tâm quốc gia cũng như các trung tâm đấu thầu tập trung của các tỉnh có đội ngũ chuyên môn hơn, có chứng chỉ hành nghề để thực hiện được việc đấu thầu, giảm thiểu được những sai xót xảy ra.

>> Bệnh viện thiếu vật tư y tế: Vì đâu nên nỗi?

>> Nhập khẩu và đấu thầu trang thiết bị y tế: Nhiều quy định chưa... hợp thời

>> Bất cập trong Luật Đấu thầu làm giảm hiệu quả mua sắm trang thiết bị y tế

Văn bản dưới luật phải đáp ứng thực tế

Đi sâu phân tích ý kiến nêu trên, TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo cho biết, khi thuốc đã về danh mục quốc gia hoặc danh mục đấu thầu địa phương thì các đơn vị không tổ chức nữa bởi vì sẽ sinh ra chồng chéo. Tuy nhiên, danh mục đấu thầu quốc gia vừa rồi có bị chậm.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm mua sắm đấu thầu thuốc tập trung quốc gia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để khắc phục vấn đề này, các văn bản pháp luật như luật, nghị định, thông tư… cũng như các văn bản khác dưới luật phải đáp ứng được thực tế và trên cơ sở thực tế. Điều 18 Thông tư 15/2019 cũng đã nêu: “Trong thời gian chưa công bố kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá, thì các cơ sở y tế sẽ được quyền chủ động lựa chọn nhà thầu đối với danh mục đó, nhưng với thời gian không quá 12 tháng”.

“Nêu nội dung này gần như chúng ta đưa vào xử lý tình huống trong trường hợp đấu thầu quốc gia chưa công bố kết quả”, TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo nói.

Vẫn theo TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo, một số đơn vị cũng nêu Thông tư 15/2020 quy định các danh mục quốc gia thì các đơn vị không được tổ chức đấu thầu. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng khi chưa có kết quả thì Trung tâm quốc gia có văn bản chính thức gửi các cơ sở y tế là các đơn vị được quyền tổ chức mua sắm đối với các danh mục đó, nhưng không quá 1 năm.

Tuy nhiên, các đơn vị cũng hiểu hơi máy móc quá là cứ danh mục đấy thì không tổ chức đấu thầu. Ví dụ, khi Bệnh viện Chợ Rẫy thiếu thuốc cũng đã liên hệ với Trung tâm. Trung tâm đã hướng dẫn và đưa văn bản hướng dẫn chính thức cho Bệnh viện để tổ chức lựa chọn ngay những danh mục thuốc mà Trung tâm chưa công bố đấu thầu quốc gia. Trong các danh mục đấu thầu quốc gia, không phải tổ chức đấu thầu 1 năm mà ít nhất trong 24 tháng.

Thứ tư, với danh mục tương đối nhiều, đa số danh mục quốc gia thuộc chi phí lớn, lấy theo kết quả mà Bảo hiểm thanh toán, thuốc số lượng lớn để đảm bảo hiệu quả hơn. Giống như chúng ta chờ những voucher khuyến mại cho “ra tấm ra món” chứ không phải những thứ “nhỏ xíu” để thực hiện mua sắm.

Chính vì vậy, việc đấu thầu tổ chức mua sắm quốc gia phức tạp hơn do nhiều danh mục với số lượng lớn, giá trị lớn và mất nhiều thời gian hơn vì quá trình tổ chức đấu thầu không chỉ Trung tâm quốc gia tiến hành, đánh giá hồ sơ dự thầu mà có đại diện của các cơ sở y tế là người thụ hưởng. Có nghĩa là chúng ta mua được đúng những hàng hóa mà người sử dụng có nhu cầu.

“Chúng tôi mất thời gian tổ chức đấu thầu như vậy nên đó là một trong những lý do chậm. Nhưng các đơn vị hoàn toàn có quyền tổ chức đấu thầu theo Điều 18 của Thông tư 15”, TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo nói.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.