VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136/2020/NĐ-CP

2023-06-14 09:34:24

Kính gửi: Bộ Công an

Trả lời Công văn số 1084/BCA-PCCC&CNCH ngày 10/4/2023 của Bộ Công an về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

I. Cắt giảm thủ tục hành chính theo Phương án đơn giản hoá, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính

  1. Thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại Chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy

Điều 1.10.đ Dự thảo (sửa đổi Điều 44.11 Nghị định 136/2020/NĐ-CP) đã phân thẩm quyền cho Công an cấp tỉnh với các thủ tục cấp chứng chỉ tư vấn giám sát, chỉ huy thi công về phòng cháy, chữa cháy. Rà soát Nghị định 136/2020/NĐ-CP, các chứng chỉ khác như chứng chỉ hành nghề tư vấn thiết kế, thẩm định; tư vấn giám sát; tư vấn kiểm tra, kiểm định có điều kiện tương tự với các thủ tục trên (gồm văn bằng đào tạo, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm làm việc). Việc xác định các điều kiện này cũng không phức tạp do đã được cấp bởi cơ quan, tổ chức khác. Do vậy, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng phân thêm thẩm quyền cho Công an cấp tỉnh cấp các loại chứng chỉ trên.

  1. Thẩm quyền thẩm duyệt phòng cháy và chữa cháy

Điều 1.2.đ Dự thảo (sửa đổi Điều 13.12 Nghị định 136/2020/NĐ-CP) quy định về thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy. Thẩm quyền này được giao cho Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh. Theo đó, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thẩm duyệt phòng cháy và chữa cháy đối với dự án không phân biệt nguồn vốn đầu tư đáp ứng tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Việc quy định thẩm quyền thẩm duyệt phòng cháy và chữa cháy của Cục Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong trường hợp này đối với các dự án Nhóm A sẽ gây tốn kém chi phí và mất thời gian hơn so với tại cấp tỉnh. Chủ trương của Chính phủ hiện nay là đẩy mạnh phân cấp việc thực thi pháp luật cho địa phương, các cơ quan trung ương tập trung vào công tác xây dựng pháp luật và giám sát thi hành, không trực tiếp thực thi việc cấp phép. Nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định theo hướng phân cấp thẩm quyền thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy với các dự án nhóm A cho địa phương.

II. Một số bất cập, vướng mắc tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP

Trong thời gian vừa qua, VCCI đã nhận được các ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh về các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Một số ý kiến phản ánh rằng mặc dù Nghị định 136/2020/NĐ-CP không áp dụng hồi tố, tuy nhiên một số doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải làm lại các thủ tục, như lập lại phương án chữa cháy hoặc xin thẩm duyệt lại thiết kế phòng cháy chữa cháy (nếu có lắp đặt thêm hạng mục hoặc chỉ có cải tạo nhỏ)… hoặc phải thay thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn mới. Việc này đã gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Các ý kiến khác phản ánh về vướng mắc, khó khăn liên quan đến quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

  1. Kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy

Điều 38 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về việc kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy là việc đánh giá, xác nhận sự phù hợp của phương tiên với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc các yêu cầu bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tương ứng. Về bản chất, đây là hoạt động đánh giá sự phù hợp được quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá. Hiện nay, hầu hết các lĩnh vực khác đều đã tiến hành xã hội hoá hoạt động đánh giá sự phù hợp. Theo đó, cơ quan nhà nước uỷ quyền hoặc chỉ định một số tổ chức có đủ năng lực để cung cấp dịch vụ kiểm định. Các tổ chức này nhận thù lao để tiến hành kiểm định cho chủ hàng theo quy trình và quy chuẩn kỹ thuật mà cơ quan nhà nước đề ra, sau đó cấp chứng thư kiểm định và/hoặc dán tem kiểm định. Hàng hoá đã được kiểm định và xác nhận phù hợp với quy định được lưu thông ngay trên thị trường mà không cần xin phép cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước chỉ tiến hành hậu kiểm để bảo đảm rằng các tổ chức kiểm định được cấp phép thực hiện đúng quy định. Đây là cách quản lý tiên tiến và đã được áp dụng ở hầu hết các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, Điều 38 Nghị định 136/2020/NĐ-CP vẫn quy định thẩm quyền kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy thuộc về cơ quan Công an (dù là Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy hay Công an tỉnh). Điều 38.11.c Nghị định 136/2020/NĐ-CP cũng cho phép các tổ chức tư vấn kiểm định có quyền tiếp nhận hồ sơ và tổ chức thử nghiệm, đánh giá chất lượng theo các thông số kỹ thuật của phương tiện. Mặc dù vậy kết quả này chỉ có ý nghĩa là cơ sở để cơ quan công an xem xét, cấp giấy chứng nhận kiểm định, chứ kết quả này chưa được coi là căn cứ để hàng hoá được lưu thông.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép các tổ chức kiểm định cấp giấy chứng nhận kiểm định và dán tem kiểm định với phương tiện phòng cháy và chữa cháy. Cơ quan nhà nước chỉ làm công tác hậu kiểm chứ không đảm nhận việc cấp phép tiền kiểm.

