Xoay quanh nội dung đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến, nhiều ý kiến cho rằng, cần có đánh giá nhiều chiều, tác động nhiều mặt khi quyết định…
>> Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường - Cần có lộ trình phù hợp
Theo đó, nhằm kịp thời ghi nhận và phản ánh ý kiến của ngành kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến, ngày 30/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI ) phối hợp cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức Hội thảo “ Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”.
Thông tin tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định, trong xã hội hiện có nhiều quan điểm khác nhau về game online. Trong đó, vẫn có những định kiến, cũng như các lo ngại tác động tiêu vực với game online như: mất thời gian, ảnh hưởng đến trẻ em, ít vận động,…
“Tuy nhiên, nhiều game online hiện nay đang được xây dựng theo hướng vừa chơi vừa học. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chơi game giúp trẻ em phát triển trí tưởng tượng tư duy, khả năng phản xạ… Do vậy, cần có đánh giá nhiều chiều, tác động nhiều mặt khi quyết định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online”, ông Tuấn bày tỏ.
Liên quan đến đề xuất đánh thuế trong Dự thảo Luật (sửa đổi), ông Tuấn cho biết, qua tìm kiếm thì chưa có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online. Các nước có đánh thuế với thu nhập của người chơi có được từ game online như: mua bán tài sản ảo, chơi game có thưởng phát sinh thu nhập…
>> Nhiều ý kiến ủng hộ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá
Sau phát biểu dẫn đề, Hội thảo cũng lắng nghe những chia sẻ, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp xung quanh câu chuyện áp thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến, trong đó, đa phần ý kiến đều cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến thị phần của ngành dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến thu hẹp, đáng nói, cùng với đó là những quan ngại về việc sẽ xảy ra tình trạng bảo hộ ngược.
Chia sẻ về những tác động của game online từ vấn đề của các doanh nghiệp, TS.Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho hay, ở trong khu vực ASEAN, ngành Game của Việt Nam không phải là phát triển mạnh nên thực sự việc thu thuế từ các công ty game không phải là lớn. Vì vậy, cơ quan quản lý cần cân nhắc đến việc đề nghị đưa dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều quan trọng mà các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội cần phải xem xét kịp thời là đánh giá tác động của game online đến người sử dụng.
Từ đó, TS.Cấn Văn Lực đề nghị, các cơ quan, doanh nghiệp cần có hướng dẫn, quản lý hoạt động chơi game online để từ đó tạo lập được văn hóa cho người sử dụng khi chơi game; tránh rủi ro về sức khỏe, tâm lý, hành vi cho người chơi.
Còn theo TS.Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi đưa ra quy định mới về đưa dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cần nhìn nhận là liệu mục tiêu đặt ra có đạt được hay không. Đặc biệt là với sự phát triển của ngành Game Việt Nam thì liệu có thu được từ thuế hay không và có kiểm soát được game truyền lậu vào Việt Nam được không?
TS.Phan Đức Hiếu cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là kiểm soát game từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua dịch vụ xuyên biên giới. Do đó, cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu đánh thuế đối với các công ty, doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, phát hành game xuyên biên giới vào Việt Nam. Ngoài ra, cần đánh giá về tác động, sự độc hại của việc chơi game cũng như kiểm soát nội dung của các loại game.
“Để kiểm soát việc chơi game của người sử dụng, các cơ quan, Bộ ngành cần Ban hành quy chế nội bộ không chơi game trong giờ làm việc; có sự quản lý của gia đình, nhà trường đối với học sinh, sinh viên và thanh niên trong việc tham gia vào các trò chơi trực tuyến, trong đó có game online...”, TS.Phan Đức Hiếu bày tỏ.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...