Thủ tướng: Xây dựng thể chế, gỡ ách tắch, tạo động lực mới để phát triển

2021-08-18 09:04:40

Sáng 17/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về pháp luật (tháng 8 năm 2021) để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Phiên họp tập trung thảo luận về các nội dung chính: Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) (Bộ Tài chính chuẩn bị); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và dự thảo Nghị định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần (Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong tình hình dịch COVID-19 (Bộ Tư pháp chuẩn bị).

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhưng phải cân đối nguồn lực để làm có trọng tâm, trọng điểm. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Phiên họp được tổ chức nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021; thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện thể chế - một trong ba khâu đột phá chiến lược - bằng các biện pháp cụ thể.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành, các Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng bị thực tiễn vượt qua; sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Thứ hai, đẩy mạnh công tác xây dựng luật pháp, nâng cao chất lượng các quy định. Thứ ba, tăng cường nhân lực cho xây dựng và hoàn thiện thể chế, dành ưu tiên về nhân lực cho việc khó này. Thứ tư, phải đầu tư về thời gian, công sức. Thứ năm, bảo đảm điều kiện, chế độ, chính sách cho những người làm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, các bộ ngành, địa phương nhìn chung rất tích cực triển khai nhiệm vụ nêu trên, nhưng vẫn còn một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực sự quan tâm, còn chậm trễ, thờ ơ, cần rút kinh nghiệm, dứt khoát phải tập trung cho công tác này trên cơ sở 5 điểm rất cơ bản nói trên. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân nắm vững, hiểu rõ và thực hiện tốt các quy định.

Thủ tướng phân tích và nhấn mạnh thêm, phải ưu tiên đầu tư cho công tác này sao cho đúng tầm một khâu đột phá chiến lược cả về con người, vật chất, điều kiện làm việc, bố trí những cán bộ có năng lực, trình độ, nhiệt huyết. Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm các khoản chi thường xuyên khác để tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó có đột phá thể chế. Nếu cần thiết, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ nghiên cứu, xây dựng, ban hành hoặc trình Chính phủ quy định cụ thể về kinh phí dành cho xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, không thể để ách tắc vì kinh phí, “chứng từ thanh toán dày hơn cả hồ sơ luật”.

Thủ tướng nhắc lại, điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh chúng ta xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

“Đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhưng phải cân đối nguồn lực để làm có trọng tâm, trọng điểm. Có việc làm trước, có việc làm sau, việc gì thật cần thiết thì làm ngay, có nội dung phải thí điểm, có nội dung phải đề xuất một luật sửa nhiều luật… Các quy định dù có làm kỹ bao nhiêu cũng không thể phủ hết được các góc cạnh của thực tiễn. Phải bình tĩnh, kiên trì, kiên định, tổng kết, đánh giá thấu đáo, sâu sắc, toàn diện, tổng thể, đề xuất vấn đề thực sự có chất lượng, sát thực tiễn, chặt chẽ”, Thủ tướng nêu rõ.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tinh thần tấn công, ai làm tốt thì khen, ai làm không tốt thì nhắc nhở, nhắc nhở nhiều lần không được thì xử lý. “Trong điều kiện hiện nay, khó khăn, thách thức nhiều hơn rất nhiều so với thời cơ và thuận lợi, nếu thời cơ có sẵn mà không tận dụng thì làm sao bứt phá được? Trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các bộ, cơ quan, địa phương cần phát huy tinh thần tự giác, tranh thủ và tận dụng mọi thời cơ, phát huy tối đa tinh thần vì hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, vì quốc gia dân tộc, vì sự phát triển của ngành mình, bộ mình, địa phương mình, góp phần xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ”, Thủ tướng nhấn mạnh. Ông cũng nhắc lại, phải tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững đoàn kết, thống nhất.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh COVID-19 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày.

Kết luận nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các cơ quan, nhất là Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương vào cuộc trên tinh thần thực sự tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các ý kiến cơ bản tán thành với đề nghị xây dựng Luật. Liên quan tới Luật Dược và các quy định về y tế, Nghị quyết 30 của Quốc hội và Nghị quyết 86 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng chống COVID-19 đã cơ bản giải quyết các vướng mắc pháp lý. Các nội dung khác cần sửa đổi căn cơ phải tuân thủ các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát rất kỹ trên cơ sở một số nguyên tắc, trước hết là bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chủ trương “một luật sửa nhiều luật” theo Nghị quyết của Quốc hội.

Thứ hai, những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa, đưa vào quy định. Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định, những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng cần có thời gian kiểm chứng, tạo đồng thuận thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Nguyên tắc thứ ba là phân cấp, phân quyền tối đa, tăng cường quản lý nhà nước bằng xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, thể chế và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra. Các bộ không “ôm” việc, không tập trung dồn việc lên Trung ương. Chúng ta cần tuân thủ theo nguyên tắc “cái gì biết mới quản, không biết thì không quản”, những gì cấp dưới làm được, làm tốt hơn thì phân cấp, cơ quan nào làm tốt thì giao việc. Những gì xã hội và người dân làm tốt hơn thì tạo điều kiện để xã hội và người dân làm, trừ những vấn đề, lĩnh vực thuộc an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia.

Một nguyên tắc khác là làm có trọng tâm, trong điểm, lựa chọn làm trước những nội dung cần thiết, cấp bách nhất để tháo gỡ, quyết tâm giải quyết những ách tắc kéo dài nhiều năm chưa được tháo gỡ để tạo động lực, giải phóng các nguồn lực mới cho sự phát triển, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn.

Với các nội dung đã được thống nhất tại Phiên họp, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội về đề nghị xây dựng Luật này, triển khai các bước theo quy định. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trực tiếp chủ trì xử lý các nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tích cực phối hợp để Bộ Tư pháp chọn lọc, tổng hợp. Thủ tướng cũng lưu ý, không thể giải quyết được tất cả các ách tắc ngay trong một lúc, do đó cần tiếp tục nghiên cứu, xử lý trong thời gian tới.

Về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh một số yêu cầu như giảm thiểu các thủ tục hành chính. Có công cụ kiểm soát việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Không mở mới thêm cơ sở đào tạo nhân lực về kinh doanh bảo hiểm, nếu cần thiết thì bổ sung thêm chuyên ngành tại các cơ sở đã có.

Liên quan tới quy định về bảo hiểm y tế trong dự án luật, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu phải bảo đảm lợi ích của người dân là trên hết, trước hết, bảo đảm an sinh xã hội, khẳng định sự ưu việt của chế độ. Ông nhắc lại quan điểm không hy sinh an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tinh thần này cần được quán triệt trong việc xây dựng các dự án luật.

Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và dự thảo Nghị định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần, Thủ tướng nêu rõ, tần số là tài nguyên quốc gia, do đó phải có cách sử dụng hiệu quả. Hiện nay, chiến tranh trên không gian mạng rất khốc liệt, nếu không làm chủ không gian mạng thì sẽ bị lúng túng, bị động, bất ngờ khi có chiến tranh. Trên thế giới, đã có quốc gia thất bại, sụp đổ do thất bại trên không gian mạng. Do đó, tần số phục vụ bảo vệ độc lập chủ quyền, an ninh, quốc phòng phải được ưu tiên bảo đảm tối đa. Còn tần số phục vụ thương mại không thuộc lĩnh vực an ninh-quốc phòng thì tuân theo quy luật kinh tế thị trường, đấu thầu, đấu giá bảo đảm công khai, minh bạch. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tổng kết kinh nghiệm trong nước sau 35 năm đổi mới, vừa bảo đảm an ninh-quốc phòng, vừa khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, vừa tuân thủ các cam kết quốc tế.

Thủ tướng giao các cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Nguồn: Tạp chí DDDN