Một số quy định của Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm còn chưa phù hợp thực tế

2022-05-17 15:24:06

Góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, bên cạnh những mặt tích cực, VCCI cho rằng, một số quy định tại Dự thảo còn chưa phù hợp thực tế…

>> Góp ý Dự thảo sửa đổi Nghị định 82: Nhiều ưu đãi cho khu công nghiệp sinh thái chưa thiết thực

Trả lời Công văn số 845/UBKT15 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI ) cho rằng, một số quy định còn chưa phù hợp thực tế.

Một số quy định của Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm còn chưa phù hợp thực tế - Ảnh minh họa

Cụ thể, về Giải thích từ ngữ, theo VCCI khoản 5 Điều 4 Dự thảo giải thích từ ngữ về “hoạt động đại lý bảo hiểm” theo hướng liệt kê các hoạt động của đại lý. Việc quy định theo hướng liệt kê có thể khiến cho quy định không bao quát được các trường hợp trên thực tế.

>> VCCI góp ý Dự thảo Thông tư về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu

Ví dụ: đại lý bảo hiểm còn có thể thực hiện các hoạt động như: bàn giao hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng, thống kê, nhập liệu thông tin đơn bảo hiểm, cung cấp nền tảng công nghệ thông tin để khách hàng đăng ký tham gia bảo hiểm/nộp phí bảo hiểm/yêu cầu trả tiền bảo hiểm, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm trong việc xác minh việc xảy ra sự kiện bảo hiểm, giải thích hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp khách hàng có thắc mắc về điều kiện điều khoản trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm,… Đây là những công việc chưa được liệt kê trong quy định tại khoản 5 Điều 4.

Để đảm bảo quy định phù hợp với thực tế, VCCI đề nghị bổ sung quy định dạng quét tại khoản 5 Điều 4 như sau: “Hoạt động đại lý bảo hiểm là một hoặc một số hoạt động bao gồm tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm, thu phí bảo hiểm, thu thập hồ sơ để phục vụ việc giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm và các công việc khác nhằm thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài”.

VCCI đề nghị bỏ một số quy định thiếu thiết thực - Ảnh minh họa

Về Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, khoản 2 Điều 19 Dự thảo quy định phải “có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoái giải thích đầy đủ và hiểu rõ” các nội dung về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

VCCI cho rằng, đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp nhất. Việc yêu cầu phải có bằng chứng xác nhận bên mua đã được giải thích và hiểu rõ các nội dung về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, mục đích là bảo về quyền lợi của người mua, tuy nhiên, quy định này có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các bên và thủ tục phiền hà khi giao kết hợp đồng.

Trong khi, liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm, Dự thảo đã có nhiều quy định như:

Thời gian cân nhắc tiếp tục tham gia hợp đồng: Điều 35 Dự thảo quy định, trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, người mua có thể quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trong khoảng thời gian này, người mua có thể tìm hiểu kỹ các nội dung hợp đồng, trong đó có các điều khoản về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và có quyền tiếp tục hoặc từ chối tham gia bảo hiểm;

Điểm b khoản 2 Điều 20 Dự thảo yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải có nghĩa vụ “giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm”.

Vì vậy, VCCI đề nghị cân nhắc bỏ quy định phải có bằng chứng xác nhận này.

Bên cạnh đó, về Thay đổi phải thông báo, điểm a khoản 2 Điều 74 Dự thảo quy định, khi thay đổi điều lệ của doanh nghiệp, quy chế hoạt động của chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp phải thông báo cho Bộ Tài chính.

Theo VCCI, việc yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo khi thay đổi Điều lệ sẽ chỉ làm gia tăng gánh nặng về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, đi ngược lại với định hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính của Việt Nam và cũng không thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp.

Điều lệ của doanh nghiệp là văn bản ghi nhận các nguyên tắc tạo lập, hoạt động và giải thể của một doanh nghiệp, trong đó có nhiều quy định mang tính chất quản lý nội bộ của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp hiện hành cho phép các doanh nghiệp được tự chủ trong việc sửa đổi Điều lệ mà không cần phải đăng ký/thông báo, trừ trường hợp thay đổi chủ sở hữu. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, các thay đổi quan trọng đã phải thực hiện các thủ tục xin phê duyệt từ Bộ Tài chính, do đó, việc yêu cầu thông báo trước khi thay đổi Điều lệ là không thực sự cần thiết.

“Do đó, đề nghị bỏ quy định này”, VCCI góp ý.

Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp.