Khoảng trống pháp lý cần được sửa đổi, bổ sung để chống xói mòn cơ sở thuế

2022-09-17 15:36:00

Mặc dù được đánh giá đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm trở lại đây, thế nhưng, theo chuyên gia, công tác quản lý và chính sách thuế vẫn tồn tại nhiều khoảng trống, bất cập…

>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Tránh trường hợp thua lỗ vẫn phải nộp thuế

Theo đó, báo cáo Bộ Tài chính về kết quả hội thảo quốc tế “Thuế đối với thương mại điện tử (TMĐT) và dịch vụ số xuyên biên giới: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam”, Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Việt Nam trong thời gian qua đã từng bước hoàn thiện chính sách , pháp luật và quản lý thuế nhằm tạo nền tảng pháp lý cơ bản đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới. Về quản lý thuế, các chính sách ngày càng được kiện toàn, trong đó phải kể đến như: Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Thông tư số 80/2021/TT-BTC, Thông tư số 40/2021/TT-BTC và Thông tư số 100/2021/TT-BTC, Quyết định số 2146/QĐ-BTC…

Vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập xoay quanh các chính sách thuế - Ảnh minh họa: KTĐT

Bộ Tài chính cũng đã rà soát, bổ sung nhiều quy định về quản lý thuế đối với TMĐT và giao dịch xuyên biên giới, tuy nhiên, đến nay, chính sách và công tác quản lý thuế hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới còn tồn tại những bất cập, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ. Đặc biệt, vẫn còn khoảng trống pháp lý cần được sửa đổi, bổ sung, tránh làm xói mòn cơ sở thuế và để xác định căn cứ tính thuế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới.

Cụ thể về hành lang pháp lý, đơn vị này cho rằng, chính sách thuế đối với TMĐT ở Việt Nam còn một số bất cập như: Những khoảng trống pháp lý đối với các sắc thuế đặc thù (thuế giá trị gia tăng - GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp - TNDN) vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung, như quy định về cơ sở thường trú đối với thuế TNDN, quy định về đối tượng chịu thuế đối với thuế GTGT.

Chưa có quy định cụ thể về một số nội dung như loại thông tin cung cấp, cách thức và thời hạn cung cấp thông tin của cá nhân trong trường hợp sàn giao dịch TMĐT không kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân. Chưa có quy định pháp lý ràng buộc trách nhiệm của các mạng xã hội trong việc cung cấp thông tin về các hoạt động quảng cáo nhằm mục đích kinh doanh của cá nhân trên các mạng xã hội.

Chưa có quy định sàn TMĐT nước ngoài phải thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho người nộp thuế là cá nhân kinh doanh. Chưa có quy định về việc bên Việt Nam là tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài, nếu nhà cung cấp nước ngoài thực hiện kê khai nộp thuế thì bên Việt Nam có thể khấu trừ thuế GTGT đầu vào và chi phí tương ứng căn cứ trên hóa đơn do nhà cung cấp nước ngoài xuất…

>> Sửa Luật Thuế Thu nhập cá nhân: Quy định mức giảm trừ gia cảnh đã lỗi thời

Chuyên gia cho rằng, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để khai thác hết tiềm năng những khoản thếu, đặc biệt là thuế TMĐT - Ảnh minh họa: HNM

Thực tế hiện nay cho thấy, số thuế thu được vẫn tập trung chủ yếu vào các nguồn thu truyền thống, trong khi những lĩnh vực mang lại nguồn thu lớn vẫn chưa khai thác hết tiềm năng như TMĐT.

Theo Tổng cục Thuế, số thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý trong 8 tháng năm 2022 đạt hơn 1,002 triệu tỷ đồng (bằng 118,4% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó, thu nội địa ước đạt 951.789 tỷ đồng (bằng 115,9% so với cùng kỳ năm 2021). Một số nguồn thu có tốc độ tăng trưởng mạnh như thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đạt 98,9% dự toán và tăng 27,7% so cùng kỳ năm trước (dự toán thuế TNCN năm 2022 là 118.075 tỷ đồng), như vậy, số thu sắc thuế này đã đạt 116.776 tỷ đồng.

Ngoài thuế TNCN, một số khoản thu, sắc thuế khác có mức tăng trưởng cao như: thu tiền cho thuê đất ước đạt 101,7% (tăng 39,3% so cùng kỳ), thu lệ phí trước bạ ước đạt 88,9% (tăng 23,6% so cùng kỳ),… Trong khi đó, nếu tính chung số thuế thu được từ các tập đoàn như Google, Facebook, Agoda… cùng hàng triệu cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội trong 6 tháng đầu năm nay vẫn chưa được 2.000 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng, đây là con số quá thấp so với tiềm năng của TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới, trong khi thuế TNCN đã và đang trở thành “gánh nặng” khi các quy định về phương thức tính thuế của sắc thuế này bị cho đã lỗi thời.

Thông tin với báo chí, Luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang bày tỏ, khi Việt Nam tham gia nhiều vào các hiệp định thương mại thì thuế suất đều có xu hướng giảm mạnh, thậm chí về 0%. Vì vậy, nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đang dần giảm đi và cơ quan thuế cần nghiên cứu những nguồn thu mới để khai thác thêm.

“TMĐT là một trong những nguồn thu mới và dự báo sẽ gia tăng dần. Đây là mảnh đất màu mỡ không chỉ hiện tại mà cả trong tương lai, khi các nền tảng công nghệ phát triển mạnh, hình thái thương mại cũng thay đổi từ việc cá nhân, tổ chức thuê mặt bằng buôn bán trực tiếp sẽ chuyển sang trực tuyến nhiều hơn”, Luật sư Trần Xoa chia sẻ.

Theo Luật sư Trần Xoa, trước đây, doanh nghiệp, cá nhân thuê mặt bằng, đăng ký kinh doanh có trụ sở thì việc thu thuế sẽ dễ. Thế nhưng, khi việc bán hàng chủ yếu qua mạng thì đòi hỏi phương thức thu thuế phải thay đổi. Do đó, cơ quan thuế cần quyết liệt hơn nữa trong thu thuế TMĐT bằng cách phối hợp với các ngân hàng thương mại, công ty vận chuyển hàng, tập trung những nơi có nguồn thu lớn.

“Khi số thu TMĐT tăng lên cũng là lúc xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Hiện nay số thu của các sắc thuế này vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách. Đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân ngày càng tăng lên do những bất cập từ chính sách chưa kịp sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Thu nhập của người đóng thuế tăng lên chưa kịp bù đắp do lạm phát thì đã phải đóng thuế. Điều này đã được kiến nghị để thay đổi rất nhiều trong những năm nay nhưng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng có sửa đổi”, Luật sư Trần Xoa bày tỏ.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.