Omicron có thể phát tán ở cấp độ toàn cầu
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, biến chủng Omicron có số lượng đột biến chưa từng có, trong đó một số đột biến liên quan đến nguy cơ thay đổi quỹ đạo đại dịch. Theo đó, những người đã được tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm biến chủng Omicron, dù tỷ lệ nhỏ và có thể dự đoán.
"Với những đột biến có thể né tránh hệ miễn dịch và có khả năng lây lan mạnh, nguy cơ Omicron phát tán ở cấp độ toàn cầu là cao. Tùy thuộc vào các đặc điểm đó, có thể có thêm các làn sóng Covid-19 mới trong tương lai, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng", WHO cảnh báo.
Biến thể Omicron (ban đầu được gọi là B.1.1.529) lần đầu tiên được báo cáo cho WHO từ Nam Phi vào ngày 24/11. Sau đó, hôm 26/11, WHO đã đặt tên cho biến thể mới là Omicron (theo bảng chữ cái Hy Lạp) và phân loại biến thể này là "biến thể đáng lo ngại". Biến thể này được cho là có 32 đột biến trong protein gai. Tuy nhiên, không rõ liệu biến thể này thật ra bắt nguồn tại Nam Phi hay "nhập khẩu" vào quốc gia này từ những nơi khác trong khu vực.
Theo CNN, điều mà các nhà khoa học biết được chính là: nhiều khả năng virus đã biến đổi ở những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp và có mức độ lây nhiễm của virus cao. Tính đến ngày 02/12, biến thể này đã được phát hiện tại nhiều quốc gia, trong đó có Nam Phi, Botswana, Úc, Anh, Đức, Ý, Bỉ... và đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc).
Nhiều quốc gia trên thế giới đã phản ứng với biến thể mới bằng việc nhanh chóng đóng cửa biên giới với khách đến từ các quốc gia trong khu vực phía nam châu Phi, bao gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique, và Malawi.
Các nhà khoa học và các chuyên gia y tế cộng đồng đã cảnh báo rằng khoảng cách lớn giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển xét về tỉ lệ tiêm chủng có thể là nguyên nhân dẫn tới xuất hiện biến thể mới.
Ông Jeremy Farrar, giám đốc quỹ từ thiện Wellcome Trust (Anh) chuyên nghiên cứu y tế, cho biết sự xuất hiện của biến thể mới cho thấy tại sao thế giới cần đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng hơn đối với vắc xin COVID-19 và các công cụ y tế công cộng khác.
Omicron ít có khả năng gây bệnh nặng hơn?
Tại cuộc họp báo ngày 1/12, Tiến sĩ Maria van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của WHO, cho biết những người nhiễm biến chủng Omicron có triệu chứng không giống nhau, nhưng nhiều bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ và tin rằng vaccine có thể bảo vệ người bệnh diễn tiến nặng.
"Chúng tôi đã nhận được các báo cáo về các trường hợp nhiễm Omicron có triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Có một số dấu hiệu cho thấy nhiều bệnh nhân đang có biểu hiện bệnh nhẹ, tuy nhiên, đây mới chỉ là những ngày đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các trường hợp được phát hiện", bà Kerkhove nói.
Trước đó, WHO cho biết: "Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ nhập viện ngày càng tăng ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do tổng số người bị nhiễm bệnh ngày càng tăng, chứ không phải là hệ quả của một sự lây nhiễm cụ thể nào".
Biến chủng Omicron hiện đã lan ra ít nhất 23 quốc gia, vùng lãnh thổ, song số ca nhiễm chưa nhiều và cũng chưa ghi nhận ca tử vong nào liên quan đến biến chủng này. Mỹ và Hàn Quốc là hai quốc gia mới nhất ghi nhận ca nhiễm Omicron là người có lịch sử đi lại châu Phi gần đây và đều có triệu chứng nhẹ.
Giới chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định khả năng lây lan hay mức độ nghiêm trọng của Omicron.