  1. Thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy trong trường hợp cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng

Điều 13.3.b Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định các dự án, công trình khi cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn phòng cháy và chữa cháy thì phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, phạm vi quy định tương đối rộng do chỉ cần một thay đổi nhỏ liên quan đến việc cải tạo cũng có thể phải xin thẩm duyệt thiết kế. Do vậy, để đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng việc cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng có ảnh hưởng lớn đến yêu cầu an toàn phòng cháy, chữa cháy mới cần thực hiện thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy. Các nội dung thay đổi lớn có thể cân nhắc bao gồm: thay đổi công năng; ảnh hưởng đến đường giao thông cho xe chữa cháy; khoảng cách an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với các công trình xung quanh; bổ sung vách ngăn, tường ngăn để ngăn chia lại mặt bằng ảnh hưởng đến đường thoát nạn, khoảng cách thoát nạn, diện tích gian phòng hoặc có thêm hành lang (liên quan đến các khu vực yêu cầu thiết kế hệ thống hút khói); bổ sung, thay đổi vị trí đầu báo cháy, đầu phun có ảnh hưởng đến thông số kỹ thuật của hệ thống hiện hữu (vượt quá số lượng đầu báo cháy tối đa của 01 kênh, số lượng địa chỉ báo cháy tối đa của 01 loop, số lượng đầu phun sprinkler được quản lý bởi 01 van điều khiển, …).

  1. Phương án phòng cháy, chữa cháy cơ sở

Thứ nhất, Phương án chữa cháy của cơ sở theo Mẫu PC17 Phụ lục IXa Dự thảo đã bổ sung thêm nội dung về cứu nạn, cứu hộ. Như vậy, có thể thấy, Mẫu PC17 Phụ lục IXa Dự thảo được hợp nhất từ Mẫu PC17 Phụ lục IX Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Mẫu 04 Nghị định 83/2017/NĐ-CP. Tương ứng, Điều 2.1 Dự thảo (sửa đổi Điều 9 Nghị đinh 83/2017/NĐ-CP) đã bỏ trách nhiệm xây dựng phương án, kế hoạch cứu nạn, cứu hộ của cơ sở.

Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, việc thay đổi nội dung như vậy có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải làm lại Phương án chữa cháy. Trong khi, Phương án chữa cháy mới thực chất được hợp nhất nội dung từ các Phương án cũ. Việc này sẽ dẫn đến tình trạng tăng gánh nặng chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định chuyển tiếp vào Điều 4 Dự thảo theo hướng phương án chữa cháy của cơ sở, Phương án, kế hoạch cứu nạn, cứu hộ của cơ sở đã được phê duyệt theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP (hoặc Nghị định 79/2014/NĐ-CP) và Nghị định 83/2017/NĐ-CP, mà không có sự thay đổi về tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện khác thì tiếp tục được sử dụng, không phải xây dựng và phê duyệt lại.

Thứ hai, Điều 19 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định việc xây dựng phương án chữa cháy của cơ sở. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng về việc xây dựng phương án chữa cháy trong trường hợp công trình xây dựng gồm nhiều toà nhà có chung khối đế, khối tầng hầm do cùng một đơn vị quản lý. Theo phản ánh của doanh nghiệp, thực tế, một số cơ quan có thẩm quyền đã yêu cầu doanh nghiệp phải lập phương án chữa cháy cho từng toà nhà mặc dù cơ sở cùng một chủ đầu tư, cùng chung khối đế, tầng hầm và chung đơn vị quản lý. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về nội dung này.

