Cũng tại trả lời Công văn số 10569/BTC-TCT ngày 14/9/2021 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (Dự thảo), bên cạnh một số quy định khó khả thi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, phương pháp tính thuế với hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT còn thiếu rõ ràng.
Về nghĩa vụ cung cấp thông tin của sàn thương mại điện tử, Điều 1.5 Dự thảo (bổ sung Điều 19a vào Thông tư 40/2021/TT-BTC) quy định, sàn thương mại điện tử cần cung cấp các thông tin của cá nhân kinh doanh cho cơ quan thuế.
Theo VCCI, quy định này cần xem xét ở các điểm: Thứ nhất, Dự thảo quy định các thông tin sàn TMĐT cần cung cấp gồm: họ tên người bán; số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; số điện thoại liên lạc; doanh thu; tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, quy định trên là chưa phù hợp. Bởi một số thông tin trên không phải là thông tin bắt buộc mà sàn phải thu thập (theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP), chẳng hạn, thông tin về số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước hoặc hộ chiếu.
Một ví dụ khác là thông tin về tài khoản ngân hàng của người bán, đặc biệt với các sàn TMĐT giao đồ ăn (Grab, ShopeeFood, Beamin…) – vốn thực hiện thanh toán và chi trả chủ yếu qua tiền mặt từ đội ngũ shipper.
VCCI cho rằng, việc yêu cầu các sàn tiến hành thu thập thêm các thông tin này sẽ gây tốn kém rất lớn cho các sàn bởi phát sinh chi phí kêu gọi người bán cung cấp thông tin, trong khi kết quả đạt được thực tế có thể rất thấp. Một tình huống đã xảy ra trong thực tế là tỷ lệ thực hiện được rất thấp với quy định yêu cầu bắt buộc chuyển đổi từ thẻ chip sang thẻ từ do người dân không chủ động thực hiện dù các ngân hàng đã thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích.
“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng chỉ quy định những thông tin người bán mà các sàn đã có sẵn”, VCCI góp ý.
Thứ hai, Dự thảo quy định sàn TMĐT cần cung cấp thông tin về tổng doanh thu bán hàng của người bán qua sàn. Tuy nhiên, theo VCCI, quy định này chưa rõ ràng vì không rõ tổng doanh thu được tính như thế nào. Thực tế, các sàn hiện nay chỉ ghi nhận số lượng đơn hàng, giá trị đơn hàng, giá trị đơn hàng lại bao gồm nhiều nội dung như giá trị hàng hóa (giá bán), tiền phí vận chuyển (trả cho đơn vị vận chuyển, tính riêng so với giá trị đơn hàng), phí giao dịch qua sàn (trả cho sàn TMĐT), các khoản giảm giá, khuyến mại (giảm giá của người bán; giảm giá của sàn)…Ngoài ra chưa kể các trường hợp hủy đơn, hoàn đơn…
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn về cách tính tổng doanh thu bán hàng của người bán qua sàn TMĐT.
Thứ ba, Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin định kỳ theo quý hoặc theo yêu cầu của cơ quan thuế.
>> Hóa đơn điện tử: Bước chuyển quan trọng trong quản lý thuế
Theo VCCI, quy định này chưa rõ ràng ở điểm trong trường hợp nào cơ quan thuế được yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin theo yêu cầu. Việc này có thể dẫn đến tình trạng tùy tiện trong việc áp dụng, cũng như tạo gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, trong khi toàn bộ thông tin đã được cung cấp định kỳ cho cơ quan thuế. Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch của quy định, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu.
Thứ tư, Dự thảo chưa có quy định cụ thể về chủ thể tiếp nhận thông tin cung cấp từ sàn TMĐT. Không rõ đó là Tổng cục Thuế hay sẽ là các Cục thuế, Chi cục Thuế địa phương? Hơn nữa, quy định tại Dự thảo cũng như tại Thông tư 40/2021/TT-BTC cũng không có quy định về chia sẻ thông tin được cung cấp từ sàn giữa các cơ quan thuế với nhau.
Do vậy, để đảm bảo tính rõ ràng của quy định, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ các nội dung này.
Về phương pháp tính thuế với hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, theo VCCI, thực tế hiện nay, có nhiều hộ, cá nhân kinh doanh vừa kinh doanh tại chỗ (offline) vừa kinh doanh online trên nền tảng thương mại điện tử, chẳng hạn như các cửa hàng ăn uống hoặc quán cà phê… Khi kinh doanh trên thương mại điện tử, hộ, cá nhân kinh doanh sẽ phải nộp riêng thuế cho phần doanh thu này (thuế khoán - từ dữ liệu mà sàn cung cấp).
Việc xác định thuế khoán (khi thực hiện ấn định thuế) sẽ thực hiện thông qua việc khảo sát của cơ quan thuế, chẳng hạn như số lượng khách trong một ngày của quán, số lượng nhân viên… trong khi, việc kinh doanh được thực hiện tại cùng một địa điểm.
VCCI cho rằng, việc này đặt ra vấn đề liệu có xuất hiện chồng lấn thuế giữa hoạt động kinh doanh tại chỗ và kinh doanh thương mại điện tử hay không? Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể, đặc biệt với việc xác định thuế khoán để tránh trường hợp thu hai lần thuế.