Bối cảnh ra đời và nội dung của Nghị quyết
Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được ban hành vào giữa năm 2016 thể hiện quan điểm, định hướng, các nguyên tắc và biện pháp chính mà Chính phủ xác định trong công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Theo đó, tập trung phát triển kinh tế tư nhân với tinh thần “doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế” là quan điểm xuyên suốt của Nghị quyết.
Các mục tiêu của Nghị quyết tập trung vào phát triển doanh nghiệp tư nhân với số lượng ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020; đóng góp của kinh tế tư nhân vào GDP; cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Tổng quan kết quả thực hiện
Qua các khảo sát gần đây nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp về việc thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết của các bộ, ngành và địa phương nổi lên một số xu hướng như: Môi trường kinh doanh đã có những cải thiện nhất định, các Chỉ số đánh giá của thế giới cũng như kết quả khảo sát cảm nhận của doanh nghiệp Việt Nam và nhận định của nhiều chuyên gia đều cho thấy cùng kết quả; giữa các lĩnh vực vẫn có sự cải cách không đều. Một số lĩnh vực thường xuyên có sự chuyển biến tích cực cả về xây dựng chính sách lẫn thực thi, trong khi một số lĩnh vực khác lại chưa có những cải thiện đáng kể, thậm chí trong nhiều năm liên tục. Nói cách khác, có cơ quan rất nỗ lực và đạt kết quả tốt trong cải cách, nhưng cũng có những cơ quan thực hiện cầm chừng, thậm chí đối phó.
Theo VCCI, các lĩnh vực về đăng ký doanh nghiệp được đánh giá cao, ngành thuế có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký qua mạng, qua bưu điện hoặc qua Trung tâm Hành chính công tăng. Đối với việc nộp thuế, khảo sát với hơn 97% trong số 1.700 doanh nghiệp được khảo sát về sự hài lòng của các thủ tục hành chính thuế năm 2019 đồng ý với nhận định thủ tục nộp thuế điện tử dễ thực hiện, chỉ 3% nhận định khó khăn. Các lĩnh vực khác như: tiếp cận tín dụng, tiếp cận điện năng tiếp tục được các doanh nghiệp đánh giá cao…
Năm 2019, một số Bộ tiếp tục đưa ra các Nghị định cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mình quản lý. Theo ghi nhận, đã có Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra Dự thảo Nghị định cắt giảm hoặc đang trong quá trình rà soát.
Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết các doanh nghiệp cùng ngành thường phải trả thêm các chi phí không chính thức có xu hướng giảm từ 66% năm 2016 xuống trên 50% năm 2019. Nghị quyết 139/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, một trong những mục tiêu chính của Nghị quyết này là giảm các khoản chi phí không chính thức vào năm 2020 xuống còn 30%. Để làm tốt điều này, đòi hỏi các nỗ lực chống tham nhũng phải được thực hiện mạnh và quyết liệt hơn nữa.
Tuy vậy, hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC vẫn chuyển biến chậm, vẫn còn không ít doanh nghiệp “phàn nàn” về sự chậm trễ, thậm chí là không cải cách của nhiều lĩnh vực. Cộng đồng doanh nghiệp phản ánh đang có sự cải cách không đồng đều giữa các lĩnh vực, vẫn còn tình trạng một số cơ quan cải cách một cách đối phó, hình thức. Một số Bộ, ngành dường như không muốn tiếp tục thực hiện đưa ra các Nghị định cắt giảm các điều kiện kinh doanh vì đã làm vào năm 2018. Trong những Bộ có tiếp tục rà soát thì mức độ cắt giảm cũng không được mạnh mẽ như năm trước.
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp liệu đến năm 2020
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như 3 năm qua thì rất khó đạt được mục tiêu. Ước tính, nếu duy trì được mức tăng trưởng số doanh nghiệp trong giai đoạn 2015 – 2018 xấp xỉ 17,3% thì đến hết năm 2020, nước ta sẽ có khoảng 984.000 doanh nghiệp, đạt trên 98% so với mục tiêu mà Nghị quyết 35 đề ra. “Trong khoảng thời gian còn lại, cần có những biện pháp cải cách mạnh mẽ hơn rất nhiều không chỉ về gia nhập thị trường mà còn cả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Hành động của Nghệ An về phát triển doanh nghiệp
Theo Quyết định số 3171/QĐ-UBND ngày 01/7/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, tỉnh Nghệ An phấn đến năm 2020 có trên 20.000 doanh nghiệp hoạt động, bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 35.000 – 37.000 lao động.
Năm 2019, toàn tỉnh đã thành lập mới trên 1.500 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký gần 14.000 tỷ đồng, tăng khoảng 32% so với cùng kỳ; giải quyết việc làm mới khoảng 38.000 lao động. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng đến nay đạt 99,73%, cao nhất cả nước. Hiện tại, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Nghệ An khoảng trên 13.000. Theo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 của Chính phủ do VCCI thực hiện, nếu duy trì được mức tăng trưởng số doanh nghiệp trong giai đoạn 2015 – 2018 xấp xỉ 21,5% thì đến hết năm 2020, Nghệ An sẽ có khoảng 17.282 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cùng với tác động cộng hưởng từ những yếu tố khác, tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2020 của Nghệ An đã có sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2020, tỉnh Nghệ An có 1.375 doanh nghiệp thành lập mới (chiếm 10,2% khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, chiếm 1,4% cả nước) với số vốn đăng ký đạt 11.180 tỷ đồng (chiếm 9,6% khu vực và chiếm 0,8% cả nước), tăng 4,2% về số doanh nghiệp và giảm 4,3% về số vốn so với cùng kỳ năm 2019.
Để đạt được số lượng doanh nghiệp phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực như mong muốn, không những trong năm nay mà các năm tiếp theo, tỉnh Nghệ An cần phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, thực hiện nhất quán và triệt để trong cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn; đơn giản hóa các TTHC, tiếp tục CCHC lĩnh vực Đăng ký doanh nghiệp theo hướng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; giải quyết tốt các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư thông qua các cuộc họp giao ban giữa Lãnh đạo tỉnh với VCCI và Hiệp hội doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân Nghệ An gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo nhằm tạo ra một đội ngũ doanh nhân ngày càng mạnh mẽ đủ tâm, đủ tầm, đủ kiến thức, năng lực và trình độ để chủ động hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển và hội nhập./.
Phan Duy Hùng – Chi nhánh VCCI Nghệ An
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...