Sau nhiều mong đợi, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020 đã được ban hành, tạo kỳ vọng khơi lại “huyết mạch” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau biến động…
>> Niềm tin và luật chơi trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65/2022) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế .
Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ - Ảnh minh họa: TT
Theo đó, Nghị định 65/2022 đã sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích. Từ đó, mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.
>> Dư địa cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Bên cạnh đó, bổ sung khoản 4 và khoản 5 Điều 5 về nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu. Cụ thể, đối với trái phiếu đã phát hành tại thị trường trong nước, doanh nghiệp chỉ được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu quy định tại Điều 6 Nghị định này khi đáp ứng các quy định: Được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua; Được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.
Thông tin về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin bất thường theo quy định tại Điều 22 Nghị định này…
Đồng thời, bổ sung cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Cụ thể, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán.
Theo đó, tổ chức có trách nhiệm xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 155/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, ngoại trừ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản này.
Chuyên gia kỳ vọng, khi hành lang pháp lý đã được sửa đổi phù hợp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới - Ảnh minh họa: Internet
Việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Luật Chứng khoán để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 02 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại…
Bên cạnh những nội dung đã nêu, Nghị định 65/2022 cũng bổ sung quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu; Sửa đổi thời hạn công bố thông tin, tăng cường tính minh bạch.
Những sửa đổi, bổ sung này được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý phù hợp, đảm bảo tính công khai, minh bạch khơi thông lại “huyết mạch” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau những bất ổn thời gian qua.
Thực tế, sau một thời gian phát triển “nóng”, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có dấu hiệu chững lại vì “tai tiếng” từ hàng loạt các vụ bê bối của một số doanh nghiệp, Tập đoàn. Và theo các chuyên gia, đây là bài học cho tất cả các bên tham gia thị trường: doanh nghiệp huy động vốn, nhà đầu tư mua trái phiếu và cơ quan chức năng trong việc quản lý…
Lý giải “khiếm khuyết” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, TS Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, mới tập đi mà đã đi quá nhanh thì hay bị ngã, đôi khi ngã rất đau. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng vậy, vừa rồi xảy ra một số vụ việc, tuy nhiên, cách xử lý không gây ra sự xáo động quá lớn với thị trường. Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành chỉ chậm lại trong tháng 4, tháng 5 và tới tháng 6 thì lượng phát hành đã tăng trở lại.
Theo ông Tú Anh, điều quan trọng, khi chúng ta tham gia thị trường đều có niềm tin, luật chơi ở đây là nếu người ta làm sai thì phái trả giá, bất kỳ thị trường nào cũng đều phải xây dựng hệ thống niềm tin. Thông thường, chúng ta có 2 cách tiếp cận về niềm tin. Cách cổ điển là chúng ta xây dựng luật chặt chẽ, kiểm soát thật chặt để lọc bớt rủi ro, cách làm như thế đúng là ít rủi ro, nhưng lại tiêu diệt thuộc tính đương nhiên của thị trường là có rủi ro.
“Do đó, cần có cách tiếp cận mới là phải xây dựng niềm tin, xây dựng các công cụ xử lý rủi ro, bởi mỗi nhà đầu tư có khẩu vị khác nhau về rủi ro, nên có những nhu cầu khác nhau, vì thế, cần có các công cụ khác nhau”, ông Tú Anh bày tỏ.
Đồng quan điểm với TS Nguyễn Tú Anh, trước đó, không ít chuyên gia cũng cho rằng, khát vốn đang là tình trạng chung của các doanh nghiệp hiện nay, nhất là khi room tín dụng ngân hàng gần như cạn kiệt. Với vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng, khi hành lang pháp lý đã được sửa đổi phù hợp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...