Sáng nay, (12/1) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo công bố báo cáo: “Dòng chảy pháp luật kinh doanh việt nam 2020”.
Phát biểu tại hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh trong năm qua, chính sách của Chính phủ trong hỗ trợ doanh nghiệp được thiết kế đi theo hai “dòng chảy” rất mạnh mẽ.
“Thứ nhất là “dòng chảy” rất nhanh, rất kịp thời của các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua các khó khăn do dịch bệnh Covid 19. Thứ hai là “dòng chảy” bền bỉ, mạnh mẽ của các chính sách cải cách thể thế, thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả quốc gia”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch VCCI các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong năm nay xuất phát từ bối cảnh đặc biệt là dịch bệnh Covid 19. Ngay từ đầu năm, 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid 19. Thực hiện Chỉ thị này, các bộ, ngành đã ban hành đến ít nhất 95 văn bản để cụ thể hoá các chính sách hỗ trợ.
“Tiêu biểu như Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngay sau đó để gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các đối tượng chịu ảnh hưởng và/hoặc thiệt hại do Covid 19. Bộ Tài chính cũng đã đồng loạt ban hành hơn 20 thông tư giảm các loại phí của các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp”, ông Lộc nói.
Động thái giảm phí, giãn thời điểm đóng thuế vào thời điểm doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền, gần như kiệt quệ bởi dịch bệnh đã cho thấy sự đồng hành của Chính phủ đối với cộng đồng và chính sách pháp luật trở thành bệ đỡ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Trong khi tập trung nguồn lực để phòng chống dịch bệnh, Chính phủ vẫn đặt ra và kiên trì theo đuổi mục tiêu về cải cách thể chế.
“Đây được xem là điểm cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy nền kinh tế phát triển – mục tiêu dài hạn của một Chính phủ kiến tạo. Nghị quyết 02 đầu năm hay sau đó là Nghị quyết 68 tiếp tục đặt ra những mục tiêu tham vọng về cải cách các quy định liên quan đến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Cũng trong năm 2020, dòng chảy pháp luật kinh doanh có những điểm sáng về chính sách mà cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
“Ví dụ hai Nghị định thúc đẩy khởi sự kinh doanh là Nghị định 122 đã tích hợp ba quy trình đăng ký bảo hiểm xã hội, khai trình việc sử dụng lao động vào quy trình thành lập doanh nghiệp. Tổng thời gian gia nhập thị trường gồm các thủ tục này đã rút ngắn xuống còn 03 ngày làm việc và Nghị định 22 miễn lệ phí môn bài cho các doanh nghiệp mới thành lập trong năm đầu.
Đây là hai văn bản có những cải cách rất lớn về cắt giảm chi phí khởi sự kinh doanh của các chủ thể kinh doanh, dự báo sẽ góp phần đưa Việt Nam thăng hạng mạnh mẽ về chỉ số gia nhập thị trường trong Doing Business của Ngân hàng Thế giới trong thời gian tới”, ông Lộc nói.
Ngoài ra, Chủ tịch VCCI cũng cho biết năm 2020, trong hoạt động hoàn thiện và sửa đổi chính sách cũng đánh dấu những nỗ lực đột phá, sẵn sàng thay đổi những quy định tưởng như rất khó thay đổi để thúc đẩy sự phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân.
“Ví dụ như nâng hạn mức khống chế chi phí lãi vay từ 20 lên 30% và cho phép trừ đi lợi nhuận của lãi vay quy định tại khoản 3, điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Đây là hành trình gian nan, để có được sửa đổi này cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã có những nỗ lực rất lớn trong việc chuyển tải ý kiến, thuyết phục Chính phủ và đã có được sự cầu thị, lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ”, ông Lộc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh điểm sáng như các ví dụ trên thì hoạt động xây dựng pháp luật năm nay vẫn còn tồn tại những điểm khiến cho cộng đồng doanh nghiệp quan ngại, xuất phát chủ yếu từ tư duy soạn chính sách của những nhà làm luật.
Chúng tôi nhận thấy đâu đó vẫn còn những tư duy cũ kĩ của các làm chính sách trong các văn bản được soạn thảo và ban hành trong năm nay.
“Ví như các quy định có tính chất gia tăng về chi phí tuân thủ của doanh nghiệp một cách bất hợp lý mà điển hình là dự kiến bổ sung giấy phép con cho người lái xe trong lĩnh vực kinh doanh vận tải; gia tăng điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thẩm định giá. Hay các quy định có tính chất hành chính can thiệp vào thị trường một cách bất hợp lý như quy định kiểm tra vào quyền định giá dịch vụ vận tải của doanh nghiệp …Hay đó vẫn là tư duy đóng cho những quy định mở ví như quy định Nhà nước vẫn chưa cho tư nhân tham gia vào hoạt động kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện ….”, ông Lộc nhấn mạnh.
Không chỉ là những văn bản được ban hành trong năm 2020, ông Lộc cho biết những quy định đã được ban hành trong các năm trước mà chúng tôi rà soát vừa rồi cũng có nhiều vấn đề.
“Chẳng hạn trong lĩnh vực mà dù đã có nhiều cải cách nhưng các quy định về gia nhập thị trường vẫn còn khá nhiều quy định về điều kiện kinh doanh còn bất cập, thủ tục hành chính phức tạp. Vẫn còn hiện tượng chồng chéo về thẩm quyền quản lý trong một số hoạt động kinh doanh”, Chủ tịch VCCI dẫn chứng.
Về Báo cáo Dòng chảy Pháp luật kinh doanh 2020, ông Lộc nhấn mạnh một vấn đề rất quan trọng mà báo cáo của VCCI lần này dành hẳn chương riêng để thảo luận, đó là khung khổ pháp lý nào cho nền kinh tế số.
“Dù đây là lĩnh vực rất quan trọng, đầy tiềm năng nhưng theo nhiều đánh giá thì chất lượng và phản ứng chính sách của Việt Nam vẫn được xem là điểm yếu cần cải thiện. Theo ước tính của Google và Temasek trong Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á vừa công bố cuối năm 2020 thì nền kinh tế số của Việt Nam năm 2020 đã đạt khoảng 14 tỷ đô la Mỹ và dự báo đến năm 2025 sẽ đạt mức 54 tỷ đô la Mỹ. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của internet và những tiềm năng khổng lồ của môi trường này mang lại, các thể chế pháp lý của Việt nam dường như đang chậm chân trong dòng chảy với tốc độ vũ bão này”, ông Lộc nói.
Như báo cáo đã chỉ ra, nhiều quy định quản lý thông qua điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép cho một số hoạt động trên môi trường mạng vẫn còn nhiều bất cập; vấn đề bảo hộ tài sản trí tuệ đối với các loại tài sản trong kinh tế số vẫn chưa thực sự rõ ràng và hiệu quả; các mô hình kinh doanh dịch vụ trên kinh tế số phát triển khá nhanh nhưng chưa có biện pháp phù hợp để quản lý…
Trong dòng chảy rất mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn và rất khác. Để trở thành một quốc gia số, ông Lộc cho rằng những vấn đề liên quan đến chính sách hết sức quan trọng.
“Những rủi ro, sai lầm về chính sách có thể làm thay đổi đường đi của vốn đầu tư, sự rời bỏ của các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ và bỏ lỡ cơ hội để Việt Nam đi nhanh trong lĩnh vực này”, ông Lộc nói.
Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh nghiệp
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...