Đây là thời điểm để luật hóa các cơ chế, quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong thời gian gần đây.
Đó là khẳng định của ông Phan Đức Hiếu - Đại biểu Quốc hội Thái Bình - Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội với Diễn đàn Doanh nghiệp.
>>> “Ma trận” thanh tra và điểm nghẽn của môi trường kinh doanh
Vẫn còn hiện tượng có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, thậm chí có đến hàng chục đoàn đến cùng một địa điểm trong một năm và cùng một vấn đề
Ông Hiếu khẳng định: Bên cạnh mặt tích cực, tình hình thanh, kiểm tra doanh nghiệp vẫn là gánh nặng đối với doanh nghiệp: Điều tra Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020 cho thấy vẫn còn 64% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có đón tiếp đoàn thanh, kiểm tra.
Thực trạng thanh tra như nêu trên vẫn rất đáng quan ngại, trong đó, trung bình khoảng 20% phải trả chi phí không chính thức, trung bình 14% doanh nghiệp cho biết vẫn bị phiền hà khi bị thanh tra, trung bình 9% doanh nghiệp bị thanh tra trùng lặp,...; trung bình 10% bị thanh tra trên 3 lần/năm. Theo điều tra này, Gánh nặng thanh, kiểm tra dường như gia tăng theo thời gian hoạt động và quy mô của doanh nghiệp.
Ông Hiếu cho biết, tại Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan Nhà nước khi tiến hành việc thanh, kiểm tra phải “theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan. Công khai trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo; căn cứ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý thuế”.
Đặc biệt, ngày 17/5/2017, ngay tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký và ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, giảm thiểu phiền hà cho các doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Chỉ thị số 11/CY-TTg về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ứng phó dịch Covid đã yêu cầu: Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp; cơ quan thanh tra không thanh tra ngoài kế hoạch.
Tuy nhiên, biện pháp theo Nghị quyết và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ là tạm thời, chỉ đạo hành chính, không bền vững, vẫn làm cho doanh nghiệp vẫn còn nguyên tâm lý lo lắng, chưa an tâm. Do đó, sửa đổi Luật Thanh tra lần này là cơ hội tốt nhất để luật hoá những nguyên tắc nêu trên trong chỉ đạo của Chính phủ.
Vì vậy, ngoài việc "đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ về tình hình thanh kiểm tra doanh nghiệp; từ đó làm cơ sở cho hoàn thiện quy định trong Luật về thanh tra chuyên ngành/thanh tra doanh nghiệp", ông Hiếu cũng cho rằng cần có một quy định riêng, đặc thù cho thanh tra chuyên ngành mà đối tượng chủ yếu là doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Ngoài ra, ông Hiếu kiến nghị là khi xây dựng quy định về thanh tra chuyên ngành thì cơ quan soạn thảo nên chủ động tham khảo ý kiến, tham vấn rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp, không nên bị động. "Theo tôi lần này tiếp cận một cách tích cực hơn là chủ động phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về quy định" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...