Sửa Nghị định 80/2023: Cần minh bạch nguồn cung xăng dầu

2024-01-29 09:04:01

Trước hàng loạt những vấn đề tồn tại của thị trường xăng dầu, góp ý xây dựng Nghị định 80/2023/NĐ-CP, một số ý kiến cho rằng, cần giải quyết được bài toán minh bạch nguồn cung...

Theo đó, Nghị định 80/2023/NĐ-CP được ban hành ngày 17/11/2023 đem đến nhiều kỳ vọng khi thị trường xăng dầu trong nước đã trải qua không ít bất ổn. Với một số điều chỉnh về công thức tính giá , bãi bỏ loại hình tổng đại lý, về thời gian điều hành , công bố giá xăng dầu,... Nghị định này bước đầu đã đi vào cuộc sống, không chỉ giúp cho giá thị trường xăng dầu bán lẻ trong nước tiệm cận dần với giá xăng dầu thay đổi trên thị trường quốc tế hàng ngày mà còn giúp tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời, tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.

Nghị định 80/2023/NĐ-CP được ban hành đã phần nào giải quyết được một số bất ổn của thị trường xăng dầu - Ảnh minh họa: ITN

Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực đã mang lại, Nghị định 80/2023/NĐ-CP vẫn còn đó không ít tồn tại dẫn đến việc buông lỏng giám sát, để các doanh nghiệp đầu mối không nhập khẩu đủ hạn mức, mua bán lòng vòng khiến thị trường rối loạn, kéo theo đứt gãy nguồn cung.

Theo phản ánh của doanh nghiệp bán lẻ, vấn đề của thị trường nhìn thấy rõ nhất hiện nay, đều có quy định cả trong Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 80/2023/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, đang duy trì hệ thống xăng dầu với 3 tầng nấc: Doanh nghiệp đầu mối và các nhà máy lọc dầu; thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, nhưng thực tế cho thấy, việc quản lý đang bị buông lỏng.

Cụ thể, vẫn có tình trạng nhiều doanh nghiệp đầu mối không nhập khẩu đủ hạn mức nhập khẩu được phân giao nên quay sang mua bán lòng vòng từ các đầu mối thương nhân phân phối, thậm chí mua lại từ các công ty con, chi nhánh của doanh nghiệp đầu mối khác để qua mặt cơ quan chức năng.

Nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu cần hướng tới giải quyết bài toán về nguồn cung - Ảnh minh họa: ITN

Số liệu thống kê năm 2020 cho thấy, có tới 15 doanh nghiệp đầu mối có tổng lượng phân giao nhập khẩu chỉ khoảng 500.000 m3/tấn và có tới 8 doanh nghiệp có mức nhập khẩu và tổng nguồn không đạt lượng nhập khẩu và tổng nguồn đã được chính Bộ Công Thương giao. Những doanh nghiệp không nhập khẩu đủ hạn ngạch phải kể đến như: Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty CP Thương mại đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty Cổ phần Anh Phát Petro (Thanh Hoá), Công ty Cổ phần Xăng dầu Tân Nhật Minh, Công ty TNHH Hà Anh…

Đáng nói, trong đợt thanh tra của năm 2022, Vụ Thị trường trong nước tiếp tục phát hiện nhiều doanh nghiệp đầu mối tiếp tục không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao gồm: Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hưng Phát; Tổng Công ty thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên; Công ty Cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel); Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam; Công ty TNHH Trung Linh Phát (mặt hàng xăng); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh.

Trước thực trạng đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, việc xây dựng một nghị định mới là cần thiết để có thể quyết triệt để các tồn tại, hạn chế trong thị trường xăng dầu.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty xăng dầu Bội Ngọc cho biết, khi ban hành Nghị định 80/2023/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng một Nghị định mới thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu, trình Chính phủ trong thời gian tới.

“Nghị định 80/2023/NĐ-CP được ban hành mới chỉ giải quyết phần nào những bất cập về thị trường xăng dầu trong thời gian qua. Để giải quyết triệt để những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu, cần có một Nghị định mới hoàn toàn”, TS Giang Chấn Tây chia sẻ.

Góp ý xây dựng Nghị định mới, TS Giang Chấn Tây cho rằng, cơ quan điều hành phải bảo đảm mục tiêu làm sao đáp ứng được nguồn cung xăng dầu, bảo đảm giá xăng dầu phải góp phần kiểm soát CPI, giải quyết bài toán cạnh tranh và thị trường. Đồng thời, cần làm sao để thị trường xăng dầu đạt được mục tiêu cao nhất là bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, kiểm soát CPI - một trong những cân đối chính của kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

“Về quan điểm trong việc soạn thảo Nghị định lần này, tôi cho rằng cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch, từ đó sẽ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân”, TS Giang Chấn Tây bày tỏ.

Đồng thời đề nghị, cần tách doanh nghiệp đầu mối ra khỏi phần bán lẻ trong hệ thống, thành lập doanh nghiệp bán lẻ riêng, hạch toán độc lập để có báo cáo tài chính, chi phí, lãi lỗ riêng.

“Việc đầu mối không tham gia bán lẻ sẽ giúp tránh được tình trạng chuyển giá, chuyển lỗ lãi giữa bán lẻ và công ty mẹ, phản ánh đúng tình hình kinh doanh và tài chính của khâu bán lẻ. Khi đó sẽ giải quyết được ngay vấn đề chi phí định mức gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp bấy lâu nay”, TS Giang Chấn Tây phân tích.

Đồng quan điểm với TS Giang Chấn Tây, ông Nguyễn Hùng Việt - Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Nguyễn Hùng Việt cũng cho rằng, nếu Chính phủ mạnh dạn chuyển sang cơ chế thị trường thì nên mạnh dạn để cho thị trường quyết định hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Được biết, vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã có Văn bản số 06/BCT-TTTN đề nghị các Sở Công Thương địa phương rà soát, đề xuất nội dung, góp ý để xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu để trình Chính phủ trong quý II/2024.

Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp