Xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số: Cần làm rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh

2021-10-25 14:13:47

Dù hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng một khung khổ pháp lý hoàn chỉnh, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp số, tuy nhiên, VCCI đề nghị Dự thảo làm rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh…

Trả lời Công văn số 3295/BTTTT-CNTT ngày 26/08/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng một khung khổ pháp lý hoàn chỉnh, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp số, tuy nhiên, VCCI đề nghị Dự thảo làm rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh…

Đánh giá chung về Dự thảo, VCCI cho rằng, ngành công nghệ thông tin, và tương lai là ngành công nghệ số, sẽ là một trong các động lực phát triển kinh tế quan trọng. Vì vậy, VCCI hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng một khung khổ pháp lý hoàn chỉnh, phù hợp về ưu đãi, hỗ trợ nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp này.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh - Ảnh minh họa

Mặt khác, cũng theo VCCI, một số các chính sách ưu đãi cho ngành công nghệ thông tin đã được xây dựng, tuy nhiên, như đã nêu trong Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động, nhiều quy định chính sách còn thiếu các chế định cụ thể để áp dụng trực tiếp, thiết kế chính sách nhưng không bố trí và dự kiến nguồn lực thực hiện phù hợp dẫn đến tình trạng chính sách không khả thi, không được thực hiện trên thực tế…

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan nghiên cứu bổ sung một số nội dung sau để hoàn thiện Dự thảo Báo cáo và Tờ trình, rà soát toàn diện về khung khổ pháp lý các chính sách cho ngành công nghệ thông tin, không chỉ các chính sách nằm trong Luật Công nghệ thông tin mà nằm trong các văn bản khác như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Công nghệ cao…, và các Dự thảo đang được soạn thảo như Dự thảo về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng…; từ đó chỉ ra các khó khăn vướng mắc và đề xuất nhóm giải pháp tổng thể gắn với quá trình xây dựng luật;

Những điều tra, đánh giá nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước, về ưu đãi, hỗ trợ cũng như các nhu cầu khác như đất đai, nhân lực, tiếp cận vốn, tài chính…; Khung khổ cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại để đánh giá không gian ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển cho ngành công nghệ thông tin.

VCCI cho rằng, ngành công nghệ thông tin, và tương lai là ngành công nghệ số, sẽ là một trong các động lực phát triển kinh tế quan trọng - Ảnh minh họa

Về đối tượng điều chỉnh, theo VCCI, ngành công nghệ thông tin gồm ba phân ngành nhỏ: công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số. Tuy nhiên, Dự thảo chưa làm rõ các quy định đối tượng điều chỉnh của Luật sẽ bao gồm cả ba phân ngành (tức bao trùm tất cả ngành công nghệ thông tin) hay chỉ một số phân ngành cụ thể. Việc xem xét phạm vi điều chỉnh cần lưu ý ở một số điểm sau:

Về mặt nội dung, Dự thảo dự kiến sẽ thay thế cho nội dung về ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin 2006, tức là thay thế toàn bộ nội dung ưu đãi, hỗ trợ cho cả ba phân ngành công nghệ thông tin;

Về mặt thực tiễn, như trình bày tại Dự thảo Tờ trình, ngành công nghiệp phần cứng hiện cũng đang đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với tăng trưởng trung bình hàng năm đạt khoảng 15,7%, doanh thu xuất khẩu đạt trên 95,8 tỷ USD (năm 2020).

“Trong khi đó, nhiều chính sách trong Dự thảo lại thiên về việc hỗ trợ cho ngành công nghiệp phần mềm và ngành công nghệ số như chính sách số 2 về sandbox, chính sách số 3 về các biện pháp đảm bảo đầu tư (vốn, nhân sự,…), chính sách số 4 về hạ tầng kỹ thuật (trung tâm tính toán hiệu năng cao, trung tâm dữ liệu). Việc các chính sách chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp phần mềm và công nghệ số như vậy dường như chưa thực sự hợp lý”, VCCI đánh giá.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Luật này.

Nguồn: Tạp chí DDDN.