Cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ: Kết nối chuỗi cung ứng

2022-10-26 08:16:00

Trong khi, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, thách thức hội nhập, hiệp định FTAs thế hệ mới gia tăng sức ép đối với ngành.

>> Kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

LTS: VCCI phối hợp với các cơ quan tổ chức Hội thảo “Cải thiện vị thế Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Vai trò của Nâng cao năng lực và Đổi mới sáng tạo”.

Trao đổi với DĐDN, bà Trần Thị Lan Anh – Tổng thư ký VCCI cho rằng, trong xu thế tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu và xu thế phát triển bền vững, phát triển công nghiệp hỗ trợ thời kỳ mới đối mặt với nhiều thách thức.

- Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể. Tuy nhiên, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa yêu cầu phát triển, thưa bà?

Mặc dù đã có nhiều bước tiến song hơn 5.000 doanh nghiệp hoat động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ mà chủ yếu trong ngành cơ khí, dệt may da giày, nhưng có đến 88% là DNNVV.

Khảo sát của Tổng cục thống kê cho thấy phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9000 (quản lý chất lượng), 9% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14000 (quản lý môi trường), cũng khoảng hơn 20% doanh nghiệp cho biết có thực hiện 5S tại doanh nghiệp, trong khi các công cụ khác như Lean, 6 sigma, hay TQM, TPM thì số doanh nghiệp áp dụng chỉ khoảng từ 1-2%.

Đáng nói, về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hoá, và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều thách thức như về quy mô, kinh nghiệm, năng lực, thị phần, thương hiệu… đòi hỏi nỗ lực của nhiều bên để công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ hơn, thu hẹp khoảng cách giữa yêu cầu của ngành công nghiệp nội địa, cũng như của các đối tác, khách hàng đa quốc gia và năng lực đáp ứng.

>> "Bắt tay" cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ

- Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển bền vững là một trong những hoạt động được VCCI ưu tiên đặt ra, thưa bà?

Để hỗ trợ doanh nghiệp, VCCI đã có những hoạt động rất cụ thể: Thứ nhất, tham mưu, đóng góp xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sau đại dịch bao gồm các vấn đề lao động việc làm, an sinh xã hội, kinh doanh…

Sản xuất phụ tùng điện ô tô tại Tổ hợp nhà máy công nghiệp hỗ trợ Thaco Industries. Ảnh: Thaco

Thứ hai, VCCI tăng cường các hoạt động ở cấp độ hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, tăng cường xây dựng năng lực của doanh nghiệp thông qua đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp… nhằm tăng cường khả năng thích ứng, tích hợp, tái tổ chức các nguồn lực, năng lực, kỹ năng trong doanh nghiệp một cách phù hợp nhất với yêu cầu của thị trường biến động, đặc biệt trong kỷ nguyên VUCA (biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity).

Thứ ba, thúc đẩy mạng lưới kết nối doanh nghiệp cung ứng và nhãn hàng/ người mua/MNEs. Kết nối đa bên với các cơ quan chính phủ, bộ ngành, các tổ chức đại diện doanh nghiệp và người lao động, các tổ chức quốc tế, các MNEs, các Viện, Trường, chuyên gia nghiên cứu…

- Nâng cao năng lực của doanh nghiệp để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là đòi hỏi hàng đầu đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, hiện nay, thưa bà?

Để giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng, doanh nghiệp Việt Nam nói chung tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, VCCI thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại giữa các doanh nghiệp của quốc gia đầu tư và doanh nghiệp của quốc gia nhận đầu tư, các doanh nghiệp đầu chuỗi và cung ứng quốc tế.

Ngoài ra chúng tôi cũng đã triển khai các chương trình, dự án nâng cao năng lực cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, đặc biệt với các ngành mũi nhọn như dệt may, da giày, thủy sản, điện tử, chế biến gỗ, nông nghiệp,… nhằm đáp ứng yêu cầu của người mua/MNEs.

VCCI cũng đang thực hiện một nghiên cứu về Năng lực đổi mới sáng tạo và kết nối mạng lưới của doanh nghiệp Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương trong cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu cho Việt Nam.

Hiện VCCI cũng đang tiến hành nghiên cứu về năng lực động là năng lực đổi mới sáng tạo và kết nối mạng lưới của doanh nghiệp gồm các chỉ số thành phần là năng lực nhận thức, năng lực nắm bắt cơ hội, năng lực thích ứng, năng lực kết nối... giúp doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

- Xin cảm ơn bà

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.