Trong một kịch bản tích cực, nếu Omicron có lây lan nhanh hơn nhưng độc lực giảm, nó có thể sớm trở thành biến chủng trội toàn cầu, thay thế Delta và COVID-19 sẽ không gây mối đe dọa lớn như hiện nay khi độ phủ vaccine toàn cầu tăng lên.
Ở góc độ khác, Tiến sỹ Peter English, chuyên về lĩnh vực kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm cho biết: “Nhiều khả năng những người đã được tiêm 2 hoặc 3 liều vaccine sẽ có sự bảo vệ tốt hơn trước biến thể Omicron. Hoặc cũng có thể các loại vaccine hiện có không hiệu quả khi chống lại nó. Chúng ta vẫn chưa có đủ thông tin để đánh giá”.
Vẫn theo Tiến sỹ Peter English, một yếu tố khác cũng có thể cản trở hoạt động của Omicron là thuốc kháng virus, chẳng hạn như Molnupiravir. Bên cạnh đó, các liệu pháp điều trị hiện hành chẳng hạn như sử dụng thuốc chống viêm dexamethasone cũng có khả năng chống lại biến thể Omicron vì nó nhắm vào phản ứng của cơ thể đối với virus, chứ không phải bản thân virus này.
Tiến sỹ Peter English cho biết: “ Vaccine sử dụng công nghệ mRNA và công nghệ vector cho phép thực hiện những thay đổi nhanh chóng đối với các kháng nguyên được sử dụng. Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể nhanh chóng điều chế ra loại vaccine có kháng nguyên phù hợp với biến thể mới”.
Chuyên gia Peter English cho rằng, biến thể Omicron đã tạo ra rào cản lớn trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, nhưng theo những dữ liệu mà chúng ta có được cho đến thời điểm hiện tại, có vẻ như nó sẽ không khiến thế giới quay trở lại giai đoạn cao trào của dịch bệnh từng diễn ra vào năm 2020. Chuyên gia nhấn mạnh, khả năng chống lại các biến thể mới của virus sẽ gia tăng khi ngày càng có nhiều người được tiêm phòng và được tiếp cận với liều thứ 3.
Tương tự, nhà virus học Anatoly Altshtein, thuộc Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya (Nga), nói hiện vẫn chưa rõ về mức độ gây bệnh nặng và lây nhiễm của Omicron. Theo đó, ngay cả khi chủng này lây lan nhanh hơn chủng Delta, nó vẫn có thể phải mất nhiều tháng để trở thành chủng trội. Và kể cả khi điều này xảy ra, vẫn chưa thể khẳng định biến thể mới gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn.
Ngược lại, ông Altshtein cho rằng có nhiều lý do để tin rằng biến thể Omicron ít có khả năng gây bệnh nặng hơn. Vị chuyên gia này giải thích: "Omicron có nhiều đột biến hơn cả Delta. Số lượng này là quá nhiều và có nghĩa là virus có bộ gien không ổn định. Theo quy luật thì nó sẽ ít lây nhiễm hơn vì về mặt tiến hóa, một số lượng lớn các đột biến dẫn đến khả năng lây bệnh yếu của virus". Theo giáo sư, nếu quy tắc này đúng, thì Omicron sẽ chỉ gây tử vong đối với một số ít trường hợp nhiễm bệnh, và sẽ trở thành các bệnh lây nhiễm theo mùa thông thường.
Trong khi đó, giáo sư Karl Lauterbach tại Đại học Cologne (Đức) cho rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể là điều tích cực nếu nó gây bệnh nhẹ hơn các biến thể khác. Ông Lauterbach hiện có tiềm năng sẽ trở thành bộ trưởng y tế trong chính phủ mới của Đức. Báo Evening Standard dẫn lời ông Lauterbach nói rằng biến thể Omicron cho nhiều đột biến ở phần protein gai, đồng nghĩa nó đã được tối ưu để lây nhiễm và ít nghiêm trọng hơn, điều tương tự như hầu hết các virus gây bệnh hô hấp khác.