Bài học của Nghị quyết 128/NQ-CP giúp chúng ta tự tin hơn trong việc giải quyết tất cả vấn đề sau đó.
>> Số ca tử vong, nguy kịch giảm mạnh sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 128
TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh tại cuộc tọa đàm “Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, chiều 5/10.
TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
TS. Phan Đức Hiếu nhớ lại cảm giác ngay sau khi được ban hành. Đó là sự thay đổi về cách tiếp cận, phương pháp chống dịch và phát triển kinh tế. Từ việc chống dịch bằng mọi giá tại thời điểm đó, chúng ta nhắc nhiều đến từ "mục tiêu kép" tức là phải cân bằng giữa việc chống dịch và phát triển kinh tế.
Chúng ta hình dung ra cách tiếp cận mới này là chiến lược hơn, dài hạn hơn, tổng thể hơn. Tâm thế của chúng ta bắt đầu thay đổi, trước đây đâu đó chúng ta hơi sợ hãi, lúng túng, bị động, các địa phương độc lập với nhau thì nay phải thay đổi, buộc phải hợp tác với nhau, tự tin hơn trong giải quyết các vấn đề.
“Bài học của NQ128 giúp chúng ta tự tin hơn trong việc giải quyết tất cả vấn đề sau đó. Đây là điểm đạt được rất lớn”, TS. Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Vẫn theo TS. Phan Đức Hiếu, NQ128 tác động đến các con số phát triển kinh tế. Trước khi chúng ta có NQ128, doanh nghiệp rất lúng túng và bị động trong tổ chức sản xuất, kinh doanh vì không lường trước được các biện pháp chống dịch như thế nào.
Sau khi có NQ128 doanh nghiệp khôi phục được niềm tin, xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn và không lo lắng có thể bị chấm dứt hay gián đoạn bất kể khi nào và gây thiệt hại cho mình.
Người dân cũng vậy, họ bắt đầu xây dựng cho mình kế hoạch sinh sống, làm việc dài hạn hơn. Nếu không có kế hoạch bài bản, dài hạn vững chắc rất khó tạo ra thành quả như ngày hôm này.
>> TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Kiểm soát dịch trên các tuyến giao thông theo đúng Nghị quyết 128/NQ-CP
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Còn theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, NQ128 là Nghị quyết có tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội trong cả nước.
Cụ thể, thời điểm cuối tháng 9/2021, khi Tổng cục Thống kê công bố kết quả tăng trưởng GDP, mức giảm rất sâu, -6%. Nguyên nhân bởi khi đó chúng ta kiểm soát dịch bệnh bằng cách hạn chế sự di chuyển của người dân nhằm hạn chế sự lây lan. Việc kinh tế tăng trưởng âm cho thấy sự khốc liệt của dịch bệnh COVID-19 thời điểm đó.
NQ128 ra đời là bước ngoặt mạnh mẽ và tác động kịp thời tới sự tăng trưởng của cả nền kinh tế. Ngay quý IV/2021, GDP cả nước đã đạt kết quả dương. Từ đó cho đến nay, bước sang quý III/2022, cùng với NQ128 là Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành và một số giải pháp khác đã tác động rất tích cực tới cả nền kinh tế.
Với các giải pháp bổ sung như vậy, chúng ta thấy rõ nét sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và sự phục hồi đó được duy trì cho đến nay, hướng đến trạng thái phục hồi và tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Vừa qua, Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả tăng trưởng quý III và 9 tháng năm nay với con số tăng trưởng GDP là 13,67% so với cùng kỳ năm trước do quý III/2021 là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Đây là con số ta chưa bao giờ thấy được khi kết quả tăng trưởng GDP lên tới 2 con số. Bình quân 9 tháng đạt tăng trưởng 8,83%, cũng là mức tăng trưởng cao”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Có thể thấy, kết quả tăng trưởng trong quý III năm nay với con số 13,67% không phải con số ngẫu nhiên mà là sự tăng trưởng thực chất của nền kinh tế do nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi.
Thời điểm dịch bệnh diễn ra và sau dịch bệnh, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong năm nay, chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn khi giá vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng rất cao nhưng ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2022 tiếp tục tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%.
Về dịch vụ, với chính sách mở cửa du lịch, hầu hết các ngành dịch vụ trong nước đều phục hồi. Du lịch quốc tế vẫn còn đang ở con số khiêm tốn, tính chung 9 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 1.800.000 lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch COVID-19. Mặc dù vậy, những ngành khác như vận tải, dịch vụ đều phục hồi mạnh mẽ.
“Có thể thấy, NQ128 đã đặt nền móng rất lớn, là bước ngoặc quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế như ngày hôm nay”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nói.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...