Cần có một đợt cải cách mới quyết liệt hơn bởi cải cách môi trường kinh doanh đang chững lại ở cấp độ các bộ, ngành và địa phương. Đặc biệt, từ năm 2019 trở lại đây dư địa cải cách đã hẹp lại.
>>> PCI và sự năng động của chính quyền địa phương
Trao đổi với DĐDN, TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chỉ cần nhìn vào Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của VCCI thống kê cho thấy các điểm sổ cải cách đang giảm xuống. Đơn cử, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu PCI 2021 với điểm số 73,02, nhưng có với kết quả PCI 2020 điểm số PCI của Quảng Ninh đạt 75,09 điểm.
Trong giai đoạn 2020-2021, các bộ, ngành, địa phương phải chú trọng nhiều hơn vào hoạt động phòng chống dịch COVID-19, nên cải cách về môi trường kinh doanh ít được quan tâm. Nhiều bộ, ngành trước đây có quyền lực rất lớn nhưng vì phải cắt giảm các điều kiện kinh doanh quyền lực bị thu hẹp lại và chúng ta gần như không thấy có thêm cải cách.
Thậm chí có xu hướng khôi phục lại những rào cản đã được gỡ bỏ trước đây, hoặc thay đổi, bổ sung các rào cản khác. Đây là xu hướng đáng lo ngại làm giảm niềm tin của doanh nghiệp vào nỗ lực, quyết tâm cải cách của Chính phủ cũng như các bộ, ngành và địa phương.
Để tránh tình trạng khôi phục lại các rào cản đã được gỡ bỏ cũng như tạo thêm rào cản mới thì cần phải có đợt cải cách mới. Và mỗi cuộc cải cách đều cần có sự chung tay của các bên.
Trong 6 tháng vừa rồi chưa thấy có điểm sáng nổi bật. Nhiều bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch chậm hơn so với yêu cầu. Lẽ ra, trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế nỗ lực cải cách phải mạnh mẽ hơn giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển tốt hơn.
Tuy nhiên từ đầu năm đến giờ, các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp lại phát sinh nhiều hơn. Đơn cử như Nghị định số 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm được coi là Nghị định đột phá trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành. Nhưng đầu năm 2022, Bộ Y tế lại có xu hướng khôi phục lại các quy định cũ thông qua đề xuất sửa đổi Nghị định 15. Rất may là sau đó Chính Phủ đã có kết luận dừng sửa đổi bổ sung Nghị định 15.
Các mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh trên các xếp hạng quốc tế theo Nghị quyết số 02/NQ-CP đến năm 2025. Nguồn: CIEM
Đáng lo ngại, Báo cáo của PCI gần đây đã phát hiện, việc cấp giấy phép điều kiện kinh doanh không phải là do thực thi mà nằm ở các văn bản pháp luật mà muốn sửa đổi thì phải do các bộ, ngành đề xuất lên. Hiện nay, có xu hướng khác biệt so với trước đây, rất nhiều địa phương đang muốn thay đổi muốn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư nhưng bên trên cấp bộ ngành chưa chuyển động.
Có 3 điểm mấu chốt cần tập trung thực hiện. Thứ nhất liên quan đến ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Thời gian vừa qua việc thu hẹp ngành nghề kinh doanh hoàn toàn là cơ học, không phải là bản chất: giảm từ 267 xuống còn 234 và hiện là 227. Ngành nghề đơn giản thì điều kiện kinh doanh tự khắc sẽ được thu hẹp. Không còn thủ tục về giấy phép thì sẽ không còn thủ tục hành chính kèm theo. Vì vậy cần rút bớt tối đa ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thứ hai là cải thiện môi trường đầu tư. Thời gian vừa qua Chính phủ tập trung nhiều vào mảng cải cách phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh như điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành, thuế, xây dựng… nhưng để tạo ra dư địa cho phát triển mới là cải thiện môi trường đầu tư, thu hút thêm đầu tư.
Nhưng hiện nay nhiều điều kiện mâu thuẫn chồng chéo trong các văn bản. Đặc biệt là những mô hình kinh doanh mới theo xu hướng quốc tế, như thương mại điện tử, kinh tế số, startup. Không thể dùng công cụ cũ để quản lý cái mới.
Thứ ba liên quan đến giao dịch điện tử: còn thủ công, còn tiếp xúc trực tiếp còn phát sinh tiêu cực. Khi nào hoạt động giao dịch hoàn toàn thông suốt trên nền tảng điện tử thì nhũng nhiễu, chi phí không chính thức sẽ không phát sinh.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...