Giấc mơ được làm việc tại nhà mà nhiều nhân viên ưa công nghệ hình dung có lẽ còn lâu mới thành hiện thực. Bằng chứng là các công ty đang đua nhau tiếp tục chi tiền tấn đầu tư cho văn phòng làm việc.
>> Các trùm công nghệ cũng không muốn làm việc từ xa
Giám đốc điều hành Alphabet, ông Sundar Pichai hôm thứ Tư thông báo kế hoạch chi 9,5 tỷ USD cho không gian văn phòng và trung tâm dữ liệu tại Mỹ trong năm nay, tăng từ 7 tỷ USD năm ngoái nhưng vẫn chưa đủ so với cam kết 13 tỷ USD trước đại dịch nổ ra vào năm 2019.
Meta cũng được cho là có kế hoạch thuê thêm gần 30.000m² không gian bao gồm một số tầng trong một tòa nhà văn phòng ở Manhattan.
Hai diễn biến này diễn ra sau một chuỗi các hoạt động mua và cho thuê bất động sản thương mại của các công ty công nghệ, được minh họa bởi một báo cáo hồi đầu năm nay của CBRE, cho thấy ngành này chiếm 36 trong số 100 hợp đồng thuê đắt nhất trên toàn nước Mỹ vào năm 2021, tăng từ 18 ở năm trước.
Một nghiên cứu riêng của CBRE cho thấy việc mua các tòa nhà văn phòng và cơ sở nghiên cứu và phát triển ở Thung lũng Silicon đã đạt mức kỷ lục 8,7 tỷ USD vào năm 2021, dẫn đầu là các công ty công nghệ.
Các khoản chi tiêu nói trên mang đến một thông điệp cho các nhân viên đang mong muốn có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn: Bạn vẫn phải lên văn phòng làm việc.
Trong khi các công ty công nghệ cho phép các lựa chọn làm việc “lai ở nhà với văn phòng” và làm tại nhà hoàn toàn cho nhân viên, việc đầu tư vào bất động sản cho thấy nhiều giám đốc điều hành hàng đầu vẫn mong muốn duy trì hình thức làm việc trực tiếp.
>> Nghiên cứu của Microsoft: Làm việc từ xa giảm năng suất 10%
Pichai viết trong một bài đăng trên blog hôm thứ Tư: “Các khoản đầu tư tăng cường vào các văn phòng thực địa có vẻ trái ngược với cách tổ chức làm việc linh hoạt của chúng tôi, song chúng tôi tin rằng điều đó sẽ giúp chúng tôi tạo ra những sản phẩm tốt hơn, tăng cường chất lượng cuộc sống cho nhân viên cũng như cộng đồng.”
Sự bùng nổ bất động sản đến trong bối cảnh một số công ty công nghệ nổi tiếng bắt đầu cho phép nhân viên của họ làm việc từ xa vô thời hạn vì ảnh hưởng của dịch, bao gồm Cisco, Twitter, Spotify, Shopify, Lyft, Dropbox và Coinbase - danh sách này vẫn còn tiếp tục nối dài. Tuy nhiên, hầu hết các công ty lớn nhất trong ngành đang áp dụng mô hình kết hợp, đưa nhân viên trở lại văn phòng theo chế độ bán thời gian.
Microsoft đã mở lại các văn phòng của mình vào cuối tháng Hai. Google đã đưa hầu hết nhân viên trở lại các tòa nhà vào tuần trước. Apple yêu cầu nhân viên dành ít nhất một ngày trong văn phòng, bắt đầu từ tuần này, với kế hoạch tăng lên ba ngày vào mùa hè năm nay. Meta, Amazon, Intel và Salesforce đều đang cung cấp lịch làm việc kết hợp.
Việc mở cửa trở lại diễn ra khi các nhân viên tiếp tục tỏ ra không hài lòng với cách tổ chức công việc. Một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội Nơi làm việc Nâng cao với gần 10.000 nhân viên văn phòng cho thấy 86% trong số họ muốn làm việc tại nhà ít nhất hai ngày mỗi tuần. Một cuộc thăm dò riêng biệt từ tháng 6 năm 2021 của Fortune và Momentive cho thấy gần một nửa trong số 2.000 người làm việc tại nhà được khảo sát sẽ tìm kiếm một công việc khác nếu buộc phải quay lại văn phòng khi đại dịch lắng xuống.
Cách tổ chức kết hợp cho thấy một sự nhượng bộ của các nhà tuyển dụng công nghệ, những người coi trọng lợi ích của trải nghiệm làm việc trực tiếp nhưng lại lo sợ rằng nhân viên mình sẽ đầu quân cho đối thủ.
Những tháng sắp tới sẽ cho thấy liệu mối lo ngại đó có hiện thực hóa hay không, và liệu điều đó có buộc các gã khổng lồ công nghệ phải suy nghĩ lại hay không. Nhưng với những khoản chi khổng lồ cho văn phòng, có lẽ đó không phải là điều các CEO bận tâm vào lúc này.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp!
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...