  1. Yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy với các cơ sở y tế

Điều 5.1 và Phụ lục III Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định các cơ sở y tế có chiều cao từ 3 tầng trở lên hoặc có 1.000m 3 trở lên phải đảm bảo điều kiện, trang bị hệ thống an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Phụ lục Va Dự thảo quy định các cơ sở y tế có chiều cao từ 5 tầng hoặc 3.000m 3 trở lên phải thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy. Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc thực hiện các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy là rất khó khăn, gây tốn kém nhiều chi phí cho các cơ sở y tế, trong đó có cơ sở y tế tư nhân, cụ thể:

– Diện tích sàn theo giới hạn khối tích là tương đối thấp (300m 2 sàn sử dụng). Theo phản ánh của doanh nghiệp, diện tích sàn trên sẽ không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy theo quy định như có hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà, ngoài nhà, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống báo cháy tự động, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn… Các cơ sở y tế tư nhân có đặc điểm khác so với các cơ sở kinh doanh khác. Các cơ sở y tế đều đã phải đáp ứng yêu cầu về diện tích tối thiểu với các hạng mục phòng khám, phòng giường bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Các diện tích còn lại trong cơ sở y tế là các tiện ích như hành lang (chỗ ngồi chờ khám), khu máy móc kỹ thuật, khu bốc thuốc, căng tin, nhà để xe… đều là các tiện ích phục vụ người bệnh. Diện tích sàn với các khu vực này không làm tăng số người tập trung tại cơ sở do không tăng năng lực khám chữa bệnh (như số lượng bác sĩ, số lượng giường bệnh). Như vậy, việc quy định diện tích sàn của cơ sở y tế như trên là không hợp lý và có thể khiến cơ sở phải hy sinh các tiện ích phục vụ người bệnh khi tính toán đầu tư dự án. Điều này cũng có thể khiến nhiều cơ sở y tế nhỏ (xét theo năng lực cung cấp dịch vụ) buộc phải ưu tiên đầu tư để đáp ứng các tiêu chuẩn PCCC mà mất đi suất đầu tư cho các hạng mục nhằm nâng cao chất lượng KCB, dẫn đến chất lượng phục vụ người bệnh bị chậm hoặc không thể cải thiện;

– Việc thi công hệ thống phòng cháy, chữa cháy ngoài nhà, trong nhà gặp nhiều khó khăn: (1) Khó triển khai thi công hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà, trong nhà do vướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khi phải đào, phá dỡ vỉa hè, nền đường để thi công trụ cấp nước; (2) Việc thi công bể cấp nước chữa cháy hầu như không thể thực hiện được do rất ít cơ sở y tế tư nhân có quỹ đất dự phòng, nhất là trong khu vực đô thị; (3) Đa số các phòng khám, bệnh viện tư nhân chủ yếu thuê, mượn có thời hạn, do đó gặp khó khăn lớn trong việc nhận được sự đồng ý từ đơn vị cho thuê trong việc sửa chữa, nâng cấp;

– Nhân sự vận hành một cơ sở y tế theo giới hạn như trên là tương đối ít, khó đáp ứng yêu cầu về vận hành hệ thống phòng cháy chữa cháy. Chẳng hạn, một phòng khám chỉ có 1 bác sĩ (nữ), 10 điều dưỡng sẽ gặp khó khăn trong quá trình vận hành hệ thống;

– Chi phí đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy theo quy định là rất lớn, chẳng hạn, một phòng khám chuyên khoa nội dự kiến đầu tư 01 tỷ đồng nhưng hệ thống phòng cháy chữa cháy cũng mất gần 1 tỷ đồng. Gánh nặng chi phí như vậy là rất lớn, khiến tổng mức đầu tư của cơ sở tăng cao, khó thu hút các nhà đầu tư tham gia;

– Các cơ sở y tế hiện tại có nguy cơ phải xây dựng lại từ đầu do không thể sửa chữa để đáp ứng yêu cầu về phòng cháy chữa cháy mới;

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc (i) sửa đổi quy định về giới hạn theo hướng bổ sung tiêu chí về số giường nằm (cơ sở y tế điều trị nội trú), và tăng giới hạn về thể tích và số tầng; (ii) cân nhắc sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy cho phù hợp với đặc thù hoạt động của các cơ sở y tế

  1. Quy định về nộp hồ sơ trực tuyến

Các thủ tục hành chính trong Nghị định 136/2020/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp làm thủ tục trên môi trường trực tuyến. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, các nội dung về hình thức, quy cách hồ sơ trực tuyến chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến tình trạng có nhiều cách áp dụng, hướng dẫn áp dụng từ cán bộ thực thi. Việc này mất thời gian, chi phí của doanh nghiệp, thậm chí có thể chậm trễ nhiều tháng liền. Chẳng hạn:

