Trước một số vướng mắc, gây khó khăn của người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, việc ban hành Nghị định 91/2022/NĐ-CP, được cho sẽ là giải pháp tháo gỡ…
>> Cần đơn giản hóa việc xác định dòng thuế và thuế suất với hàng hoá thương mại điện tử
Theo đó, ngày 30/10, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế (Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày ký).
Nghị định 91/2022 được cho sẽ tháo gỡ những vướng mắc về thuế - Ảnh minh họa: QĐND
So với chính sách hiện hành, Nghị định mới được ban hành có các điểm sửa đổi chính tập trung vào các nội dung: về khai thuế thu nhập cá nhân của tổ chức, cá nhân không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân; về trách nhiệm của tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong việc cung cấp thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có mua bán hàng hóa dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT cho cơ quan quản lý thuế;
Về quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ; về việc nộp hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường đối với than khai thác và thu nội địa; về trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ; về thời điểm tổ chức khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức, nhận thưởng bằng chứng khoán; sửa đổi Thông báo ngừng sử dụng hóa đơn theo Mẫu số 04-1/CC ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
Đáng nói, về quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ, tổng số thuế TNDN, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đã tạm nộp của 04 quý không được thấp hơn 80% số phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp nộp thiếu so với số phải tạm nộp 04 quý thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền phải nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp quý 4 đến ngày liền kề trước ngày nộp thuế/TNDN lợi nhuận sau thuề còn lại sau khi trích lập quỹ còn thiếu vào ngân sách Nhà nước.
>> Thương mại điện tử xuyên biên giới giúp doanh nghiệp "tăng tốc"
Việc bỏ quy định sàn TMĐT nộp thuế thay người bán hàng trong Nghị định 91/2022 được cho sẽ giải tỏa những quan ngại của doanh nghiệp, người kinh doanh trên nền tảng TMĐT - Ảnh minh họa: Internet
Về trách nhiệm khai thuế, nộp thuế của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, Nghị định 91/2022 quy định chủ sở hữu sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuê thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT bảo gồm: tên người bán hàng, mã số thuế hoặc cố định danh cá nhân hoặc CMND hoặc CCCD hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến.
Việc cung cấp thông tin này được thực hiện định kỳ hàng quý, chậm nhất là vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, bằng phương thức điện tử, thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố. Như vậy, sàn TMĐT không phải nộp thuế thay người bán mà chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.
Những sửa đổi đã nêu, không chỉ cho thấy sự cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp của các bên trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách về quản lý thuế, mà còn đem đến nhiều kỳ vọng về việc tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc đã và đang tồn tại từ khi triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020 hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế.
Theo các chuyên gia, nếu so với quy định trước đây, doanh nghiệp phải tạm nộp thuế TNDN theo từng quý và tổng số thuế TNDN tạm nộp trong 3 quý không được thấp hơn 75% của số thuế phải nộp theo quyết toán cả năm, thời hạn nộp thuế sẽ là 30/10 trong năm đó. Thì theo quy định mới, việc chuyển sang áp dụng 80% của 4 quý thì thời hạn nộp sẽ là ngày 30/01 năm sau, từ đó sẽ tạo ra nguồn lực cho doanh nghiệp trong giai đoạn cuối năm, triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Chưa kể, theo quy định cũ, nếu số thuế tạm nộp của 3 quý đầu năm thấp hơn số thuế doanh nghiệp phải nộp của cả năm, thì doanh nghiệp sẽ bị tính tiền chậm nộp trên số thuế thấp hơn 75% đó. Và trên thực tế nhiều doanh nghiệp ước tính kết quả kinh doanh vào quý III không chính xác và đến quý IV nếu có kết quả kinh doanh tốt hơn so với các quý trước thì sẽ đối mặt với rủi ro bị phạt chậm nộp.
Chính vì vậy, Nghị định 91/2022 sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện được chính xác số thuế TNDN phải nộp và được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2021. Và đây được cho là điểm mới giúp tháo gỡ vướng mắc về thuế cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN đánh giá, Nghị định mới ban hành đã điều chỉnh, sửa đổi những quy định bất hợp lý, gây khó khăn cho nhà kinh doanh trong hai năm qua. Bởi có quy định như vậy, mới giúp doanh nghiệp thực hiện hạch toán, ghi chép sổ sách kịp thời để chủ động trong việc thực hiện chính sách thuế, tránh được nguy cơ đối diện với chế tài chậm nộp.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, TMĐT Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và dự báo có sự phát triển vững chắc. Dữ liệu mới đây cho thấy, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam năm 2015 khoảng 4 tỷ USD, nhưng theo dự báo đến năm 2025, quy mô thị trường lên tới 49 tỷ USD, thậm chí, Google còn dự báo, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam trong năm 2025 lên tới 57 tỷ USD.
Và để TMĐT phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, hành lang pháp lý đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Việc Nghị định 91/2022 bỏ quy định sàn TMĐT phải nộp thuế thay người bán hàng so với Dự thảo trước đó, sẽ giúp doanh nghiệp, người kinh doanh trên nền tảng TMĐT giải tỏa được những quan ngại về trùng lặp thuế; gánh nặng về chi phí tuân thủ;… tạo động lực thúc đẩy phát triển lĩnh vực tiềm năng này.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...