“Ma trận” các hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp thời gian qua là một trong những điểm nghẽn điển hình của môi trường kinh doanh ở nước ta suốt nhiều năm.
>> Đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc xử lý chất thải y tế
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), ngày 13/6.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh rất nhiều. Hiện tượng có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, thậm chí có đến hàng chục đoàn đến cùng một địa điểm trong một năm và cùng một vấn đề thì không phải là chuyện lạ.
Những năm gần đây, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 35 hay là Chỉ thị 20 hay gần đây là Chỉ thị 11, thì công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng các quy định pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn bất cập. Cho nên, yêu cầu xóa bỏ sự chồng chéo, trùng lặp và nâng cao chất lượng các hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn còn là một vấn đề và chưa được giải quyết tận gốc, vừa gây áp lực đối với cơ quan thanh tra, kiểm tra, lại vừa gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp.
Mặt khác, việc chuyển trọng tâm của công tác quản lý và chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm cũng đặt ra thay đổi trong tư duy của công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thời gian tới.
“Trong bối cảnh đó, tôi rất hoan nghênh Chính phủ đã trình ra Quốc hội dự thảo Luật Thanh tra lần này theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rạch ròi hơn trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt là tăng cường sự phối hợp để có thể giảm được sự chồng chéo. Đây là điểm rất quan trọng và tôi rất hy vọng Quốc hội sẽ thông qua luật này trong kỳ họp sau để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp và cũng nâng cao chất lượng công tác của chúng ta trong lĩnh vực này”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Bên cạnh việc đánh giá cao cách tiếp cận tổng thể và những thiết kế cụ thể của dự luật theo các hướng nêu trên, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng có một số băn khoăn.
Thứ nhất, về tên của Luật Thanh tra. Năm 2010 chúng ta gọi là Luật Thanh tra, trong Luật Thanh tra bao gồm Thanh tra Nhà nước và Thanh tra nhân dân. Thế nên, bây giờ vẫn giữ nguyên tên là Luật thanh tra, nhưng lại chuyển nội dung về thanh tra nhân dân sang một dự luật khác là thực hiện dân chủ ở cơ sở. Như vậy tôi nghĩ không phù hợp.
Giả sử, chúng ta có định đưa sang như vậy thì trong dự luật này cũng phải nói riêng quy định về thanh tra nhân dân sẽ được quy định tại Luật thực hiện dân chủ cơ sở. Nhưng tôi vẫn nghĩ là không nên, vì Thanh tra nhân dân cũng là một chế định rất quan trọng, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân cùng với Thanh tra Nhà nước trong lĩnh vực này.
Thứ hai, trong khi đưa ra Luật Thanh tra, đề cập đến khái niệm Thanh tra Nhà nước chúng ta lại nói luật này quy định thanh tra nhà nước. Nhưng khái niệm chúng ta nói rằng đây là xem xét, là đánh giá, là xử lý việc thực hiện chính sách pháp luật và việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, của cá nhân, tổ chức.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội).
Nhưng ở đây chủ yếu nói thanh tra trong hệ thống hành chính, thanh tra của các cơ quan chính quyền. Như vậy, có thanh tra trong các cơ quan lập pháp và tư pháp hay không? Bởi vì thanh tra định nghĩa ở đây bao gồm xem xét, đánh giá và xử lý thì tôi cho rằng trong cả hai nhánh kia cũng có những nhiệm vụ này.
Thứ ba, trong khi đưa ra định nghĩa về thanh tra nhà nước, chúng ta nói xem xét, đánh giá, xử lý, nhưng nói thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính.
Nhưng trong thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành lại bỏ đi chữ "xử lý". Nó chỉ còn là xem xét và đánh giá. Tôi thấy có sự mâu thuẫn giữa nội hàm của khái niệm mà chúng ta đưa ra ở đây. Cho nên tôi đề nghị nên xem xét lại điều chỉnh các khái niệm này, càng chính xác, càng nhất quán, càng minh bạch thì càng tốt.
Thứ tư, tôi rất hoan nghênh bỏ thiết chế về thanh tra thường xuyên. Bây giờ chỉ còn thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Tôi đề nghị trong bối cảnh mới, một trong những chủ trương quan trọng của cải cách hành chính là thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro.
Chúng ta thực hiện thanh tra, kiểm tra hay bất cứ hoạt động tiền kiểm nào đều được thực hiện theo nguyên tắc rủi ro, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển mạnh sang nguyên tắc quản lý rủi ro. Trong trường hợp như vậy chúng ta nên có những quy định để thanh tra theo kế hoạch phải tìm cách hạn chế đến mức cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Chúng ta có đủ các cơ chế, đủ cách thức để thực hiện kiểm tra hậu kiểm và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Cho nên, việc thực hiện một cách triệt để nguyên tắc quản lý rủi ro và chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm phải là một tư tưởng xuyên suốt trong khi chúng ta thiết lập hệ thống thanh tra cũng như là thực hiện các chương trình thanh tra, kiểm tra ở mọi cấp.
Tôi đề nghị tăng cường việc phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong bộ máy nhà nước để có thể sử dụng những kết quả của nhau, đặc biệt là thông qua việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, thực hiện được kinh tế số và quản trị số trong nền kinh tế hiện nay, để làm sao cơ quan thanh tra, kiểm tra khi đến các đơn vị là đã nắm được tất cả các số liệu cũng như kết luận của các cơ quan đã có trước.
Chúng ta có nguyên tắc để các cơ quan đến sau phải chấp nhận theo những nguyên tắc nào đó những kết quả các cơ quan khác đã đưa ra. Còn họ được đi sâu vào lĩnh vực này, làm thêm lĩnh vực khác, đưa ra những quyết định khác thì cũng cần phải chế định rõ trong các quy định trong luật cũng như văn bản khác, để đảm bảo rằng công tác thanh tra, kiểm tra vừa đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lại tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...