Thấy gì từ Dự thảo Thông tư hướng dẫn về đăng ký thuế và giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế?

2023-07-05 10:11:39

Vừa qua, Bộ Tài chính đề nghị cộng đồng doanh nghiệp góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế và Thông tư 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có ý kiến ban đầu như sau:

Điều 1.2 Dự thảo (sửa đổi Điều 7.10 Thông tư 105/2020/TT-BTC) quy định hồ sơ đăng ký thuế của người phụ thuộc là người nước ngoài gồm bản sao Hộ chiếu. Tuy nhiên, quy định này là chưa hợp lý vì không phải tất cả con của người nước ngoài đều có hộ chiếu từ khi mới sinh. Việc bắt buộc phải có hộ chiếu mới cho đăng ký mã số thuế (MST) sẽ tạo ra hàng rào cho người nộp thuế trong quá trình đăng ký. Do vậy, cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng hồ sơ đăng ký gồm bản sao Hộ chiếu hoặc Giấy khai sinh.

Cá nhân sử dụng số định danh cá nhân là MST (ảnh Internet)

Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT quy định về việc liên thông cấp đăng ký hộ kinh doanh và cấp mã số thuế cho hộ kinh doanh. Tuy nhiên, Thông tư 105/2020/TT-BTC và Dự thảo chưa có quy định tương ứng, mà vẫn giữ nguyên cơ chế đăng ký như trước đây. Do vậy, để giảm thiểu các vướng mắc trong quá trình thực thi, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định về nội dung này.

Điều 5.3.e Thông tư 105/2020/TT-BTC quy định nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài được cấp MST 13 số theo mã số thuế nộp thay của bên Việt Nam để thực hiện xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế nhà thầu tại Việt Nam. Theo phản ánh của doanh nghiệp, các cơ quan thuế chưa có hướng xử lý thống nhất trong việc cấp MST 13 số. Cụ thể, có trường hợp doanh nghiệp xin cấp MST nhà thầu mới (và đã nộp kèm bảng kê danh sách nhà thầu nước ngoài) nhưng chỉ được cấp MST 10 số để khấu trừ thay. Ngược lại, cũng có cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký MST 13 chữ số cho từng nhà thầu, mặc dù nhà thầu không có nhu cầu xin xác nhận. Thực tế, không phải nhà thầu nước ngoài nào cũng có nhu cầu xin xác nhận số thuế đã nộp tại Việt Nam. Do vậy, Dự thảo cần được cân nhắc sửa đổi theo hướng cơ quan thuế cấp MST 13 số chỉ trong trường hợp nhà thầu nước ngoài có yêu cầu.

Đăng ký tài khoản giao dịch điện tử chỉ được gắn một số điện thoại/email cá nhân (ảnh minh hoạ)

Điều 1.3 Dự thảo (bổ sung Điều 7a vào Thông tư 105/2020/TT-BTC) quy định khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chủ động truyền thông tin cho cơ quan thuế, cơ quan thuế tiếp nhận và lưu thông tin ở trạng thái chưa phát sinh nghĩa vụ thuế và chờ khi người nộp thuế thực hiện thủ tục thuế lần đầu. Trong trường hợp này, dường như cá nhân vẫn phải thực hiện thủ tục đăng ký thuế lần đầu, đặc biệt với cá nhân nộp thuế không qua cơ quan chi trả thu nhập theo quy định tại Điều 7.10.b Thông tư 105/2020/TT-BTC. Quy định này chưa hợp lý vì đa phần các thông tin đăng ký thuế đều đã được truyền đưa từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do vậy, để giảm thiểu thủ tục hành chính, cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định bỏ thủ tục này khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã truyền thông tin chủ động cho cơ quan thuế.

Điều 1.1 Dự thảo (sửa đổi Điều 5.3.a.3 Thông tư 105/2020/TT-BTC) quy định cá nhân sử dụng số định danh cá nhân là MST. Cá nhân chưa được hoặc không được cấp số định danh cá nhân được cấp mã số thuế 10 chữ số. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định rõ ràng xử lý trong trường hợp cá nhân chưa mã định danh cá nhân, nhưng đã được lập mã số thuế, sau đó lại được cấp mã định danh cá nhân thì ưu tiên dùng mã nào để thực hiện thủ tục. Cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn nội dung này.

Công nghệ thông tin - trụ cột thúc đẩy cải cách và phát triển ngành Thuế (ảnh Internet)

Điều 10 Thông tư 19/2021/TT-BTC quy định việc đăng ký tài khoản giao dịch điện tử chỉ được gắn một số điện thoại/email cá nhân, và mỗi số điện thoại/email chỉ được đăng ký duy nhất cho một MST. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, quy định này gây khó khăn với người nước ngoài sang Việt Nam làm việc, cụ thể: Vấn đề về ngôn ngữ và kiến thức pháp luật: quy định pháp luật, các thủ tục đăng ký, thông báo và quy trình nộp tờ khai đều thực hiện bằng tiếng Việt, do đó tạo nên rào cản với cá nhân người nước ngoài, đặc biệt nếu công tác trong một thời gian ngắn. Các cá nhân này thường phải uỷ quyền cho tổ chức Việt Nam thực hiện thủ tục với cơ quan thuế; số lượng người nộp thuế cần đăng ký tài khoản giao dịch điện tử là rất lớn, đặc biệt với các nhà thầu nước ngoài có dự án tại Việt Nam và cần cử nhiều nhân viên nước ngoài. Việc đăng ký thuế điện tử với từng cá nhân sẽ rất khó khăn vì số lượng tài khoản đăng ký nhiều, lại phải đảm bảo đăng ký và kê khai đúng hạn; việc đăng ký tài khoản qua sim gặp nhiều khó khăn với người nước ngoài vì phải đảm bảo sim luôn trong trạng thái kích hoạt theo yêu cầu của nhà mạng viễn thông, trong khi nếu về nước, số điện thoại sẽ hết hạn hoặc bị thu hồi, dẫn đến không liên lạc được cho mục đích kê khai điều chỉnh, liên hệ đối chiếu thuế…

Do vậy, cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về đăng ký giao dịch điện tử với cá nhân là người nước ngoài sang Việt Nam làm việc, có thể cân nhắc một số biện pháp sau: (i) kê khai online qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, không cần mã OTP (tương tự như quyết toán thuế cá nhân); (ii) kê khai điện tử dùng mã OTP qua email và cho phép một email nhận mã OTP cho nhiều cá nhân; (iii) kê khai thông qua mã số thuế của nhà thầu nước ngoài (cho phép nhà thầu nước ngoài được đăng ký và kê khai thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên của họ); (iv) kê khai bản giấy có mã vạch như trước đây./.

PHAN DUY HÙNG ( Chi nhánh VCCI Nghệ An )