VCCI mong muốn học hỏi từ "Đạo" kinh doanh Nhật Bản

2023-06-14 17:22:33

Chủ tịch JCCI, ông Kinoshita Tadahiro gặp gỡ Chủ tịch VCCI, ông Phạm Tấn Công

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã tiếp ông Kinoshita Tadahiro, tân Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) dẫn đầu đoàn đến chào xã giao. Tại đây, hai bên đã có những trao đổi và đề xuất với mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đang ở trong giai đoạn rực rở cả trên khía cạnh thương mại hay văn hóa.

Tại buổi gặp, ông Phạm Tấn Công và ông Kinoshita Tadahiro đã cùng thảo luận về tình hình kinh tế Việt Nam cũng như kinh doanh của Nhật Bản tại Việt Nam. Tân chủ tịch JCCI đã chúc mừng VCCI kỷ niệm 60 năm ngày thành lập – một cột mốc đầy ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản cũng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, ông Tadahiro đánh giá rất cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, được phản ánh qua thủ tục hành chính ngày càng được Chính phủ quan tâm và cải thiện. Trong đó, ông cho rằng VCCI đã có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc tư vấn chính sách và kiến nghị để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và các nước tại Việt Nam.

Hai bên đã có những trao đổi rất thiết thực về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam

Đặc biệt, lãnh đạo JCCI cũng cám ơn VCCI đã phối hợp tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản hồi tháng 2 vừa qua. Đây là một sự kiện quan trọng, góp phần kết nối giúp doanh nghiệp hai nước trao đổi thắng thắn về thuận lợi, khó khăn trong kinh doanh thời gian qua, chủ động đề xuất ý tưởng, cơ hội hợp tác mới trong giai đoạn phục hồi của 2 nền kinh tế Việt Nam, Nhật Bản sau đại dịch.

Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, dòng vốn FDI Nhật Bản đã hiện diện tại 57/63 tỉnh thành Việt Nam. Lũy kế đến tháng 12/2022, Nhật Bản có 4.978 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 68,89 tỷ USD, đứng thứ 3 trong 141 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Trao đổi với Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, ông Tadahiro cũng trình bày một số khó khăn mà doanh nghiệp Nhật đang gặp phải. Trong đó, vấn đề thiếu điện cục bộ tại miền Bắc đang gây ảnh hưởng xấu tới tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là trong các khu công nghiệp, chế xuất. Ngoài ra, còn một số khúc mắc khác như thiếu lao động, quy định phòng cháy chữa cháy cũng là vấn đề cần lưu tâm.

Trong năm kỷ niệm 2023, lãnh đạo 2 bên kỳ vọng hai nước sẽ có thêm nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư thiết thực và chất lượng cao hơn nữa. Đặc biệt, phía Nhật Bản mong muốn VCCI sẽ cùng với JCCI phối hợp và tổ chức một đại nhạc hội quy mô lớn vào cuối năm nay.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã trân trọng gửi lời cám ơn tới lãnh đạo JCCI, cho rằng doanh nghiệp Nhật Bản là nhân tố quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam. Đặc biệt, trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao, VCCI mong muốn hai nước tổ chức nhiều chương trình quảng bá thể hiện tình hữu nghị bền chặt và hợp tác sâu rộng hơn nữa trong tương lai.

Hai bên nhấn mạnh sẽ có thêm những chương trình nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản trong năm nay

Lãnh đạo VCCI tiếp thu các đề xuất của phía Nhật Bản, cho rằng đây là những vấn đề rất quan trọng mà cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực giải quyết nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp nước ngoài, mà đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, được yên tâm đầu tư và làm ăn tại Việt Nam. Trong thời gian tới, VCCI sẽ nỗ lực phối hợp với các bên liên quan để nhanh chóng giải đáp và hỗ trợ trên từng vấn đề mà phía Nhật quan tâm.

Nhấn mạnh tới “Đạo” kinh doanh Nhật Bản, ông Phạm Tấn Công đánh giá đây là một trong những văn hóa doanh nhân lâu đời và nổi tiếng nhất trên thế giới, qua đó ông mong muốn phía Nhật Bản có thể cho Việt Nam những bài học kinh nghiệm về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân theo hướng bền vững, trọng chữ tín – một ưu tiên mà VCCI đang theo đuổi. Chủ tịch JCCI rất vui lòng được đề nghị của VCCI, cho rằng đây là một hướng hợp tác mới mẻ để hai bên mở rộng hợp tác hơn nữa.