Sửa Luật Viễn thông: Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh

2022-10-28 08:33:00

Sau hơn 10 năm áp dụng, Luật Viễn thông đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp, do đó cần sớm được điều chỉnh để giải quyết những vướng mắc cũng như để đáp ứng xu thế phát triển mới…

Đó là nhận định của các chuyên gia pháp lý xung quanh dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đang được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhằm xây dựng một luật thống nhất, tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện để quản lý hoạt động viễn thông.

>>Sửa Luật Thanh tra: Khắc phục chồng chéo trong hoạt động thanh tra

Sau hơn 10 năm áp dụng, Luật Viễn thông đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp. Ảnh minh họa

Những hạn chế, vướng mắc

Theo đó, Luật Viễn thông được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010, có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về viễn thông ở nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa.

Sau hơn 10 năm áp dụng, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn thi hành đã giúp thúc đẩy cạnh tranh, phát triển cơ sở hạ tầng mạng viễn thông hiện đại, phát triển thị trường viễn thông với đa dạng các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, từ năm 2010 đến nay, một số luật chung như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Quy hoạch… đã được ban hành và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, hiện nay, một số điểm trong Luật Viễn thông không còn đồng bộ, thống nhất với các quy định của luật chung và cần được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Bên cạnh đó, lĩnh vực viễn thông xuất hiện các loại hình dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới. Yêu cầu hạ tầng viễn thông mở rộng thêm các cấu phần mới để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số dẫn đến việc cần mở rộng phạm vi quản lý của lĩnh vực viễn thông...

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp , luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho biết, các quy định về quản lý và điều tiết thị trường hiện nay đã thể hiện một số bất cập như chưa có chính sách phát triển các doanh nghiệp mạng viễn thông di động ảo để thể chế hóa quan điểm của Đảng về việc thúc đẩy tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông mới; chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ của các doanh nghiệp có hạ tầng mạng trong việc cho thuê hạ tầng dẫn đến hạ tầng viễn thông đã được đầu tư chưa được khai thác hết năng lực, thị trường mạng viễn thông ảo ở Việt Nam chậm phát triển, các nhóm khách hàng thuộc thị trường ngách chưa phát triển.

Theo luật sư Biên, quá trình triển khai cấp giấy phép cho các doanh nghiệp viễn thông hiện nay với việc cấp phép chỉ có một hình thức cấp phép chung và quy trình, thủ tục là như nhau, không phân loại theo tính chất của mạng, dịch vụ viễn thông, chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng doanh nghiệp xin cấp phép cũng như loại giấy phép viễn thông; điều kiện cấp phép là vốn pháp định và cam kết đầu tư hiện nay không còn phù hợp.

“Xu thế phát triển dịch vụ vệ tinh chùm với các nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, mất an toàn mạng lưới, an ninh thông tin, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng cũng như thị trường dịch vụ băng rộng cố định và di động trong nước, đòi hỏi phải có thêm các chính sách quản lý một cách phù hợp, hiệu quả”, luật sư Nguyễn Đức Biên chia sẻ.

>>Sửa Luật Việc làm: Phát huy chức năng của bảo hiểm thất nghiệp

Các chuyên gia cho rằng, Luật Viễn thông cần sớm được điều chỉnh để giải quyết những vướng mắc cũng như để đáp ứng xu thế phát triển mới. Ảnh minh họa

Mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Được biết, theo dự thảo, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật được bổ sung, mở rộng so với quy định hiện hành bao gồm hoạt động viễn thông và thêm trung tâm dữ liệu, kết nối IoT, định danh kết nối số, quản lý kinh doanh viễn thông bao gồm cả kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ IaaS.

Đối tượng áp dụng của dự án Luật được bổ sung, mở rộng so với quy định hiện hành bao gồm cá nhân, tổ chức tham gia trực tiếp hoặc có liên quan đến hoạt động viễn thông và trung tâm dữ liệu, kết nối IoT, định danh kết nối số, quản lý kinh doanh viễn thông bao gồm cả kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ IaaS tại Việt Nam.

Dự thảo cũng đề xuất chính sách quản lý và điều tiết thị trường với mục tiêu tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy thị trường bán buôn, bán lẻ phát triển.

Giải pháp thực hiện là bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động bán buôn và trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc điều tiết thị trường này. Cụ thể, cung cấp các dịch vụ viễn thông theo hình thức bán buôn với giá cước, điều khoản và điều kiện công bằng, hợp lý, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp mua lại dịch vụ; công khai, minh bạch thông tin giá cước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông. Xây dựng hợp đồng mẫu và báo cáo cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông...

Đối với chính sách hoàn thiện các quy định về cấp phép viễn thông: Điều chỉnh, bổ sung cách thức cấp phép, điều kiện cấp phép theo thông lệ quốc tế thành 3 hình thức cấp phép gồm cấp phép riêng (Individual licence), cấp phép nhóm (Class license/ General Authorization) và miễn cấp phép (Open entry).

Bỏ các quy định về vốn pháp định trong điều kiện cấp Giấy phép thiết lập mạng; sửa đổi quy định cam kết đầu tư bằng tiền thay bằng các cam kết về triển khai mạng lưới, dịch vụ. Điều chỉnh Giấy phép cung cấp dịch vụ cấp cho doanh nghiệp có hạ tầng mạng có thời hạn 15 năm để đồng bộ với giấy phép thiết lập mạng.

Thông tin từ Bộ TT&TT cho biết, chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, tiết kiệm chi phí và thời gian của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thực thi quản lý cấp phép. Tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi với người sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất chính sách hoàn thiện các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên hạ tầng viễn thông mới. Cụ thể, bổ sung một số quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp trong trường hợp phá sản, giải thể, dừng hoạt động. Quy định doanh nghiệp triển khai các biện pháp ngăn ngừa cuộc gọi giả mạo, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Trong môi trường số, thông tin riêng liên quan đến người sử dụng cần bảo vệ được mở rộng hơn, do đó cần bổ sung các nhóm thông tin riêng cần được bảo đảm bí mật, như thông tin thời gian truy nhập Internet, địa chỉ website. Bổ sung các quy định về quy trình giải quyết khiếu nại về sử dụng dịch vụ trên môi trường số, xác định trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan có liên quan.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.