– Hồ sơ có thể xuất định dạng PDF, ký điện tử hay phải là bản cứng được in, đóng dấu, scan rồi ký điện tử?;

– Hồ sơ chỉ cần ký điện tử 1 trang hay ký tất cả các trang?;

– Hồ sơ nào yêu cầu công chứng điện tử, hồ sơ nào không? Thực tế, có những hồn sơ đã cũ, lâu năm, hồ sơ khổ lớn A0, hồ sơ bản gốc đang để trong ngân hàng…rất khó thực hiện công chứng điện tử;

– Hồ sơ thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy có yêu cầu giấy tờ thẩm duyệt nghiệm thu bản công chứng. Tuy nhiên một số giấy tờ từ giai đoạn xây dựng nhà máy hiện không còn bản gốc và chỉ còn bản sao hoặc bản chụp, trong khi đó bên công chứng không công chứng cho bản sao hoặc bản chụp khi không có bản gốc. Trong khi đó, cơ quan phòng cháy chữa cháy đều đã có các giấy tờ này.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định chung về yêu cầu với hồ sơ khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.

  1. Áp dụng quản lý rủi ro và phối hợp về kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy

Hiện nay, công tác hậu kiểm của nhiều cơ quan nhà nước đang chuyển dần theo hướng quản lý rủi ro. Cơ quan nhà nước tiến hành thu thập và tổng hợp thông tin đầu vào (gồm cả lịch sử tuân thủ) của mỗi đối tượng quản lý, hệ thống máy tính dựa trên tiêu chí định sẵn và thông tin đầu vào sẽ chấm điểm rủi ro của mỗi đối tượng quản lý và phân các đối tượng này thành các nhóm có mức độ rủi ro cao thấp khác nhau. Đối tượng quản lý sẽ được thanh kiểm tra với tần suất tương ứng với mức độ rủi ro đó. Cách quản lý này vừa bảo đảm minh bạch, tránh việc lợi dụng thanh kiểm tra để nhũng nhiễu, tiêu cực, vừa giúp tiết kiệm thời gian, công sức tăng hiệu quả làm việc của cơ quan thanh kiểm tra, vừa tạo động lực để đối tượng quản lý tuân thủ quy định tốt hơn.

Điều 16.3 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về tần suất kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đang theo xu hướng cào bằng, không có sự phân biệt giữa những đơn vị có rủi ro cao với đơn vị rủi ro thấp, cũng không phân biệt giữa các đơn vị có lịch sử tuân thủ tốt với đơn vị có lịch sử tuân thủ kém.

Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu áp dụng biện pháp quản lý rủi ro khi kiểm tra. Ví dụ, doanh nghiệp nào có kết quả kiểm tra trước đó tốt thì tần suất kiểm tra sau đó ít hơn, doanh nghiệp nào có kết quả kiểm tra trước đó không tốt thì tần suất kiểm tra cao hơn.

Thêm vào đó, hiện nay có tình trạng nhiều đoàn kiểm tra của các cơ quan nhà nước khác nhau cùng kiểm tra doanh nghiệp dẫn đến trùng lặp, chồng chéo về nội dung kiểm tra. Ngoài cơ quan công an, hiện nay vẫn có tình trạng cơ quan quản lý về xây dựng, về an toàn lao động, về an toàn hoá chất, thậm chí cả bảo vệ môi trường cũng kiểm tra doanh nghiệp về phòng cháy chữa cháy. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định vào Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP: “ Cơ quan có trách nhiệm kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm theo hướng kết hợp kiểm tra nhiều nội dung, trong đó có công tác phòng cháy chữa cháy, bảo đảm không để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động kiểm tra

  1. Điều kiện về người đứng đầu đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy

Điều 41.2 Nghị định 136/2020/NĐ-CP yêu cầu người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của cơ sở phải có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy. Tại các doanh nghiệp, người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật là người làm công tác điều hành doanh nghiệp, người này có thể không trực tiếp mà sẽ có người đủ chuyên môn để tham gia cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Việc quy định người đứng đầu doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề sẽ rất bất cập, can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh, tự tổ chức nội bộ của doanh nghiệp. Ví dụ, một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành gồm dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, kiểm định an toàn lao động, kiểm định thiết bị đo, kiểm định xe cơ giới, kiểm định chất lượng công trình xây dựng, thiết kế xây dựng… Nếu mỗi ngành lại yêu cầu người đứng đầu phải có chứng chỉ hành nghề riêng thì sẽ dẫn đến tình trạng một cá nhân phải có nhiều chứng chỉ, trong khi đó chỉ là một doanh nhân, không phải là người trực tiếp làm kỹ thuật. Vô hình chung, quy định bắt buộc người đứng đầu có bằng cấp sẽ cản trở cơ hội kinh doanh đa ngành, đa nghề của các doanh nghiệp, cản trở khả năng một doanh nghiệp tận dụng nguồn lực nhàn rỗi để đa dạng hoá sản phẩm, tăng năng suất lao động.

Do vậy, nhằm tiếp tục giảm rào cản kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ các điều kiện đối với người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật. Thay vào đó, Nghị định có thể quy định theo hướng yêu cầu điều kiện đối với người trực tiếp thực hiện công việc.

  1. Một số vấn đề khác

a. Người chịu trách nhiệm phòng cháy chữa cháy của cơ sở

Nghị định 136/2020/NĐ-CP có nhiều quy định liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở. Tuy nhiên, Nghị định 136/2020/NĐ-CP không có quy định định nghĩa về người đứng đầu cơ sở. Việc này gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong việc xác định người chịu trách nhiệm quản lý và duy trì điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy của cơ sở, đặc biệt trong trường hợp công trình có nhiều tổ chức, chủ sở hữu cùng hoạt động. Chẳng hạn, công trình nhà chung cư sau khi chủ đầu tư bàn giao cơ sở vật chất cho ban quản trị thì người đứng đầu cơ sở được xác định là chủ thể nào? Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định giải thích nội dung này.

b. Trách nhiệm lập, lưu giữ hồ sơ quản lý, theo dõi phòng cháy, chữa cháy

Điều 5.5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định người đứng đầu cơ sở lập và lưu giữ hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy cơ sở. Tuy nhiên, quy định này chưa có quy định cụ thể với trường hợp cơ sở phức hợp (như toà nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ, chung cư, khách sạn). Các cơ sở phức hợp như vậy đều có người đứng đầu riêng và chịu trách nhiệm với khu vực mình quản lý. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định theo hướng với cơ sở phức hợp, người đứng đầu của mỗi đơn vị độc lập trong cơ sở chịu trách nhiệm lập và lưu giữ hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy thuộc khu vực mình quản lý.

c. Phương tiện phòng cháy, chữa cháy thuộc diện kiểm định

Mục 5 Phụ lục VII Nghị định 136/2020/NĐ-CP yêu cầu kiểm định với ống và phụ kiện đường ống phi kim loại dùng trong hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà hoặc dùng trong hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, ống mềm dùng cho đầu phun chữa cháy; đầu phun chất chữa cháy các loại; chai chứa khí. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, các thiết bị này là vật tư dùng trong hệ thống phòng cháy chữa cháy, đã qua thử nghiệm áp lực trong quá trình thi công phòng cháy chữa cháy, do đó chỉ cần đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất và thi công. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ nội dung này.

Mục 8 Phụ luc VII Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định kiểm định với đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định như vậy có thể dẫn đến cách hiểu phải kiểm định toàn bộ thiết bị, bao gồm cả các thiết bị không cần thiết như bóng đèn, các thiết bị đấu nối, biển bảng đèn được làm từ nhựa. Việc kiểm định các cấu phần này cũng không có căn cứ thực hiện để kiểm định như thế nào là đạt yêu cầu. Do vậy, để giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định theo kiểm với thiết bị lưu điện (pin, ắc quy…), cấp nguồn dự phòng của các thiết bị này.

d. Bản dịch tài liệu bằng tiếng nước ngoài

Điều 13.4.e Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với nội dung bản dịch của hồ sơ bằng tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, quy định này sẽ gây rủi ro cho doanh nghiệp vì không phải doanh nghiệp nào cũng có nhân sự chuyên nghiệp phụ trách việc này. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ công chứng bản dịch. Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng doanh nghiệp được lựa chọn một trong hai hình thức (i) công chứng hồ sơ bằng tiếng nước ngoài, và cơ quan tiếp nhận không được từ chối vì lý do bản dịch không chính xác; (ii) tự dịch hồ sơ, và chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy . Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.